Vụ xúc xích Viet foods bị "bắt nhầm": Doanh nghiệp có thể khởi kiện
Hơn 2 tấn xúc xích bị "kết án oan" chứa chất ung thư
Như tin đã đưa, ngày 20/4/2016, Đội 14 Chi cục QLTT TP. Hà Nội tiến hành bắt giữ, niêm phong hơn 2,2 tấn sản phẩm do Cơ sở kinh doanh và chế biến thực phẩm Việt (Viet Foods) bán cho Công ty TNHH Thương mại thực phẩm Hùng Anh (Quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội) bao gồm Hotdog xông khói Vietfoods, xúc xích Đức Vietfoods, xúc xích Frank Furter, xúc xích chua thái Vietfoods.
Khi đang tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, Đội 14 Chi cục QLTT TP. Hà Nội đã thực hiện quay phim, chụp hình và vội vã cung cấp thông tin cũng như phát ngôn vụ việc cho các cơ quan báo chí với nội dung sản phẩm Viet Foods đã sử dụng chất cấm, chất gây ung thư không được Bộ Y tế cho phép.
Tuy nhiên, sau đó thông tin thất thiệt này được các cơ quan có thẩm quyền xác định hoàn toàn không chính xác. Cụ thể, chất Sodium Nitrade được xác định là chất phụ gia được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm và có tên trong danh mục được phép theo Thông tư 27/2012/TT-BYT ngày 30/11/2012 của Bộ Y tế ban hành.
Cũng theo Thông tư này, giới hạn tối đa được sử dụng chất phụ gia Sodium Nitrade trong thực phẩm là 168mg/kg và theo quy định của Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) là không quá 300mg/kg. Kết quả kiểm nghiệm sản phẩm của Viet Foods bị Đội 14 Quản lý thị trường Hà Nội niêm phong, thu giữ khi chỉ rõ hàm lượng Sodium Nitrade chỉ từ 55mg/kg đến 100mg/kg, thấp hơn mức giới hạn tối đa của Thông tư 27/2012/TT-BYT và quy định của ủy ban Codex.
Doanh nghiệp thiệt hại nặng
Bà Huỳnh Vũ Thị Minh Loan, Chủ cơ sở Viet Foods cho biết, hậu quả từ thông tin sai sự thật trên các phương tiện truyền thông do Đội 14 Chi cục QLTT Hà Nội cung cấp đã gây ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng tới hoạt động kinh doanh của Viet Foods. Hơn 1 tháng qua, Viet Foods phải ngừng hoạt động sản xuất, hơn 100 công nhân nghỉ việc, hàng hóa bị thu giữ hoặc bị trả về, thiệt hại ước tính hơn 10 tỷ đồng. Đến nay nỗi oan ức được giải tỏa sau quyết định khẳng định sản phẩm Viet Foods an toàn cho người tiêu dùng của Bộ Y tế. Tuy nhiên hàng ngày Viet Foods vẫn đang gánh chịu những thiết hại nặng nề.
Liên quan đến vụ việc này, ông Phạm Ngọc Hùng - Phó chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho rằng, việc không bán được hàng chỉ là thiệt hại trước mắt. Thiệt hại lớn nhất và lâu dài chính là uy tín của doanh nghiệp sau sự việc đã giảm xuống và khách hàng đang quay lưng, để lấy lại niềm tin của khách hàng là điều vô cùng khó. Đây cũng là một cơ hội để các đối thủ cạnh tranh có cớ “tiêu diệt” doanh nghiệp.
Nói về trách nhiệm của QLTT Hà Nội trong vụ việc này, ông Hùng cho rằng trong vụ việc nêu trên, cơ quan này đang cho thấy mình không hiểu về vấn đề quy định trong luật, nghĩa là không nắm được cái nào được phép, cái nào không được phép, dẫn đến trường hợp đáng tiếc này.
Theo ông Hùng, nếu không quy được trách nhiệm cụ thể cho ai thì những vụ việc như sữa dê Danlait, xúc xích Viet Foods sẽ còn xảy ra. “Kinh tế thị trường là phải sòng phẳng, QLTT sai thì phải chịu trách nhiệm, phải đền bù thiệt hại; phải xin lỗi công khai. Bắt công khai thì phải trả lại và lý do trả lại phải được công bố rộng rãi đến chuỗi NTD”, ông Hùng thẳng thắn.
Quản lý thị trường Hà Nội có làm sai luật?
Liên quan đến khía cạnh pháp lý của vụ việc, theo Luật sư Quách Thành Lực, Công ty Luật Hà Nội Tinh Hoa (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), việc cơ quan QLTT khẳng định “Sản phẩm Viet Foods đã sử dụng chất cấm, chất gây ung thư không được Bộ Y tế cho phép” là thiếu căn cứ, không có cơ sở pháp luật.
Đặc biệt, sau khi có kết quả khẳng định của Cục ATVSTP xác nhận, sodium nitrade là một chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm, có tên trong danh mục Phụ lục 1 - Thông tư 27/2012/TT-BYT ngày 30/11/2012 của Bộ Y tế hướng đẫn về quản lý phụ gia thực phẩm. Hàm lượng chất này trong sản phẩm của Viet Foods thấp hơn mức giới hạn tối đa của Thông tư 27, thì càng có căn cứ khẳng định kết luận thông tin của Đội 14 là không chính xác.
Luật sư Lực cho rằng, việc công khai đối với vi phạm hành chính chỉ được thực hiện khi đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính và phải được thực hiện bởi thủ trưởng cơ quan QLTT Hà Nội. Ở đây, nếu chưa có quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì cơ quan chức năng chưa được quyền cung cấp thông tin báo chí liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính. Ngoài ra, thành viên Đội 14 phát ngôn báo chí là không đúng chức năng, thẩm quyền theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
“Công ty Viet Foods khi chứng minh được những thiệt hại về mặt hàng hóa sản phẩm bị hư hỏng do quá trình tạm giữ, việc công bố thông tin không đúng khiến sản lượng tiêu thụ giảm sút, hàng hóa ứ đọng, thiệt hại về uy tín thương hiệu thì hoàn toàn có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại bởi hành vi hành chính không phù hợp pháp luật của Đội 14 (Chi cục QLTT TP. Hà Nội) trong việc thực hiện công vụ.
Kết quả vụ việc thế nào sẽ được thể hiện cụ thể tại phán quyết của TA, tuy nhiên, chỉ với những căn cứ trên đây thì tôi có cơ sở đánh giá Công ty Viet Foods sẽ có ưu thế hơn trong cuộc chiến pháp lý này”, Luật sư Lực nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo