Hỗ trợ doanh nghiệp

Xuất khẩu sang Nga: Cơ hội rộng mở

Trong vòng 3 năm qua, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Nga tăng bình quân hơn 62%.

Các sản phẩm giày Việt Nam được ưa chuộng tại thị trường Nga (Ảnh: CT)

Doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn gia tăng xuất khẩu sang Nga, trong bối cảnh Nga đã trở thành thành viên WTO và tiến trình đàm phán FTA giữa Việt Nam và Liên minh hải quan Nga, Belarus, Kazakhstan đã qua 4 vòng.

Cơ hội từ thị trường truyền thống

Trong vòng 3 năm qua, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Nga tăng bình quân hơn 62%, trở thành một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Nga đạt trên 1,9 tỷ USD, tăng hơn 20% so với năm 2013.

Các mặt hàng chính Việt Nam xuất khẩu sang Nga là điện thoại và linh kiện, máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện, hàng dệt may, giày dép, cà phê, hàng thủy sản, hạt điều, gạo..., trong đó, hàng điện thoại và linh kiện đạt kim ngạch cao nhất, khoảng 800 triệu USD; kế đến là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện gần 190 triệu USD; dệt may ước 130 triệu USD....

Ông Phạm Quang Niệm, tham tán thương mại Việt Nam tại LB Nga, cho hay, khi Nga đã chính thức gia nhập WTO (tháng 8/2012) và việc Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2014, thuận lợi lớn nhất cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam là được tiếp cận với một thị trường mới, rộng lớn hơn với nhiều mức thuế ưu đãi.

Theo quy định về việc Nga gia nhập WTO, một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang quốc gia này đã có mức thuế thấp hơn từ 30- 50% so với trước. Đây chính là cơ hội cho hàng hóa Việt Nam cạnh tranh bình đẳng về giá và chất lượng cũng như chiếm lĩnh thị phần lớn hơn trên thị trường Nga.

“FTA giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan sẽ giúp tạo ra bước nhảy vọt phát triển quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư công nghiệp giữa các nước và Việt Nam có thể được tiếp thu công nghệ tiên tiến, nền móng phát triển khoa học kỹ thuật mạnh mẽ từ Liên minh Hải quan để hiện đại hóa nền kinh tế của mình. Bên cạnh đó, hiệp định cũng tạo công ăn, việc làm, phát triển ngành dịch vụ, du lịch và tạo điều kiện thúc đẩy luồng đầu tư mạnh mẽ giữa Liên minh Hải quan và Việt Nam”- ông Niệm nhận định.

Tìm đầu mối ổn định

Dù vậy, theo kinh nghiệm của các chuyên gia và những doanh nghiệp chuyên xuất nhập khẩu với Nga, thị trường Nga tuy tiềm năng lớn nhưng cũng tồn tại không ít khó khăn và trở ngại. Trong đó, khó khăn lớn nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam hầu như không có đầu mối giao dịch thương mại tập trung, ổn định tại thị trường này. Trong khi đó, việc đặt văn phòng đại diện, mở rộng kinh doanh tại Nga còn vướng một số vấn đề về thủ tục pháp lý phức tạp.

Thêm vào đó, do độ mở của thị trường rộng nên hàng Việt cũng vấp phải sự cạnh tranh gay gắt với các quốc gia khác có lợi thế tương tự về chủng loại hàng hóa, mẫu mã, giá cả như Thái Lan, Trung Quốc... Ở khía cạnh khác, thị trường Nga cũng tiềm ẩn đầy rủi ro bởi hệ thống pháp lý chưa bảo đảm, cơ chế thanh toán khó khăn khi các đối tác Nga ít sử dụng L/C.

Theo ông Phạm Quang Niệm, các doanh nghiệp Việt Nam lưu ý khi ký hợp đồng với các đối tác Nga cần chặt chẽ, bởi đã có một số doanh nghiệp ký hợp đồng không bảo đảm quyền lợi của người bán nên đã nảy sinh tranh chấp./.

Theo Công Thương
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo