Hỗ trợ doanh nghiệp

Xuất khẩu qua EU gặp khó

Không chỉ khó khăn do khu vực này thắt chặt chi tiêu mà EU còn là một trong những thị trường có nhiều quy định kỹ thuật khắt khe
Các tiêu chuẩn, quy định xuất khẩu hàng hóa vào thị trường châu Âu giống như một “ma trận”. Nếu doanh nghiệp vượt qua được, mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng hơn. Đây là ý kiến được bà Bruna Santarelli, Trưởng Đại diện Thương vụ Ý tại Việt Nam, đưa ra tại hội thảo “Đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam qua châu Âu (EU)” do Cục Xúc tiến Thương mại - Bộ Công Thương tổ chức cuối tuần qua.
 

Doanh nghiệp thiếu đơn hàng



Khi khủng hoảng, chủ nghĩa bảo hộ sẽ gia tăng và EU đã tăng cường kiểm tra chất lượng các sản phẩm, khả năng vận động kiện chống bán phá giá gia tăng. Các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm trước yêu cầu ngày càng khắt khe của EU và có chiến lược hợp lý giữa sản phẩm chế biến và xuất khẩu thô…

Bà Bùi Thị Thanh An, Trưởng Đại diện Cục xúc tiến Thương mại tại TP Hồ Chí Minh

 

Ông Trần Ngọc Quân, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường EU, cho biết EU là một trong ba thị trường quan trọng nhất của Việt Nam sau Mỹ và Nhật Bản. Trong nhiều năm qua, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và EU tăng nhanh. Những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam qua thị trường này là hải sản, gạo, cà phê, dệt may, giày dép…

 

Năm 2011, các mặt hàng đứng đầu danh sách xuất khẩu qua thị trường EU gồm gạo (14,5 triệu USD, tăng 85,6%), cà phê (hơn 1 tỉ USD, tăng 48,05%), hạt điều (325,5 triệu USD, tăng 43,1%) và nhiều mặt hàng khác như cao su, hải sản, dệt may… Tuy nhiên, qua đầu năm 2012, các nước EU phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ công buộc họ phải tiết kiệm chi tiêu. Tăng trưởng xuất khẩu các ngành dệt may, da giày, thủ công mỹ nghệ vào thị trường này không còn cao, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Một số doanh nghiệp ngành đồ gỗ cho biết đơn hàng từ các nước châu Âu đã giảm khoảng 50% - 60% so với cùng kỳ.

 

Không chỉ gặp khó khăn do khu vực này thắt chặt chi tiêu, EU còn là một trong những thị trường có nhiều quy định kỹ thuật khá khắt khe. Hiện tại, EU vẫn đang duy trì chính sách bảo hộ sản xuất nội khối (cho 27 nước trong khu vực). Do đó, việc tăng xuất khẩu quá nhanh vào khu vực này có thể đưa đến các nước trong EU sẽ tiến hành một số biện pháp tự vệ, chống bán phá giá...

 

Theo Bộ Công Thương, các doanh nghiệp khi xuất khẩu vào thị trường EU cần chú ý các yêu cầu về thuế và phi thuế như quy định về hóa chất (reach) hay quy định TRACY về truy nguyên hàng hóa (nguồn gốc hàng hóa, số lô sản xuất…). Một số quy định phi thuế mới như quy định chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không quản lý (IUU). Trong năm 2011, nhiều doanh nghiệp đã bị EU cảnh báo về các vi phạm này. Đồng thời, các nước trong khối EU cũng đang đẩy mạnh thực hiện Luật Nghề rừng (FLEGT), yêu cầu doanh nghiệp phải có chứng chỉ rừng, sử dụng gỗ có nguồn gốc.

 

Đừng để “sự đã rồi”

 

Gần đây, các nước EU còn đưa ra một số yêu cầu về vệ sinh, kỹ thuật, chất lượng sản phẩm rất cao không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được nên rất khó đưa hàng qua thị trường này. Chẳng hạn, với mặt hàng thủy sản, nhiều yêu cầu về dư lượng ngay cả một số phòng xét nghiệm cũng không thực hiện được.

 

Mới đây, các mặt hàng rau thơm (nhóm rau quả) của Việt Nam xuất sang EU rất có tiềm năng nhưng đã bị theo dõi vì phát hiện có sinh vật, bọ trong sản phẩm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phải ra công điện yêu cầu sản phẩm rau quả xuất khẩu vào EU phải có chứng thư xuất khẩu. Thế nhưng chỉ trong một tháng, các doanh nghiệp đã hai lần vi phạm điều này. “Nếu Việt Nam có năm vụ vi phạm, EU sẽ cấm nhập khẩu rau thơm vào khu vực. Dù rau thơm xuất khẩu sang EU chưa nhiều nhưng đây là uy tín của Việt Nam, sẽ ảnh hưởng đến cả các mặt hàng khác nên cần phải chú ý” - ông Trần Ngọc Quân nhấn mạnh.

 

Bộ Công Thương cũng khuyến cáo: Các doanh nghiệp khi xuất khẩu vào EU cần kiểm tra kỹ đối tác, nhất là về khả năng thanh toán và tài chính của họ. Thời gian qua, một số doanh nghiệp xuất khẩu vào EU đã gặp tình trạng bị trả chậm tiền hàng, thậm chí có đối tác tuyên bố phá sản.

 

Bà Bruna Santarelli kể câu chuyện cách đây không lâu, một doanh nghiệp Việt Nam đến Thương vụ Ý than phiền về việc chuyển số tiền 38.000 euro cho một đối tác tại Ý nhưng không ký hợp đồng và giờ đối tác đã “bặt tăm”. Một doanh nghiệp Việt khác nhận hàng hóa qua cảng sau khi chuyển tiền cho đối tác nhưng số hàng hóa này không phải thứ doanh nghiệp đã trao đổi, thỏa thuận và số lượng cũng không đúng. Đến khi mang về văn phòng xem thử, doanh nghiệp không thể sử dụng hàng hóa này… Vì vậy, bà Bruna Santarelli lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam nên tìm hiểu kỹ thông tin trước khi hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài.
 
Theo NLĐ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo