“Ngược dòng” thành công
Dù thị trường còn rất nhiều khó khăn nhưng vẫn có nhiều DN “lội ngược dòng” một cách ngoạn mục. Bí quyết không mới, quan trọng là việc quản trị dòng tiền, xây dựng chiến lược phát triển phù hợp với tình hình.
Tăng trưởng
Chia sẻ về những khó khăn gặp phải, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen cho biết, từ năm 2008, cộng đồng DN Việt đã bắt đầu phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế. Đối với Tập đoàn Hoa Sen, khi đó, cổ phiếu rớt giá “thê thảm” từ hơn 60.000 đồng/cổ phiếu giảm xuống còn khoảng 8.000 đồng/cổ phiếu vào cuối năm 2011. Ông chia sẻ: “Trong thời gian 5 năm vừa qua, những người làm lãnh đạo DN vô cùng vất vả, đau đầu vì kinh tế khủng hoảng. Đích thân tôi phải nằm vùng tại các nhà máy trong 3 năm liền, đôn đốc từng hoạt động của nhà máy, quán xuyến từng mã hàng tồn, tìm cách nâng cao chất lượng từng dòng sản phẩm cho phù hợp với thị hiếu tiêu dùng hiện thời, từ đó tình hình kinh doanh từng bước được cải thiện. Hiện cổ phiếu của chúng tôi giờ cũng tăng được gấp 4 lần, xấp xỉ 34.000 đồng/cổ phiếu”. Cũng nhờ quản trị dòng tiền tốt trong thời kỳ kinh tế khủng hoảng, cắt giảm những chi phí không cần thiết nên kết quả kinh doanh của Tập đoàn Hoa Sen đã khả quan. Ông Vũ vui mừng cho biết, doanh số của Tập đoàn Hoa Sen tăng dần theo từng năm, từ 2.000 tỷ đồng năm 2008, lên 10.000 tỷ đồng năm 2012 và phấn đấu đạt 12.000 tỷ đồng trong năm 2013.
Còn theo bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Traphaco, một trong những khó khăn lớn nhất của Traphaco trong năm 2012 là ảnh hưởng của giảm phát, khiến lưu thông hàng hóa thấp. Bên cạnh đó, DN tiếp tục phải vay với lãi suất cao tới 18-19%, thậm chí trên 20%. Nợ xấu và sản phẩm tồn kho cũng là vấn đề đáng lo ngại của nhiều DN. Tuy nhiên, năm 2012 Traphaco đã thắng lợi ở hai điểm, đó là không có nợ xấu và hàng tồn kho. Ông Kumar Narasimhan, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhà thép Tiền chế Zamil Việt Nam cũng chia sẻ, khi nền kinh tế trì trệ, suy giảm, với mức lãi suất cho vay cao chót vót, DN đã gặp khó khăn về huy động vốn và nguồn tài chính bởi vốn là vấn đề sống còn của DN, muốn phát triển phải có nguồn vốn. Nhưng ngược lại, luồng đầu tư vào Việt Nam vẫn khá nhiều nên trong khó khăn, DN vẫn nhận thấy có cơ hội. “Chúng tôi đã làm lại chiến lược của mình để phù hợp với thời điểm khó khăn của thị trường, mỗi hoàn cảnh khác nhau cần có những chiến lược khác nhau”, ông Kumar Narasimhan nói.
“Sống” nhờ uy tín
Dựa trên những kinh nghiệm thực tiễn để vượt qua khủng khoảng của DN mình, ông Vũ cho rằng, bản thân mỗi DN phải nhìn lại mình. Thời gian qua, DN cạnh tranh mang tính thời cơ nhiều hơn là cạnh tranh bền vững. Những lĩnh vực mang tính đầu cơ cao như chứng khoán, bất động sản… đã “hút” khá lớn nguồn lực quốc gia. Và thực tế đã cho thấy, cạnh tranh bằng giá, bằng cơ hội sẽ không bền vững. “Khủng hoảng kinh tế toàn cầu là có, song yếu kém nội lực cũng là nguyên nhân tạo ra khủng hoảng cho chính DN. Vì vậy, DN phải “soi” lại nội lực của mình, đừng quá chạy theo đầu cơ mà phải hành xử có trách nhiệm đối với đồng vốn của cộng đồng”, ông Vũ nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Kumar Narasimhan cho rằng, vấn đề cơ bản trong quản trị mà DN ông đã làm là giảm chi phí giá thành một cách hợp lý nhất, luôn luôn bảo đảm chất lượng sản phẩm, đồng thời để sản phẩm của mình đến tay khách hàng phù hợp nhất. Trong cạnh tranh, ở bất kỳ hoàn cảnh nào, DN cũng không nên hạ giá quá mức, mà cần cạnh tranh bằng chất lượng và dịch vụ cho khách hàng. Đặc biệt, trong việc quản trị DN, phải tạo dựng niềm tin thì mới vượt qua khủng hoảng, phải có niềm tin để hỗ trợ lẫn nhau. Ví dụ như, ngân hàng có tiền nhưng DN chưa tiếp cận được là do DN chưa tạo được niềm tin. Để lấy được niềm tin rất cần công khai, minh bạch dòng tiền phục vụ cho sản xuất, nhất là chiến lược, mục tiêu kinh doanh phải rõ ràng.
Thực tế cho thấy, dù khó khăn nhưng vẫn có nhiều DN “ngược dòng” thành công do họ biết đầu tư đúng cách, đúng thời điểm, “đánh” trúng thị trường. Cơ hội sẽ đến với những DN cạnh tranh bằng chất lượng, uy tín chứ không phải những DN làm ăn theo kiểu “ăn xổi ở thì”.
Nhật Minh
Theo HQO
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo