Xã hội số

Facebook, Google gỡ bỏ hàng nghìn bài viết và video xấu độc

DNVN - Bộ TT&TT cho biết từ đầu năm đến tháng 6/2021, Facebook và Google đã vào cuộc gỡ hàng nghìn nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam.

Con trai bà Tân Vlog bị xử phạt: YouTube dung túng cho clip xấu độc, nhảm nhí? / Hà Nội: Xử phạt 4 Facebooker vì tung tin giả về Covid-19

Tin giả và nội dung độc hại vẫn lan truyền mạnh qua Facebook, YouTube.

Tin giả và nội dung độc hại vẫn lan truyền mạnh qua Facebook, YouTube.

Theo thống kê của Bộ TT&TT từ đầu năm đến ngày 22/6/2021, theo yêu cầu của Bộ, phía mạng xã hội Facebook đã gỡ 702 bài viết, tài khoản vi phạm; Google (YouTube) đã gỡ 2.544 video và kênh xấu độc vi phạm pháp luật Việt Nam.

Trong suốt thời gian qua, Bộ TT&TT đã vào cuộc quyết liệt xử lý vấn nạn tin giả, video với nội dung bịa đặt chưa được kiểm chứng, sai lệch về nội dung được phát tán trên không gian mạng và các phương tiện truyền thông, bao gồm cả truyền thông xã hội.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, mạng xã hội (Facebook, Google, Zalo…) trở thành nền tảng lan truyền tin giả phổ biến nhất. Tin giả xuất hiện trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…

Nghiêm trọng hơn, dịch COVID-19 bùng phát đã làm vấn nạn tin giả trở nên nguy hiểm hơn. Tin giả về COVID-19 được tán phát chủ yếu thông qua mạng xã hội (Facebook, YouTube, Tiktok…) với nhiều mục đích, ý đồ khác nhau.

 

Chỉ trong năm 2020, cơ quan chức năng đã xác định khoảng 100 hội nhóm trên mạng xã hội Facebook, 14.000 chuyên trang Facebook, hơn 80 kênh YouTube chống phá với tần suất cao, khoảng trên 54.000 video vi phạm thường xuyên tán phát tin giả có ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Trong đó, xử phạt hành chính hơn 1.000 đối tượng có hoạt động đăng tải thông tin chưa chính xác về dịch COVID-19.

Nhiều thủ đoạn được các đối tượng sử dụng trong đăng tải tin giả, nguy hiểm nhất là việc sử dụng “khoảng trống thông tin” để tấn công vào sự hiếu kỳ của công chúng và làm mới thông tin cũ, bịa đặt thông tin mới. Nhiều thông tin bị xuyên tạc, bóp méo sự thật, thông qua những tiêu đề “giật gân”, “câu khách” về vấn đề dư luận đang quan tâm, nhất là vấn đề liên quan đến nội bộ Đảng, Nhà nước, tham nhũng, tiêu cực.

Cũng theo Bộ TT&TT, trong 5 tháng đầu năm 2021, Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) đã công bố dán nhãn 37 tin giả và cập nhật 38 tin xử phạt các cá nhân đưa thông tin giả, sai sự thật từ cơ quan báo chí; tổng đài 18008108 hướng dẫn người dân về báo tin giả tiếp nhận 2.395 cuộc gọi đến.

Nhằm tạo điều kiện phát triển lành mạnh mạng xã hội tại Việt Nam và xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam, ngày 17/6/2021 Bộ TT&TT cũng đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội.

Đức Hiệp
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm