VPBank muốn lấp đầy phân khúc cho vay doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ
Theo tổ chức tài chính IFC, Việt Nam đang có khoảng 96.000 doanh nghiệp Việt Nam do nữ làm chủ, chiếm khoảng 21% tổng số doanh nghiệp toàn quốc, chủ yếu là doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa (SME) hoặc doanh nghiệp siêu nhỏ. Xét trên bình diện khu vực, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ nữ chủ doanh nghiệp khá cao trong khu vực châu Á.
Không như quan niệm của nhiều người thường cho rằng phụ nữ e ngại rủi ro, IFC thống kê, có 65% số nữ chủ doanh nghiệp đã từng làm hồ sơ đi vay vốn. Mặc dù vậy, báo cáo cũng chỉ ra rằng, các nữ doanh nhân Việt hiện đang gặp nhiều khó khăn tiếp cận dòng tiền.
Cụ thể, khoảng 1/3 trong số 65% nữ doanh nhân đi vay vốn không thành công. Nguyên nhân chủ yếu là do họ không có tài sản đảm bảo, tài sản thế chấp ngân hàng.
“Doanh nghiệp SME do phụ nữ làm chủ nên được xem là một phân khúc khách hàng đặc biệt, xứng đáng có chiến lược riêng. Các doanh nhân nữ ít tiếp cận với các khoản vay ngân hàng hơn và nhận được tài trợ ít hơn mức họ cần. Điều này cho thấy một cơ hội kinh doanh lớn cho các ngân hàng hiện chưa chu ý đầy đủ vào thị trường này”, báo cáo của IFC phân tích.
Đơn vị này cũng ước tính, khoảng cách tín dụng (độ chênh giữa nhu cầu và thực tế) mà các nữ chủ doanh nghiệp đang gặp phải là hơn 27.000 tỷ đồng.
VPBank, một trong những tổ chức tín dụng theo sát IFC trong quá trình thực hiện khảo sát, quyết định theo đuổi phân khúc khách hàng tiềm năng này. Bà Đặng Châu Giang, trường phòng marketing VPBank khối SME cho biết, ngân hàng đã mất 1 năm rưỡi để nghiên cứu, định hình phân khúc khách hàng, làm sạch dữ liệu để xác định đúng các đối tượng mục tiêu.
“Một kết quả nghiên cứu đáng chú ý của báo cáo là có tới 54% các doanh nghiệp phụ nữ làm chủ được khảo sát hoạt động trong lĩnh vực phân phối và bán lẻ. Đây là một trong những tiền đề quan trọng để chúng tôi xây dựng sản phẩm mới”, bà Giang phân tích.
Kết quả, VPBank tung ra thị trường sản phẩm thẻ Tín dụng doanh nghiệp VPBiz dành riêng cho doanh nghiệp nữ chủ. Bản chất thẻ là một khoản vay tín chấp cho doanh nghiệp với ưu điểm nổi trội là thời gian miễn lãi 55 ngày. Đối với ngành phân phối có đặc thù là khoản phải thu và khoản phải chi thường có độ chênh lớn, việc được miễn lãi gần 2 tháng là một yếu tố hỗ trợ rất tích cực.
Ngoài ra, khoản vay của VPbank cũng cung cấp nhiều ưu đãi khác như hạn mức tối đa lên đến 2 tỷ đồng, mức hoàn tiền có thể lên đến 5% tùy theo ngành hàng doanh nghiệp kinh doanh, tất cả chi tiêu quả thẻ đều được coi là chi phí hợp lệ của doanh nghiệp để khấu trừ thuế.
Bà Giang phân tích, việc VPBank lựa chọn hình thức khoản vay cho doanh nghiệp nữ chủ theo dạng tín chấp là một hướng đi nhằm tiếp cận được nhiều đối tượng mục tiêu hơn. Thay vì đặt nhà và xe, thứ các nữ doanh nhân đặt lên bàn đàm phán với ngân hàng sẽ là kết quả kinh doanh, uy tín tín dụng của bản thân, doanh nghiệp.
“Hạn mức của khoản vay này có thể lên tới 5 tỷ đồng. Như vậy, 1/3 số nữ doanh nhân không vay được vốn ngân hàng theo cách thế chấp tài sản truyền thống sẽ tiện lợi hơn trong việc tiếp cận nguồn tiền”, bà Giang chia sẻ.
Song song với các sản phẩm tài chính, VPBank cũng tập trung đẩy mạnh các sản phẩm phi tài chính nhằm hỗ trợ cộng đồng. Đại diện VPBank cho biết, một trong những nhu cầu lớn nhất của các nữ chủ doanh nghiệp đó là được kết nối, tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Đó là lý do ngân hàng này đã liên tục tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm để kết nối các nữ doanh nhân gặp gỡ, giao lưu trực tiếp với nhau cũng như học hỏi từ phía các chuyên gia, diễn giả.
Không chỉ dừng lại ở tọa đàm, khối SME của VPBank còn đang xây dựng một ứng dụng online là SME Connect để kết nối kinh doanh trực tuyến. Ứng dụng này dự kiến ra mắt vào năm 2019.
“Thay vì đến các sự kiện 2, 3 lần mỗi năm thì thông qua ứng dụng, mọi người có thể kết nối với nhau trên nền tảng số hóa, tiếp cận 70.000 doanh nghiệp và hơn 3 triệu khách hàng cá nhân trong hệ thống của VPBank hoàn toàn miễn phí”, đại diện ngân hàng chia sẻ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo