Xăng E5 thể hiện ưu thế về giá
Tuy nhiên, dù đã bàn thảo nhiều cách mở đường thuận lợi cho xăng sinh học chiếm lĩnh thị trường và tạo dựng lòng tin của người tiêu dùng nhưng đến sát thời hạn bắt buộc thay thế xăng A92 bằng E5, doanh nghiệp (DN) vẫn lo lắng bị sụt giảm lợi nhuận, trong khi người tiêu dùng vẫn chưa an tâm cả về chất lượng và nguồn cung.
Mặc dù nhà nước đang hỗ trợ người dùng xăng E5 với mức 500đ/lit thông qua việc trích lập quỹ bình ổn giá thấp hơn so với xăng A95 và A92 và hỗ trợ 250đ/lit cho các đầu mối kinh doanh xăng dầu để đảm bảo có lãi khi phối trộn xăng khoáng với nhiên liệu E100 nhưng thói quen sử dụng E5 vẫn hiện chưa được thiết lập.
Để thay đổi tập quán và nhận thức của người tiêu dùng đối với xăng sinh học luôn là một vấn đề nan giải, nhất là khi chênh lệch giữa giá bán lẻ của xăng E5 và xăng khoáng Ron 92 không đủ sức thu hút họ. Đó là ý kiến của ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam về Đề án phát triển nhiên liệu sinh học và Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống.
Thời điểm ngừng bán xăng Ron 92 truyền thống chỉ được tính bằng ngày. Theo đề án mà Chính phủ phê duyệt, từ 1/1/2018, Việt Nam sẽ ngừng bán xăng Ron 92 và thay thế bằng xăng E5 và xăng khoáng Ron 95. Mục tiêu của đề án là nhằm đảm bảo mục tiêu an ninh năng lượng, giảm dần sự lệ thuộc vào xăng khoáng, cải thiện môi trường và tạo thu nhập bền vững cho khu vực nông nghiệp.
Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công thương) dự báo, quyết định thay thế toàn bộ xăng Ron 92 có thể làm lượng tiêu thụ xăng E5 Ron 92 trên cả nước tăng lên 5,3 triệu m3, một số người tiêu dùng chuyển sang sử dụng xăng khoáng Ron 95.
Chỉ còn 2 tuần nữa đến ngày ngừng việc bán xăng A92, mở đường cho các doanh nghiệp tăng sản lượng tiêu thụ E5 nhưng hiện nhiều doanh nghiệp xăng sinh học vẫn còn kêu khó. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh, việc thực hiện thay thế xăng sinh học là cấp thiết và không thể lùi thêm nữa.
Đánh giá về chủ trương này, ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng đây là chủ trương đúng đắn, không những là xu hướng chung của các nước tiên tiến trên thế giới mà còn phù hợp với tình hình thực tiễn tại Việt Nam khi việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất- kinh doanh đang là một trong những ưu tiên hàng đầu. Lúc đó, trên thị trường Việt Nam chỉ còn 2 loại xăng E5 Ron 92 và Ron 95.
Theo ghi nhận của phóng viên, việc đưa xăng E5 vào kinh doanh đối với các cửa hàng tư nhân, đại lý đang nhập xăng từ các doanh nghiệp đầu mối, việc thuyết phục họ chuyển qua bán xăng sinh học đang gặp khó khăn bởi tâm lý lo ngại xăng sinh học hao hụt nhiều hơn xăng khoáng truyền thống.
Hiện nay, xăng E5 Ron 92 đang được bán song song cùng xăng khoáng. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn chưa thật sự mặn mà với loại xăng này khi tỷ lệ tiêu thụ xăng E5 trên thị trường mới chỉ đạt 8% trên tổng lượng tiêu thụ xăng khoáng. Để thực hiện chủ trương đưa công nghệ sinh học vào thực tiễn, việc ngừng bán xăng Ron 92 hy vọng sẽ là yếu tố quyết định để người dân tiến tới sử dụng xăng E5.
Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng thay đổi tập quán và nhận thức của người tiêu dùng đối với xăng sinh học luôn là một vấn đề nan giải đối với các cơ quan chức năng từ trước đến nay, nhất là khi chênh lệch giữa giá bán lẻ của xăng E5 và xăng khoáng Ron 92 không đủ sức thu hút họ. Việc ngừng bán hoàn toàn xăng Ron 92, thay vào đó là các trạm nhiên liệu cung cấp xăng E5 cũng giúp cho người tiêu dùng phần nào chấp nhận chuyển sang dùng nhiên liệu này. Tuy nhiên, sẽ không tránh khỏi việc một bộ phận người dùng chuyển hẳn sang dùng xăng Ron 95, nhất là các xe ôtô.
Theo ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ, Bộ Công thương. Để kích thích nhu cầu sử dụng xăng E5, nhà nước đã có chính sách kích cầu. Hiện nay, bằng các công cụ thuế phí, giá xăng E5 thấp hơn giá xăng A92 khoảng 300 đồng/lít. Tới đây, với các giải pháp về thuế, phí mà Bộ Tài chính đang đề xuất thì xăng E5 sẽ thấp hơn xăng khoáng (A95) khoảng 1.500 - 2.000 đồng/lít. Sau này, nếu sử dụng xăng E10 thì giá xăng sẽ còn thấp hơn nữa.
Về phía doanh nghiệp, ông Phạm Đức Thắng, Tổng giám đốc Petrolimex nhận định, xăng E5 ế ẩm là do "cơ chế, chính sách chưa quyết liệt". Để triển khai đúng lộ trình, phải đặt vấn đề giá lên hàng đầu, bởi doanh nghiệp lúc nào cũng nghĩ đến hiệu quả kinh doanh trước tiên. Đối với người tiêu dùng, mức chênh lệch giá giữa xăng E5 và các loại xăng khác cần hấp dẫn, để lựa chọn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo