Hỗ trợ doanh nghiệp

Vốn Nhật tuôn chảy vào các dự án

Theo kế hoạch, ngày mai (19/11), Fuji Xerox (Nhật Bản) sẽ chính thức khánh thành nhà máy sản xuất các thiết bị đa chức năng màu và máy in LED tại Khu công nghiệp VSIP Hải Phòng, tạo thêm xung lực cho làn sóng đầu tư Nhật Bản đang đổ vào Việt Nam.

 Nhà máy của Fuji Xerox, với công suất 2 triệu sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư khoảng 9 tỷ yên (tương đương 120 triệu USD), được khởi công xây dựng từ tháng 1/2013 và đã hoàn thành đúng tiến độ cam kết của nhà đầu tư Nhật Bản.

Nhà máy của Fuji Xerox khởi công xây dựng từ tháng 1/2013 và hoàn thành theo đúng tiến độ cam kết của nhà đầu tư
 
Với việc thành lập nhà máy sản xuất mới này, theo thông tin của Báo Đầu tư, Fuji Xerox đang hướng đến việc gia tăng năng lực sản xuất, nhằm tránh sự tập trung nhu cầu tại các nhà máy hiện tại khác ở Trung Quốc - nơi cung cấp khoảng 90% thiết bị đa chức năng màu và máy in LED.
 
“Việc này sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu, Mỹ và các thị trường mới, nơi được dự báo là sẽ tiếp tục tăng trưởng trong tương lai”, đại diện của Fuji Xerox cho biết.
 
Như vậy, lại có thêm một dự án nữa của nhà đầu tư Nhật Bản dịch chuyển đầu tư thành công sang Việt Nam, tạo thêm xung lực cho làn sóng đầu tư của Nhật Bản đổ vào Việt Nam.
 
Cũng đầu tư tại Hải Phòng, Bridgestone sau khi khởi công xây dựng nhà máy vào tháng 7 năm ngoái, vẫn đang nỗ lực để đưa giai đoạn I nhà máy đi vào sản xuất trong tháng 3/2014 và hoạt động như một doanh nghiệp chế xuất để xuất khẩu 100% sản phẩm ra nước ngoài.
 
Trong khi đó, tuần trước, Công ty TNHH Việt Nam Nisshin Seifun đã khởi công nhà máy chuyên sản xuất các loại thực phẩm đóng gói, với tổng vốn đầu tư 28,5 triệu USD tại Đồng Nai. Dự kiến, nhà máy này sẽ hoàn thành và đưa vào sản xuất vào tháng 8/2014, với công suất sản xuất khoảng 10.000 tấn nước sốt/năm, chuyên cung cấp cho thị trường Nhật Bản, sau đó mở rộng thị trường sang các nước châu Á.
 
Cũng tại Đồng Nai, cuối tháng 10/2013, Nankai Kinzoku Việt Nam đã khánh thành nhà máy chuyên sản xuất các loại máy móc nông nghiệp để xuất khẩu.
 
Còn tại Hà Tĩnh, thông tin từ ông Vũ Kim Cự, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, tỉnh đang rất nỗ lực để “tiếp thị” các nhà đầu tư Nhật Bản. Nhiều khả năng, Mitsubishi sẽ cùng các đối tác của mình trong Dự án Nhiệt điện Vũng Áng II, 1.200 MW, khởi công nhà máy trong năm 2014, để tới tháng 1/2018 sẽ vận hành thương mại tổ máy số 1. Hiện tại, các bên trong liên doanh đang tiến hành các bước đi tiếp theo trong việc đầu tư Dự án, như đàm phán hợp đồng BOT, giá điện, ký thỏa thuận thuê đất…
 
Dự án này đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh và Mitsubishi ký biên bản ghi nhớ về hợp tác đầu tư hồi đầu tháng 10 vừa qua, với tổng vốn đầu tư dự kiến 2,4 tỷ USD. Bên cạnh đó, Hà Tĩnh cũng đang tạo mọi điều kiện để Kobelco tham gia góp vốn vào Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC). Tham gia vào Sắt Thạch Khê sẽ là bước đi quan trọng để tập đoàn này đẩy nhanh tiến độ Dự án Kobelco, 1 tỷ USD, ở Nghệ An.
 
“Thời gian qua, chúng tôi cũng đã làm việc với rất nhiều nhà đầu tư Nhật Bản khác, như Tập đoàn Năng lượng JX, Ngân hàng Sumitomo… Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục liên hệ với các đối tác đã ký các thỏa thuận đầu tư để thúc đẩy tiến trình triển khai dự án”, ông Cự cho biết.
 
Dồn dập các thông tin như vậy và điều đó càng chứng tỏ, làn sóng đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam là có thật. Các nhà đầu tư Nhật Bản đã và đang đánh giá cao tiềm năng của điểm đến Việt Nam.
 
“Trong số các nước châu Á, Việt Nam được chọn là địa điểm đặt nhà máy mới của Fuji Xerox, vì Việt Nam là nước có những bước tiến vững chắc trong quá trình công nghiệp hoá. Việt Nam còn có nhiều thuận lợi khác về công nghiệp như là các nhà sản xuất thiết bị thông tin đã và đang phát triển một cách tập trung, cũng như mạng lưới giao thông rộng khắp kết nối các quốc gia khác như Trung Quốc, Thái Lan, các nước trong khu vực ASEAN, tạo điều kiện thuận lợi cho Fuji Xerox thiết lập các chuỗi cung ứng”, lãnh đạo của Fuji Xerox lý giải.
 
Và đây cũng chính là một trong những lý do hàng đầu để Việt Nam tiếp tục được nhà đầu tư Nhật Bản khác lựa chọn.
Báo Đầu Tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo