Xi măng - càng xuất khẩu càng lỗ
Trước tình trạng nguồn cung xi măng trong nước dư thừa, nhiều DN xi măng cực chẳng đã phải tìm hướng XK. Thế nhưng việc XK này không đem lại hiệu quả như mong muốn, trái lại có nguy cơ gây thiệt hại cho DN lẫn nền kinh tế.
Thiệt hại 80 triệu USD/năm
Theo báo cáo của Tổng Công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem), 2 tháng đầu năm 2013, Vicem XK được 24 nghìn tấn xi măng, chỉ đạt 21,8% so với mục tiêu đặt ra là XK 110 nghìn tấn xi măng. Riêng trong tháng 2-2013, Vicem đặt ra mục tiêu XK 89 nghìn tấn xi măng và clinker nhưng chỉ XK được 8 nghìn tấn xi măng, còn clinker thì chưa XK được tấn nào. Tính đến ngày 28-2-2013, tổng sản phẩm tồn kho của Vicem là 1,74 triệu tấn, trong đó tồn 1,37 triệu tấn clinker.
Ông Nguyễn Cử Thanh, Phó Ban kế hoạch của Vicem cho biết: Hiện nay nguồn cung xi măng trên thị trường khá lớn, ở mức 70-75 triệu tấn/năm trong khi nhu cầu chỉ khoảng 50 triệu tấn/năm. Như vậy, mỗi năm thị trường trong nước thừa khoảng 20-25 triệu tấn xi măng. Một số nhà máy xi măng của Vicem hoạt động 95% công suất, đa số là hoạt động 85-90% công suất. Với mức công suất này, các nhà máy xi măng không bị lỗ nhưng hiệu quả thấp. Nếu chỉ hoạt động 50-60% công suất thì chắc chắn các nhà máy xi măng sẽ lỗ. Trong bối cảnh đó, XK xi măng là giải pháp tình thế khi thị trường tiêu thụ nội địa gặp khó khăn, nhằm giảm áp lực dư thừa xi măng trong nước. "Không nước nào làm xi măng với mục tiêu XK bởi vì đây là việc đem tài nguyên thiên nhiên đi bán. Mặt khác, XK xi măng cũng không phải là dễ dàng và lợi nhuận không cao. Bản thân Vicem phải XK xi măng sang tận châu Phi. Lợi nhuận thu được trừ hết vào chi phí vận tải cho nên XK hòa vốn đã là tốt lắm rồi" - ông Thanh nói.
TS Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam chia sẻ: Hiện nay có tình trạng các DN XK xi măng "tranh mua tranh bán", bán dưới giá sàn. Do vậy XK xi măng với giá 40-45 USD/tấn, nhưng bị thiệt từ 8-10 USD/tấn vì XK dưới giá thành. Năm 2012 chúng ta XK 9-10 triệu tấn xi măng, clinker thì lỗ khoảng 80 triệu USD. Năm 2013 dự báo cũng XK 8-10 triệu tấn xi măng, clinker. Nếu XK không có lãi thì "nguy hiểm" lắm vì làm xi măng tốn nhiều nguồn lực.
TS Trần Văn Huynh đề nghị: Thời gian tới các DN, nhà quản lí cần chấn chỉnh công tác XK clinker, xi măng. Hiện chúng ta có quá nhiều đơn vị XK, các đơn vị này đua nhau hạ giá bán để cạnh tranh lẫn nhau. Cho nên cần lập lại trật tự thị trường XK theo nguyên tắc XK không được bán phá giá và không được thấp hơn giá bán nội địa nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia và hiệu quả của DN. Muốn vậy, nên giao cho Hiệp hội Xi măng Việt Nam làm đầu mối để thống nhất thị trường, tạo mặt bằng giá XK hợp lí, thâm nhập vào thị trường lớn. Nếu để như hiện nay, hàng năm chúng ta XK hàng triệu tấn tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường, làm thiệt hại cho DN và Nhà nước 70 - 80 triệu USD/năm.
Thận trọng bán dự án xi măng cho nước ngoài
Bên cạnh những vấn đề nảy sinh từ việc XK do thị trường xi măng gặp khó khăn, TS Trần Văn Huynh cũng bày tỏ quan ngại trước tình trạng các DN nước ngoài mua lại dự án xi măng của Việt Nam. Ông Huynh cho biết: Hiện nay các công ty có vốn FDI chiếm đến 33% công suất toàn ngành. Gần đây có 2 công ty là Công ty liên doanh Xi măng Chinfon và Công ty Xi măng Thăng Long đã bán cổ phần cho Tập đoàn Semen Gresik Indonesia, bao gồm cả dự án xi măng Thăng Long mở rộng và dự án xi măng An Phú - Bình Phước (Nam bộ). Tập đoàn Semen Gresik Indonesia dự kiến sẽ đưa tổng công suất lên 10 triệu tấn vào năm 2016.
Lãnh đạo Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cảnh báo: Chúng ta không nên để các tập đoàn xi măng nước ngoài "thôn tính" các nhà máy xi măng lớn, hiện đại và có địa thế ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Nếu không, các DN này sẽ biến nước ta thành nơi cung cấp tài nguyên, năng lượng, lao động; làm ô nhiễm môi trường sinh thái, làm thiệt hại kinh tế quốc gia. Bởi vì xi măng là mặt hàng chiến lược hết sức quan trọng gắn với tài nguyên không tái tạo, vị trí mỗi nhà máy xi măng gắn với an ninh quốc phòng, an ninh quốc gia.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Cử Thanh cảnh báo: Các bộ, ngành cần tham mưu để hạn chế việc nhà đầu tư nước ngoài mua các dự án xi măng. Thực chất chủ yếu họ mua tài nguyên của đất nước ta mà thôi. Bởi vì sản phẩm xi măng phải sử dụng nhiều tài nguyên khoáng sản, trong đó có đá vôi, đất sét, các loại phụ gia, than... Khi làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài, chúng tôi thấy rằng mục đích họ mua xi măng là để "lợi dụng" nguồn nguyên liệu của mỗi dự án. Điều này sẽ khiến nguồn tài nguyên bị xâm hại và cảnh quan bị phá vỡ.
Vì vậy theo TS Trần Văn Huynh, khi Nhà nước cho chủ trương đầu tư nhà máy xi măng cần cân nhắc lựa chọn chủ đầu tư có đủ năng lực tài chính và trình độ quản lí, vận hành, tránh tình trạng đầu tư xong không trả được nợ vay, đem bán cho nước ngoài, nhất là các dự án nằm ở vùng nguyên liệu đá vôi hiếm như ở vùng Đông Nam bộ, ở vùng biên giới liên quan đến an ninh quốc gia.
Nhật Minh
Theo HQO
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo