Xã hội số

Cổng dịch vụ công trực tuyến cấp tỉnh tồn tại nhiều bất cập

DNVN - Kết quả nghiên cứu về đánh giá mức độ thân thiện với người dùng của 63 cổng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) cấp tỉnh cho thấy, việc triển khai DVCTT toàn trình còn tồn tại nhiều bất cập, giao diện các cổng DVC cấp tỉnh chưa thể hiện được tinh thần lấy người dùng làm trung tâm.

Phát động cuộc thi "Thử thách công dân số 2022" / Bệnh viện công số hóa quy trình đăng ký khám chữa bệnh

Nhiều bất cập

Tại tọa đàm “Đánh giá mức độ thân thiện với người dùng của 63 cổng DVCTT cấp tỉnh lần thứ nhất, năm 2023” do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam và Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) phối hợp với tổ chức ngày 11/7 tại Hà Nội, ông Nguyễn Minh Hồng - Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam đánh giá cao việc Chính phủ chọn DVCTT là ưu tiên trọng tâm trong tiến trình xây dựng chính phủ số.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số công bố tháng 8/2022, tỷ lệ người dân Việt Nam sử dụng DVCTT mới đạt 18% trong 7 tháng đầu năm 2022. Còn số liệu khảo sát Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) cho thấy, chỉ 3,05% người được phỏng vấn cho biết đã lập hồ sơ người dùng trên Cổng dịch vụ công Quốc gia và hơn 1% đã sử dụng Cổng dịch vụ công để làm thủ tục hành chính.

Theo giới chuyên gia, một phần nguyên nhân của thực trạng này là việc triển khai DVCTT toàn trình chưa hoàn chỉnh, các chức năng cung cấp dịch vụ chưa hoàn thiện, giao diện chưa dễ sử dụng và thân thiện với người dùng.

Với báo cáo “Đánh giá mức độ thân thiện với người dùng của 63 cổng Dịch vụ công trực tuyến cấp tỉnh" do IPS thực hiện với sự hỗ trợ của UNDP tại Việt Na, nhóm nghiên cứu cho rằng, việc triển khai DVCTT toàn trình còn tồn tại nhiều bất cập, giao diện các cổng DVC cấp tỉnh chưa thể hiện được tinh thần lấy người dùng làm trung tâm.


Việc triển khai DVCTT toàn trình còn nhiều bất cập, giao diện chưa dễ sử dụng và thân thiện với người dùng.

Báo cáo đã chỉ ra 5 thực trạng chính về mức độ thân thiện với người dùng của các cổng DVC cấp tỉnh.

Thứ nhất, các tính năng để thực hiện DVCTT toàn trình chưa được bảo đảm. Có tới 26 cổng DVC yêu cầu người dùng nộp hồ sơ phải trình bản chính để đối chiếu trong trường hợp nộp bản chụp, bản quét trực tuyến. 24 cổng DVC chưa cho phép trả hồ sơ trực tuyến mà bắt buộc người dùng lựa chọn trả kết quả qua bưu điện, hoặc tới cơ quan nhận trực tiếp.

Thứ hai, quá trình thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử chưa được tối ưu hóa cho người dùng. Còn 36 DVC cấp tỉnh chưa hiển thị công cụ tìm kiếm ở trang chủ, đòi hỏi người dùng phải mất thêm thời gian tìm trong các trang con. Có tới 25 cổng DVC không cho ra kết quả nếu điền sai chính tả cùm từ khóa tìm kiếm.

Thứ ba, bất cập trong kết nối dữ liệu, tài khoản và giao diện giữa hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến của trung ương và địa phương. Tính đến ngày 30/5/2023, duy nhất cổng DVC tỉnh Thái Nguyên có hiển thị tính năng cho phép cập nhật hồ sơ cá nhân từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trong khi đó, 5 cổng DVC gồm Hải Phòng, Ninh Bình, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế và Bạc Liêu chưa cho phép đăng nhập tự động từ tài khoản của cổng DVC quốc gia hoặc VNeID.

Thứ tư, cả 63 cổng DVC được đánh giá còn khó tiếp cận với người khiếm thị và đồng bào dân tộc thiểu số. Không có cổng DVC cấp tỉnh nào bảo đảm cả 6 tiêu chí về mức độ tiếp cận cơ bản cho một trang web mức độ A theo hướng dẫn để bảo đảm tính dễ tiếp cận.

Thứ 5, việc cam kết bảo vệ dữ liệu cá nhân và bảo đảm an toàn thông tin chưa được quan tâm đúng mức. Trong 63 cổng DVC, chỉ có 3 cổng của Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Gia Lai có chính sách về quyền riêng tư, tương tự kết quả rà soát năm 2022.

Nâng cao trải nghiệm cho người dùng

Từ kết quả khảo sát này, nhóm nghiên cứu đã đưa ra hai nhóm khuyến nghị về tăng tính thân thiện, dễ sử dụng của giao diện cổng DVCTT. Đồng thời đề xuất hoàn thiện chính sách phát triển DVCTT để cải thiện tỉ lệ và nâng cao trải nghiệm của người dân.

Đáng chú ý, nghiên cứu đề xuất DVCTT cần phải thân thiện hơn với người khuyết tật bằng cách rà soát định kỳ, phát hiện và cải thiện mức độ thân thiện với người khuyết tật sử dụng trình đọc màn hình. Ngoài ra, cần tăng cường kết nối dữ liệu giữa cổng dịch vụ công quốc gia và các cổng dịch vụ công cấp tỉnh. Cùng với đó, cần xây dựng quy định về chuẩn kỹ thuật kết nối, liên thông các hệ thống cung cấp DVCTT.

Với kết quả nghiên cứu của IPS, ông Nguyễn Minh Hồng khuyến nghị, Chính phủ, đầu mối là Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số, cần tập trung vào hai nhóm việc trọng tâm. Đó là hoàn thiện chức năng cung cấp dịch vụ công cho 25 dịch vụ công thiết yếu nhất và nâng cao trải nghiệm cho người dùng dịch vụ thông qua cải tiến giao diện dễ sử dụng và thân thiện hơn.

"Làm được khâu này sẽ giúp Việt Nam tăng điểm số, đạt mục tiêu lọt vào nhóm 50 quốc gia đứng đầu trong xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc”, Chủ tịch Hội Truyền thông số nhấn mạnh.

Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm