Xã hội

Đà Nẵng: Doanh nghiệp, người lao động khó tiếp cận vốn vay hậu COVID-19

DNVN - Trong Thông báo xây dựng chính quyền số 104/TB-MTTQ-BTT gửi đến Kỳ họp thứ 10 HĐND TP khóa X khai mạc sáng nay 13/12, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng phản ánh doanh nghiệp, người lao động khó tiếp cận các nguồn vốn vay để khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh hậu COVID-19 theo chủ trương của Chính phủ.

Giao lưu trà đạo Nhật Bản / Đà Nẵng chấn chỉnh hoạt động kinh doanh bất động sản chưa đủ điều kiện

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng cho biết, qua giám sát tình hình sản xuất, kinh doanh, tiếp cận các nguồn vốn vay, phát triển kinh tế và ổn định đời sống nhân dân, cử tri Đà Nẵng còn băn khoăn, lo lắng trước tình hình giá cả nhiều mặt hàng vẫn tăng cao, gây khó khăn cho đời sống người dân, nhất là người có thu nhập thấp và bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 dù giá xăng dầu đã có nhiều đợt giảm.

Nhiều doanh nghiệp trong các KCN ở Đà Nẵng đang gặp khó khăn do ít đơn hàng, thiếu nguyên liệu sản xuất, phải giảm nhân công lao động

Nhiều doanh nghiệp trong các KCN ở Đà Nẵng đang gặp khó khăn do ít đơn hàng, thiếu nguyên liệu sản xuất, phải giảm nhân công lao động

Theo Thông báo xây dựng chính quyền số 104/TB-MTTQ-BTT, chính sách hỗ trợ các đối tượng khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68-NQ/CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ, cũng như hỗ trợ các đối tượng đặc thù bằng chính sách riêng của TP Đà Nẵng đã được triển khai đồng loạt, kịp thời trên địa bàn, được rất nhân dân đồng tình.

Tuy nhiên do quy trình, thời gian, thủ tục kê khai hồ sơ trên thực tế và tiếp nhận hồ sơ trên Cổng dịch vụ công quốc gia còn nhiều bất cập, vướng mắc nên nhiều doanh nghiệp, người lao động không thể tiếp cận được nguồn hỗ trợ cũng như nguồn vốn vay để khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Chính phủ.

Cụ thể, đến thời điểm giám sát, toàn TP Đà Nẵng mới có 39 doanh nghiệp và 98 lượt người sử dụng lao động được giải quyết cho vay để trả lương cho 11.899 lượt lao động; thời gian cho vay đối với người sử dụng lao động tối đa dưới 12 tháng là quá ngắn, khó có thể giải quyết được khó khăn và phục hồi sản xuất.

Ngoài ra, phần lớn doanh nghiệp trong các lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, xuất khẩu lao động và một số lĩnh vực khác… đều chịu ảnh hưởng lớn của đại dịch, phải thỏa thuận với người lao động nghỉ việc không hưởng lương hoặc chấm dứt hợp đồng lao động do chưa thể khôi phục kinh doanh. Vì vậy họ không đủ điều kiện để được vay vốn.

Trước tình hình này, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng cho biết, cử tri đề nghị chính quyền TP quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ một phần lãi suất vay vốn (đang có xu hướng tăng lãi suất) cho doanh nghiệp có điều kiện phục hồi kinh tế hậu COVID-19, nhất là đối với các doanh nghiệp đã có những đóng góp tích cực trong các chương trình an sinh xã hội của TP. Cử tri cũng kiến nghị Ngân hàng Chính sách xã hội TP tiếp tục xây dựng nhiều chính sách cho vay ưu đãi, tạo điều kiện để doanh nghiệp vay vốn phục hồi sản xuất, ổn định đời sống cho người lao động.

“Theo báo cáo phản ánh của các tổ chức thành viên, nhiều doanh nghiệp trong các KCN ở Đà Nẵng gặp khó khăn do ít đơn hàng, thiếu nguyên liệu sản xuất, phải giảm nhân công lao động; nhiều ngân hàng thương mại điều chỉnh lãi suất, nguy cơ lạm phát tăng cao, tình trạng người lao động rút BHXH 1 lần ngày càng nhiều...”, Thông báo xây dựng chính quyền số 104/TB-MTTQ-BTT cho biết.

Vì vậy Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng đề nghị chính quyền TP cần có những giải pháp cụ thể để duy trì ổn định sản xuất kinh doanh, tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các chính sách có liên quan đến phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, song hành với các chính sách hỗ trợ người lao động ổn định cuộc sống.


Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm