Hỗ trợ doanh nghiệp

Vụ đa cấp Liên Kết Việt: Bộ Công Thương nói gì?

(DNVN) - Liên quan đến vụ việc Công ty Liên kết Việt lừa đảo trong hoạt động bán hàng đa cấp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, Cục Quản lý Cạnh tranh (QLCT) đã áp dụng một cách máy móc, cứng nhắc quy định của pháp luật...

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh vừa có bài trả lời phỏng vấn trên báo Tiền Phong về việc tại sao Bộ Công Thương không công khai quyết định xử phạt khi đã phát hiện các sai phạm của Công ty Liên Kết Việt, trong khi việc công khai quyết định xử phạt sẽ giúp khoảng 2 vạn người trên tổng số 6 vạn người tham gia không bị mạng lưới này lừa, gây thiệt hại. 

Theo đó, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, khác với người dân được phép làm những gì pháp luật không cấm, cơ quan quản lý chỉ được phép làm những gì pháp luật cho phép làm. Đối chiếu với quy định của pháp luật cạnh tranh thì quyết định xử phạt LKV không thuộc diện được niêm yết công khai. Cục QLCT cũng không thể cảnh báo “doanh nghiệp này có dấu hiệu lừa đảo” bởi lừa đảo là bị khép tội hình sự, chỉ cơ quan điều tra mới có thẩm quyền xem xét, kết luận. 

Công ty Cổ phần Liên kết sản xuất thương mại VN đã sử dụng hình thức kinh doanh đa cấp để lừa hàng chục nghìn người (Trong ảnh: Chủ tịch HĐQT "công ty lừa" Lê Xuân Giang (mặc quân phục) trong một buổi gặp gỡ khách hàng).

Về việc trước khi ra quyết định xử phạt Công ty Liên Kết Việt do sai phạm trong hoạt động kinh doanh đa cấp, Cục QLCT có báo cáo với lãnh đạo Bộ Công Thương? Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, việc kiểm tra, xử phạt các hành vi vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp (BHĐC) là việc làm thường xuyên trong chức năng của Cục QLCT.

"Vì vậy, anh em không báo cáo từng vụ việc cụ thể mà thường chỉ báo cáo số liệu tổng hợp công tác chung. Thí dụ như đã kiểm tra, xử phạt bao nhiêu đơn vị, tổng số tiền phạt bao nhiêu...", Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết.

Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng thừa nhận các cán bộ của Cục QLCT đã áp dụng một cách máy móc, cứng nhắc quy định của pháp luật. "Tôi lấy lại ví dụ về niêm yết công khai quyết định xử phạt. Sau này, anh em có báo cáo khi đó họ cũng phân vân và vì thế, đã kiểm tra kỹ quy định của pháp luật. Do pháp luật quy định rõ chỉ được niêm yết công khai quyết định xử phạt trong các trường hợp A, trường hợp B, không bao gồm trường hợp như của LKV nên anh em đã không công bố. Làm vậy là cứng nhắc. Nếu anh em báo cáo, tôi nghĩ chúng tôi có thể đã có quyết định khác và sẵn sàng chịu trách nhiệm về quyết định đó. Gần đây, chúng tôi đã yêu cầu Cục QLCT công khai các quyết định xử phạt trong lĩnh vực BHĐC tới 63 Sở Công Thương các tỉnh để cùng phối hợp quản lý", ông Khánh chia sẻ.

Chưa xem xét kỷ luật cán bộ sai phạm

Liên quan đến việc xử lý trách nhiệm quản lý hoạt động lừa đảo và trong kinh doanh đa cấp của Công ty Liên Kết Việt trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, ngay sau khi vụ việc được cơ quan điều tra cung cấp thông tin ban đầu, lãnh đạo Bộ Công Thương đã yêu cầu Cục QLCT báo cáo, giải trình về toàn bộ quá trình cấp giấy chứng nhận, sau đó là kiểm tra, xử phạt công ty Liên Kết Việt.

 

"Anh em đã 2 lần báo cáo, giải trình nhưng lãnh đạo bộ thấy vẫn chưa rõ trách nhiệm nên đã yêu cầu làm lại. Cụ thể là phải làm rõ hơn nữa trách nhiệm ở từng khâu, kể cả trách nhiệm chỉ đạo của tôi, người được bộ trưởng phân công phụ trách Cục QLCT", ông Khánh cho hay.

Theo Thứ trưởng Khánh, khi đã bàn về trách nhiệm lại có 2 vấn đề lớn. Theo ông, trước hết, cần kiểm điểm không chỉ trách nhiệm theo quy định của pháp luật mà còn cả trách nhiệm theo lương tâm, nằm ngoài quy định của pháp luật. Có thể anh đã làm đúng quy định của pháp luật nhưng cần kiểm điểm xem đã thực sự làm hết theo cái tâm của công chức hay chưa. Pháp luật có thể không cho phép công chức công bố công khai một quyết định xử phạt nhưng nếu đó là việc có lợi cho dân, tại sao không làm? Kiểm điểm đến mức đó mới là thật lòng. 

Sau đó, cơ quan quản lý luôn có 2 trách nhiệm song hành. Một là, xây dựng khuôn khổ pháp luật. Hai là, vận hành khuôn khổ pháp luật đó. Khi đã có chuyện xảy ra, chắc chắn phải có khiếm khuyết ở một trong hai khâu. Thậm chí là ở cả hai. Nếu anh nói đã “vận hành” đúng mà chuyện vẫn xảy ra thì chắc chắn anh phải có trách nhiệm ở khâu “xây dựng”, không có cách nào trốn tránh được.

"Nói chuyện này, tôi không có ý bào chữa mà ngược lại, muốn khẳng định thêm về trách nhiệm. Nếu đã thấy cái gì đúng, có lợi thì phải kiên quyết bảo vệ. Đó mới là làm hết trách nhiệm. Ngay cả ở khâu “vận hành”, kể cả khi anh nói đã “vận hành” đúng thì đó mới là ý kiến của anh. Đúng hay không, đủ hay chưa, cấp trên của công chức mới là người xem xét, quyết định và công luận mới là nơi phán xét công chức", Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh chia sẻ.

Cuối cùng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng cho biết, hiện nay do chưa có báo cáo, giải trình cuối cùng nên Bộ Công Thương cũng chưa đề cập đến việc xem xét kỷ luật cán bộ.

 

Vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty Liên kết Việt được Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố ngày 17/12/2015. Quá trình điều tra đến nay đã khởi tố, bắt tạm giam 7 bị can về tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Báo An ninh thế giới thông tin.

Các bị cáo gồm: Lê Xuân Giang (tức Lê Xuân Hà) – Chủ tịch HĐQT; Nguyễn Thị Thủy – Phó Tổng Giám đốc phụ trách kinh doanh; Lê Văn Tú  – Phó Tổng Giám đốc (cháu Lê Xuân Giang) và 4 bị can trong nhóm thuyết trình viên đã giúp sức đắc lực cho Giang là: Vũ Hồng Dung, Nguyễn Xuân Trường, Lê Thanh Sơn và Trịnh Xuân Sang.

Kết quả điều tra bước đầu, Cơ quan điều tra đã làm rõ Công ty Liên kết Việt do Lê Xuân Giang thành lập, đăng ký và được cấp phép sản xuất và kinh doanh bán hàng đa cấp 4 mặt hàng thực phẩm chức năng gồm: cốt dưỡng vương, bổ não vương, sâm nhung đông trùng hạ thảo và máy ô zôn để mọi người ngộ nhận Công ty Liên kết Việt và sản phẩm thực phẩm chức năng là của Bộ Quốc phòng.

Để lôi kéo nhiều người tham gia hệ thống Liên kết Việt, Giang còn chỉ đạo tổ chức “đại hội hoa hồng nhân văn, đại thắng, lộc xuân thịnh vượng, mã đáo đại thắng…” để trao thưởng xe máy, xe ô tô và nhà chung cư; hứa hẹn, tuyên truyền chi trả mức hoa hồng lên đến 65% doanh thu (trong khi pháp luật qui định mức hoa hồng tối đa không quá 40%).

Bằng những thủ đoạn trên, trong 1 năm, Công ty Liên kết Việt đã phát triển chi nhánh bán hàng đa cấp đến 27 tỉnh thành trong cả nước, lôi kéo hơn 60 ngàn người tham gia ký hợp đồng, nộp tiền, rồi lấy tiền của người tham gia sau trả cho người tham gia trước, và đã chiếm đoạt tổng số tiền lên đến trên 1.900 tỷ đồng.

 

Nên đọc
Hòa Hậu (t/h)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo