Hỗ trợ doanh nghiệp

Xã hội hóa khai thác cảng hàng không: Không chỉ bằng đề xuất

Sự kiện hai trong ba hãng hàng không tại VN đề xuất được nhượng quyền khai thác Nhà ga T1 của cảng hàng không quốc tế Nội Bài được ví như “cuộc cách mạng” trong ngành này.

Vietjet Air và Vietnam Airlines cùng mong muốn được nhượng quyền khai thác Nhà ga hành khách T1 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài trong vòng 20 năm

 

Chỉ trong một thời gian ngắn sau khi nhận được chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa các cảng hàng không của Bộ GTVT được đưa ra. Vietjet air và Vietnam Airlines cùng mong muốn được nhượng quyền khai thác Nhà ga hành khách T1 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài trong vòng 20 năm. Điều này thể hiện mong muốn được chuyển giao quyền quản lý, khai thác dịch vụ cảng hàng không nói riêng, các cảng nói chung của DN đã được ấp ủ từ bấy lâu nay.

 
DN hàng không đặt nhiều kỳ vọng
 
Theo ông Phạm Viết Thanh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Vietnam Airlines, việc Vietnam Airlines mua quyền khai thác nhà ga T1 sẽ tạo điều kiện cho hãng hàng không trực tiếp được giao quản lý sử dụng tìm biện pháp giảm chi phí trong vận tải hàng không, nâng cao hiệu quả kinh doanh. DN cũng linh hoạt và chủ động hơn trong sắp xếp khai thác tại nhà ga đồng thời quản lý và chịu trách nhiệm khai thác phòng chờ, các quầy và mặt bằng trong ga để nâng cao chất lượng, dịch vụ, thuận lợi cho hành khách.
 
Ủng hộ chủ trương xã hội hóa đầu tư và vận hành cảng hàng không, ông Lương Hoài Nam - TGĐ Hàng không Hải Âu, nhận xét: “VN đã lạc hậu so với hầu hết các nước trong khu vực và trên thế giới về đầu tư, vận hành sân bay; thậm chí so với Lào, Campuchia, nơi đã nhượng quyền quản lý, khai thác 3 sân bay lớn nhất tại Phnom Penh, Siem Reap, Sihanoukville cho Tập đoàn ADP-M (Pháp)”. Ông Nam đưa ra hàng loạt ví dụ khác như các sân bay Koh Samui, Trat ở Thái Lan là sân bay tư nhân hoàn toàn. Sân bay quốc tế Bắc Kinh có 35% vốn tư nhân, 10% vốn của ADP-M, chính phủ Trung Quốc chỉ chiếm 55%... Tại châu Âu và Mỹ, hầu hết các cảng hàng không, sân bay do tư nhân sở hữu.
 
Tại cuộc họp về Đề án huy động vốn xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không của Bộ GTVT mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định, tất cả những gì tư nhân làm được thì để tư nhân làm. Trưởng ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công – tư của Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy thì nhấn mạnh rằng, quan trọng hơn là cần xây dựng cơ chế chung để nhượng quyền kết cấu hạ tầng hàng không các cảng.
 
Nhiều cơ hội cho cảng biển
 
Tương tự như cảng hàng không, các cảng biển cũng mở ra cơ hội lớn để chuyển giao quyền khai thác cho các DN ngoài quốc doanh. Trước kết quả bán cổ phần cảng biển èo uột đầu năm 2014 của TCty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Trong đó, cảng Nha Trang bán được khoảng 10% cổ phần, cảng Quảng Ninh chỉ bán được 7,5% cổ phần, cảng Hải Phòng bán được chưa tới 6%... Một số cảng biển phải chào bán cổ phần đến lần thứ hai, thứ ba mới có khách mua, nhưng số lượng cũng khá hạn chế.
 
Để khắc phục tình trạng trên, Chính phủ đã chấp nhận chủ trương thoái vốn nhà nước ở mức sâu hơn. Chủ trương này đã ngay lập tức tạo ra những chuyển biến tích cực. Theo ông Lê Anh Sơn - TGĐ Vinalines, đến thời điểm này đã có nhiều nhà đầu tư (NĐT) tiếp cận, muốn mua cổ phần tại 5 cảng biển lớn mà TCty đang chào bán. Trong đó, có những NĐT đăng ký mua tới 90% cổ phần cảng Đà Nẵng, 100% cổ phần cảng Quảng Ninh, 49% cổ phần cảng Hải Phòng. Thậm chí, một số cảng còn có nhiều HĐT cùng muốn tham gia với giá bán cạnh tranh theo thị trường.
 
Thương vụ đáng chú ý nhất là việc Tập đoàn T&T của ông Đỗ Quang Hiển. Tập đoàn T&T đã có một loạt văn bản gửi Bộ GTVT và Chính phủ đề nghị mua lại toàn bộ số cổ phần mà nhà nước đang nắm giữ (tương đương 98% Cảng Quảng Ninh), với số tiền ít nhất là 490 tỷ đồng.
 
Cần hành lang pháp lý
 
Để DN tư nhân có nhiều quyền hơn với các cảng hàng không, cảng biển sẽ thổi một luồng gió mới về quản trị DN vào các lĩnh vực này.
 
Một số chuyên gia đề xuất, để tổ chức việc tư nhân hóa các cảng, đặc biệt cảng hàng không thành công, việc chuyển nhượng cần được tổ chức một cách công khai minh bạch, có sự cạnh tranh bình đẳng, tránh việc định giá không chính xác gây thất thoát cho nhà nước. Theo chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh, chuyển nhượng cảng cần có những quy định chặt chẽ dưới dạng Luật về cổ phần hóa, tư nhân hóa, từ đó cần có cơ quan độc lập của Quốc hội để định giá và giám sát một cách minh bạch. Cảng biển, cảng hàng không không chỉ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế mà còn có những giá trị mang tầm chiến lược. Do vậy, bán quyền khai thác cảng cần phải có những khung luật pháp rất chặt chẽ và có sự giám sát, quản lý với những điều kiện cụ thể.
 
 
Còn ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục Hàng không đã đưa ra một lộ trình cho tiến trình xã hội hóa cảng hàng không. Theo đó, đến năm 2016 về cơ bản hoàn thành công tác sửa đổi, bổ sung, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý, khuyến khích, kêu gọi xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không. Về việc triển khai dự án thí điểm, Cục Hàng không dân dụng phối hợp với ACV trình Bộ dự án “mở rộng sân đỗ máy bay và xây dựng nhà để xe ôtô Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất" vào tháng 3/2015. Cục Hàng không dân dụng cũng kiến nghị thành lập Ban chỉ đạo của Bộ để chỉ đạo triển khai thí điểm Dự án nhượng quyền khai thác Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc. Năm 2015, ngành hàng không tập trung vào việc thí điểm bán 100% vốn Nhà nước tại sân bay Phú Quốc, nghiên cứu bán quyền khai thác có thời hạn một số cảng hàng không.
 
Với cảng biển chắc cũng không nằm ngoài quy luật trên. Các DN đang hồi hộp chờ đón động thái mới của Bộ GTVT.
 
 

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường - Bộ Giao thông vận tải:


Việc khai thác hệ thống nhà ga và dịch vụ trong nhà ga, các nước trên thế giới hoàn toàn xã hội hóa. Đối với nhà ga T1-sân bay Nội Bài, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu TCty Cảng hàng không xây dựng phương án đấu thầu, nhà thầu nào đáp ứng được tiêu chí đề ra với giá bán hợp lý nhất thì Bộ sẽ nhượng quyền khai thác. Còn việc xã hội hóa trong đầu tư toàn bộ các sân bay, chúng ta sẽ làm trên cơ sở thành lập các Cty cổ phần, bao gồm các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước để tham gia đầu tư và lợi nhuận chia theo tỷ lệ cổ phần đầu tư. Việc này chúng tôi đang báo cáo trình Quốc hội, Chính phủ. Đối với sân bay Long Thành đi theo hướng như vậy. Đối với sân bay Phú Quốc, Bộ Giao thông vận tải đã xây dựng, trình phương án xin Thủ tướng Chính phủ bán toàn bộ sân bay về phần dịch vụ khai thác và một phần đầu tư xây dựng; còn toàn bộ hoạt động quản lý bay, cũng như an ninh quốc phòng đều thuộc TCty Quản lý bay Việt Nam.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo