VPBank tiếp tục chia cổ tức và cổ phiếu thưởng trên 60% trong năm 2018
Chiều ngày 19/3, VPBank đã tổ chức phiên họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2018. Vấn đề được quan tâm nhất trong phiên họp chiều hôm qua là những kế hoạch tăng vốn được HĐQT trình cổ đông và động lực tăng trưởng trong giai đoạn 5 năm tiếp theo, sau khi ngân hàng này đã kết thúc năm 2017 thành công “vượt kỳ vọng”.
Trình bày trước Đại hội, Phó Chủ tịch HĐQT VPBank, ông Bùi Hải Quân cho biết ngân hàng này dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng năm 2017 với tỷ lệ lũy kế đạt gần 67%, thông qua 4 phương án. Trong đó, VPBank đã đề xuất và được thông qua kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 31.25% và cổ phiếu thưởng tỷ lệ 20.35% khi dùng toàn bộ phần lợi nhuận chưa phân phối và thặng dư vốn cổ phần năm 2017. Nhà băng này cũng dự kiến mua lại cổ phần ưu đãi cổ tức làm cổ phiếu quỹ và chia cho các cổ đông.
Về kế hoạch năm 2018, Chủ tịch HĐQT Ngô Chí Dũng cho biết VPBank dù tăng thêm quy mô vốn khá lớn, nhưng kỳ vọng tỷ lệ chia cổ tức và cổ phiếu thưởng sẽ tiếp tục duy trì trên 60%. Căn cứ cho kế hoạch này là mục tiêu lợi nhuận trước thuế trong năm nay tăng gần 33% so với 2017, lên mức 10,800 tỷ đồng, với tỷ lệ ROE khoảng 25%, ROA được cải thiện từ 2.54% lên 2.7%.
Riêng với kế hoạch phát hành cổ phiếu cho cổ đông nước ngoài, Chủ tịch VPBank cho rằng việc lựa chọn phương án phát hành riêng lẻ ngay trong năm 2018 là do thị trường chứng khoán đang tốt và đây là cơ hội để ngân hàng này có thể tiếp tục huy động vốn ngoại, sau đợt phát hành thành công giữa năm 2017.
"Các tổ chức không phải lúc nào muốn cũng có thể phát hành tăng vốn. Thị trường phát triển tốt cũng chưa chắc đã là thời điểm thích hợp để tăng vốn. Cơ hội có thể qua đi bất cứ lúc nào. Hiện, kinh tế vĩ mô Việt Nam và thế giới phát triển tốt là thời điểm thuận lợi phát hành tăng vốn", ông Dũng cho hay.
Vốn chủ sở hữu của VPBank hiện đạt 29,000 tỷ đồng, nếu phát hành thành công, hệ số CAR của ngân hàng ở mức 18%. Một phần lý do khiến VPBank quyết định tăng vốn thông qua phát hành riêng lẻ ngay là bởi dù chưa chính thức áp dụng theo yêu cầu của NHNN nhưng nội bộ VPBank đã tuân thủ các tiêu chuẩn Basel II.
Ngoài ra, một lý do khác khiến VPBank mong muốn tăng vốn là bởi trong chiến lược 5 năm vừa qua, ngân hàng luôn muốn M&A. Tuy nhiên, các năm gần đây, lượng vốn tăng lên chủ yếu từ nội tại của ngân hàng và cũng chỉ đủ để phát triển.
Mặc dù tỷ lệ theo tờ trình trước các cổ đông tối đa là 15%, nhưng con số phát hành thực tế có thể chỉ dừng ở mức 11% tùy thuộc vào điều kiện room khối ngoại của ngân hàng. Ông Dũng cũng chia sẻ mức giá phát hành mà ban lãnh đạo VPBank kỳ vọng sẽ “cao hơn rất nhiều” thị giá cổ phiếu VPB trên thị trường chứng khoán.
Với câu hỏi về định hướng hoạt động của VPBank trong 5 năm tiếp theo, sau giai đoạn 5 năm đầu tiên thành công vượt kỳ vọng, Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Vinh thừa nhận "con gà đẻ trứng vàng" FE Credit là điểm nhấn trong giai đoạn này. "Tuy nhiên, câu chuyện cho 5 năm tiếp theo không chỉ dừng ở đó".
Thách thức của VPBank sẽ lớn hơn khi ngày càng có nhiều ngân hàng tham gia mảng tín dụng tiêu dùng. Câu chuyện cạnh tranh sẽ khiến tốc độ tăng trưởng của FE Credit – vốn là mảng hoạt động đóng góp rất lớn vào kết quả của VPBank – chỉ còn khoảng 30% và khó có thể bùng nổ như giai đoạn trước.
Thay vào đó, theo vị “thuyền trưởng” này, mảng hoạt động ngân hàng số (digital banking), các sản phẩm hướng vào nhóm khách hàng trên đại chúng (retail banking), thẻ tín dụng... sẽ là những trọng tâm mới.
Mảng hoạt động ngân hàng số dự kiến sẽ mở rộng cho VPBank từ 300,000 - 350,000 khách hàng mỗi năm. Đây cũng là mảng giúp tăng lượng khách hàng tiềm năng cho các dịch vụ khác. Riêng với thẻ, ông Vinh cho biết số lượng thẻ tín dụng của VPBank hiện chiếm khoảng 10% toàn thị trường. Dù không phải con số quá lớn, nhà băng này hiện đã đứng thứ 3 về quy mô chi tiêu qua thẻ tín dụng.
Với động lực tăng trưởng mới, Tổng Giám đốc VPBank kỳ vọng sẽ đạt lợi nhuận khoảng 30,000 tỷ đồng sau 5 năm nữa với quy mô tổng tài sản từ 600,000-700,000 tỷ đồng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo