Xã hội

Lời giải cho bài toán thiếu hụt kỹ năng

DNVN - Một trong những khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt là những biến động lớn về lao động, trong đó có sự suy giảm và thiếu hụt lao động có kỹ năng, việc thu hút lao động, tạo ra việc làm thỏa đáng đang là một bài toán khó được đặt ra.

Startup – Kite 2022: Lan tỏa khởi nghiệp sáng tạo / Xu hướng học nghề và lợi thế so sánh


Đào tạo theo hướng mở, linh hoạt sẽ giúp người lao động có nhiều cơ hội nâng cao trình độ kỹ năng nghề

Nhiều thách thức đối với doanh nghiệp

Kết quả sơ bộ của cuộc khảo sát doanh nghiệp mới đây do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện cho thấy khoảng 60% số doanh nghiệp được hỏi cho rằng: tình trạng thiếu lao động có kỹ năng là một thách thức từ mức độ trung bình đến nghiêm trọng.

Theo Viện Khoa học và Lao động Xã hội, lao động Việt Nam còn thiếu các kỹ năng chuyên môn, kỹ năng cơ bản, cốt lõi để thích ứng với thị trường lao động trong bối cảnh CMCN 4.0. Kỹ năng chuyên môn bao gồm những kiến thức và kỹ năng chuyên biệt cần phải có nhằm thực hiện các công việc cụ thể của một nghề được hình thành chủ yếu qua quá trình đào tạo nghề nghiệp tại cơ sở đào tạo, tại doanh nghiệp hoặc thông qua quá trình hành nghề.

Ở các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, mức độ thiếu hụt kỹ năng có khác nhau song trên 65% doanh nghiệp nhận định, đa số lao động của họ còn thiếu hụt các kỹ năng chuyên môn kỹ thuật cần thiết lẫn kỹ năng cơ bản, cốt lõi khác. Mức độ thiếu hụt các kỹ năng cơ bản, nền tảng còn cao hơn sự thiếu hụt các kỹ năng chuyên môn kỹ thuật. Ở các doanh nghiệp có ứng dụng công nghệ cao, mức độ thiếu hụt kỹ năng là cao hơn.

Khảo sát của Viện Khoa học Giáo dục nghề nghiệp cũng cho thấy về mức độ thiếu hụt kỹ năng và năng lực hành nghề theo đánh giá của doanh nghiệp, nhóm lao động trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh có mức độ thiếu hụt kỹ năng nhiều nhất, tiếp đến là nhóm lao động gián tiếp và nhóm lao động quản lý. Trong tất cả các kỹ năng/năng lực thì năng lực ngoại ngữ thiếu hụt nhiều nhất, tiếp đến là tin học, tư duy sáng tạo và tính tự chủ, kỹ năng kinh doanh.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2021-2030 đặt ra mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo là 75% trong tổng lực lượng lao động, trong đó 40% có bằng cấp, chứng chỉ. Vì vậy, nếu không đáp ứng yêu cầu kỹ năng cao, lao động Việt Nam sẽ đối mặt với rủi ro mất việc làm và bất ổn về an sinh xã hội, nhất là dưới tác động bởi ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa… những ngành nghề liên quan đến lao động giản đơn, thâm dụng lao động như dệt may, da giày, lắp ráp, thủ công, sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở và linh hoạt

Ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: Để chuẩn bị lực lượng lao động có trình độ kỹ năng nghề, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đặt mục tiêu phát triển nhanh giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, hội nhập nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển đất nước trong từng giai đoạn.

Chiến lược cũng phấn đấu đến năm 2030, giáo dục nghề nghiệp cơ bản đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cho quốc gia đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại; một số nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35-40%. Trong đào tạo nhân lực nhấn mạnh kỹ năng cốt lõi, kỹ năng mềm, kỹ năng số, kỹ năng ngoại ngữ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, chiến lược phát triển Kinh tế - Xã hội qua các thời kỳ luôn xác định vị trí, vai trò quan trọng và đột phá chiến lược của nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, được thể chế hóa trong hệ thống phát luật đã tạo cơ sở hàng lang pháp lý, cơ chế, chính sách để hệ thống Giáo dục Đào tạo nói chung, Giáo dục Nghề nghiệp nói riêng hình thành và phát triển đồng bộ, đáp ứng nhu cầu học tập, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực nghề nghiệp của người dân, quy định trách nhiệm và khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan liên quan tham gia vào quá trình phát triển kỹ năng nghề nghiệp của người lao động.


Anh Quang
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm