Hỗ trợ doanh nghiệp

Vốn ngoại đổ vào sản xuất

Sự chuyển biến này diễn ra sau một loạt giải pháp từ Chính phủ, đầu tư công bắt đầu quay trở lại, GDP tăng trưởng hơn...

Công ty TNHH Pepperl-Fuchs VN (100% vốn của Đức) đã chọn TP.HCM thay vì Singapore để mở rộng nhà máy sản xuất - Ảnh: Đình Dân

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai đổ vốn vào sản xuất có xu hướng tăng rất mạnh.Trên địa bàn cả nước vốn FDI giải ngân của ba tháng đầu năm cũng tăng... dù vốn đăng ký so với cùng kỳ giảm.

Suốt mấy tháng nay tại Khu công nghiệp (KCN) Đông Nam (huyện Củ Chi, TP.HCM) chủ đầu tư của hai dự án lớn trong lĩnh vực dệt may cao cấp đang tích cực tiến hành xây dựng nhà máy sau khi xin được giấy phép đầu tư.

Chia nhỏ dự án

Với tổng vốn đầu tư 140 triệu USD, Công ty TNHH Worldon VN (vốn British Virgin Islands) cho biết đã thuê sẵn 45ha đất tại KCN Đông Nam để thực hiện dự án xây dựng nhà máy sản xuất sản phẩm may mặc cao cấp với quy mô 80 triệu sản phẩm/năm. Dự kiến nhà máy giai đoạn 1 sẽ chính thức hoạt động vào tháng 6-2015.

Tương tự, dự án sản xuất dệt vải cao cấp của Công ty TNHH Sheico VN (vốn Samoa) có vốn đầu tư 50 triệu USD cũng chia nhỏ dự án thành hai giai đoạn.

Trong đó, giai đoạn 1 sẽ đi vào sản xuất vào tháng 11-2014, với quy mô lĩnh vực dệt vải cho ra 12.000 tấn sản phẩm/năm, may trang phục 4,2 triệu sản phẩm/năm, sản xuất áo phao 1,2 triệu sản phẩm/năm... “Cơ hội đầu tư vào lĩnh vực dệt may của VN sắp tới sẽ rất lớn khi tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên, việc bỏ vốn được chia nhỏ thành nhiều giai đoạn nhằm chia nhỏ rủi ro”, vị đại diện Công ty Sheico phân tích.

Ghi nhận tại phòng đầu tư của Hepza (Ban quản lý khu công nghiệp - khu chế xuất TP.HCM), thời điểm này có nhiều doanh nghiệp FDI đang gấp rút làm thủ tục đăng ký tăng vốn để mở rộng hoạt động sản xuất. Điển hình là trường hợp Công ty TNHH Pepperl-Fuchs VN (100% vốn của Đức) chuyên sản xuất các thiết bị cảm ứng công nghệ cao tại KCX Tân Thuận.

Công ty này vừa mới đăng ký tăng vốn thêm hơn 10 triệu USD và xin thêm 9.000m2 đất để mở rộng nhà máy sản xuất vào ngày 7-4. Ban đầu công ty này dự kiến mở rộng nhà máy ở Singapore nhưng sau đó đã quyết định lựa chọn VN vì môi trường đầu tư ở đây đang được cải thiện, giá thuê đất và nhân công lại rẻ hơn Singapore.

Thêm nhiều nhà đầu tư mới

Ở lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, thời điểm này cũng nổi lên nhiều nhà đầu tư mới đến từ Singapore và Nhật Bản. Ông Masaharu Tsukada - tổng giám đốc Công ty TNHH Maruko Keihoki VN, chủ đầu tư dự án sản xuất còi xe hơi đến từ Nhật Bản - cho hay: “Về lâu dài chúng tôi dự định đầu tư lớn vào VN, tuy nhiên bước đầu chúng tôi đầu tư 2 triệu USD. Ở thời điểm này môi trường đầu tư tại VN có rất nhiều cải thiện, tỉ giá ổn định và đặc biệt thời gian gần đây VN tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do của khu vực và thế giới, điều này mở ra cơ hội cho nhà đầu tư”.

Ông Masaharu Tsukada cho biết dự án của công ty ông vừa đi vào hoạt động tại Khu chế xuất Tân Thuận (Q.7). Dự án chuyên sản xuất còi xe, linh phụ kiện của còi xe hơi và xe gắn máy bằng nhựa và kim loại.

Không chỉ đầu tư mới, nhiều dự án sản xuất cũng đẩy mạnh tăng vốn trong thời điểm này. Ông Sugihara Hitoshi, tổng giám đốc Công ty TNHH thiết kế Renesas VN, cho biết: “Công ty chúng tôi chuyên về thiết kế và nghiên cứu sản xuất chip IC bán dẫn, hiện chúng tôi đã đầu tư 10 triệu USD để mở nhà máy sản xuất tại KCX Tân Thuận. Hiện nay chúng tôi đang làm thủ tục đăng ký tăng vốn, mở rộng hoạt động sản xuất. Sở dĩ chúng tôi chọn VN vì nhiều yếu tố, trong đó môi trường đầu tư VN hiện nay đang cải thiện và ổn định hơn nhiều nước trong khu vực nên nhà đầu tư an tâm hơn các thị trường khác”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Việt Hà - trưởng phòng đầu tư của Hepza - cho biết: “Những tháng đầu năm 2014 vốn FDI đổ mạnh vào sản xuất, trong đó có nhiều doanh nghiệp mở rộng nhà xưởng. Các nhà đầu tư này đánh giá cao nhân lực VN tiếp thu nhanh những công nghệ mới mà họ đưa sang. Các ngành như dệt may một mặt tận dụng cơ hội của TPP, mặt khác đánh giá cao trình độ tay nghề khéo léo và giá nhân công cạnh tranh của VN”.

Tận dụng khoảng trống

Nhận định về xu hướng đầu tư trong giai đoạn hiện nay, nhiều  chuyên gia đầu tư cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài đang tận dụng các khoảng trống khi VN tham gia TPP để rót vốn vào sản xuất.

Chuyên gia đầu tư Lương Văn Lý cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài thấy được rõ cơ sở công nghệ VN hiện nay chưa phát triển đủ để có thể tận hưởng hết các lợi ích từ TPP mang lại. “Điều này tạo ra một khoảng trống để các nhà đầu tư nước ngoài với tiềm lực mạnh về vốn, kinh nghiệm và mạng lưới khách hàng sẵn có nên họ có thể tận dụng vốn đầu tư vào khoảng trống này. Đó là một trong những lý do vì sao vốn nước ngoài đổ vào sản xuất của VN tăng mạnh trong thời gian qua” - ông Lý nhấn mạnh.

Theo ông Lý, ngay cả công nghiệp phụ trợ nếu doanh nghiệp trong nước không làm được thì nhà đầu tư nước ngoài sẽ tận dụng, đây cũng là chỗ trống bao nhiêu năm nay doanh nghiệp trong nước chưa thực hiện được. Việc này cũng như “nước chảy vào chỗ trũng”, đặc biệt đầu tư từ các nước không tham gia TPP sẽ tiếp tục vào VN trong thời gian tới để lấp những chỗ trống đó... Xu hướng vốn đầu tư chảy vào sản xuất tiếp tục tăng mạnh trong năm 2014. Các nhà đầu tư đổ vốn vào VN năm 2013-2014 nhắm vào tương lai với tầm nhìn trung và dài hạn.

Ông Phan Hữu Thắng, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đầu tư nước ngoài, cho rằng vốn FDI trong ba tháng đầu năm tiếp tục đổ vào sản xuất chiếm gần 70% tổng vốn thu hút đầu tư. “Điều quan trọng nhất hiện nay là vốn thực hiện ba tháng qua có sự tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu khối FDI tiếp tục tiến triển tốt, giữ vị trí chủ lực của cả nền kinh tế trong quý 1. Tuy vốn đăng ký giảm sút so với năm ngoái nhưng các chỉ số khác vẫn ổn định và tăng trưởng nhẹ. Sự chuyển biến này diễn ra sau một loạt giải pháp Chính phủ đưa ra, đầu tư công cũng bắt đầu quay trở lại, GDP tăng trưởng hơn” - ông Thắng nói.

Theo Tuổi Trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo