Xử lý doanh nghiệp thua lỗ theo cơ chế thị trường
Tăng cường kiểm tra, giám sát
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, khẩn trương, quyết liệt triển khai các nghị quyết của Chính phủ, các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao. Theo đó, hoàn thành cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước theo đúng kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (bao gồm cả các DN chưa hoàn thành kế hoạch năm 2017 chuyển sang); bảo đảm số thu về ngân sách nhà nước theo Nghị quyết của Quốc hội giao. Kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, bất cập phát sinh trong triển khai thực hiện; hoàn thành việc phê duyệt đề án cơ cấu lại các DNNN theo thẩm quyền và quy định tại Quyết định số 707/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó cần triển khai, tạo bước chuyển mạnh mẽ đối với các Đề án cơ cấu lại DNNN đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, tiếp tục cơ cấu lại toàn diện DNNN về tổ chức, nhân sự, chiến lược, quản trị, tài chính, công nghệ, sản phẩm, ngành nghề… Chủ trương này với mục đích để lành mạnh hóa tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động đối với từng DN; rà soát, xử lý dứt điểm tồn tại, yếu kém của DNNN và DN có vốn nhà nước. Kiên quyết xử lý các DN thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả, hiệu quả thấp theo cơ chế thị trường và xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân liên quan.
Phó Thủ tướng cũng nêu rõ: Cần xác định trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN. Bộ trưởng các bộ quản lý ngành, chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, chủ tịch hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế chịu trách nhiệm hành chính trước Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, xử lý nghiêm lãnh đạo DNNN, người đại diện phần vốn nhà nước tại DN không nghiêm túc thực hiện, hoặc thực hiện không có kết quả nhiệm vụ được giao.
Mạnh tay với doanh nghiệp kém hiệu quả
Bình luận về việc phải xử lý dứt điểm DNNN hoạt động kém hiệu quả, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển - Bộ Kế hoạch và đầu tư cho rằng, phải tránh tình trạng DN hiện tại gặp nhiều khó khăn, tương lai mờ mịt mà vẫn tiếp tục đổ tiền để mong “hồi sinh”. Cuối cùng DN đó vẫn không sống được, dẫn tới tình trạng mất vốn của nhà nước trầm trọng hơn.
“Lịch sử đã có tình trạng này, ví dụ như việc tái cơ cấu Vinashin, Vinalines cũng gặp khó khăn, tiếp tục sử dụng nguồn lực nhà nước để hỗ trợ xử lý, nhưng các DN này cho đến nay vẫn không gượng dậy được. Thậm chí, có DN khó khăn hơn, lãi mẹ đẻ lãi con, càng gây thêm gánh nặng cho ngân sách, gây thiệt hại thêm cho tiền thuế của dân”- ông Hồ lưu ý. Theo đó phải để DNNN phá sản dù đó là giải pháp cuối cùng
Tuy nhiên, ông Lưu Bích Hồ cho biết, khối lượng tài sản thất thoát, lãng phí ở các dự án thua lỗ là rất lớn, không thể xử lý đơn giản để rồi dẫn đến mất trắng. Khi cho phá sản, giá trị đất đai của DN là rất lớn, bán được thì thu hồi được không ít tài sản; và vấn đề rất lớn là lao động việc làm. Phá sản các dự án này phải đúng quy trình thủ tục. Bây giờ đã có Luật Phá sản thì phải làm theo đúng luật, minh bạch rõ ràng.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI), phá sản những DNNN yếu kém xong không có nghĩa là… hết chuyện. Luật pháp cũng đã quy định rõ, nếu cá nhân, đơn vị làm thất thoát tài sản nhà nước thì phải chịu trách nhiệm và bị xử lý. Với những DNNN yếu kém, cho phá sản, phải truy được nguyên nhân xảy ra yếu kém, thua lỗ. “Lâu nay, nhiều DNNN làm ăn thua lỗ nhưng truy trách nhiệm thì không dễ dàng. Cần tính đến truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân cụ thể để làm gương răn đe, tránh tình trạng tương tự xảy ra, làm thất thoát tài sản Nhà nước”, ông Hải đề nghị.
Về vấn đề này Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng yêu cầu tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn. Kiên quyết xử lý các DN thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả, hiệu quả thấp theo cơ chế thị trường; có cơ chế kiểm soát phù hợp nguồn vốn mua, bán, sáp nhập DN.
End of content
Không có tin nào tiếp theo