Doanh nghiệp - Doanh nhân

“Sẽ càng nhiều nhà đầu tư muốn mua và nắm giữ cổ phiếu Việt Nam”

“Bởi thị trường chứng khoán Việt Nam không đắt, có triển vọng tươi sáng. Vì vậy, tôi rất lạc quan để đem nhà đầu tư đến Việt Nam trong lĩnh vực chứng khoán và bất động sản”, Tiến sĩ Marc Faber, chủ tịch Quỹ đầu tư Indochina Capital và Dragon Vietnam Growth Fund chia sẻ.

Đây là những chia sẻ của Tiến sĩ Marc Faber, chủ biên của Gloom Boom Doom Report, kiêm chủ tịch Quỹ đầu tư Indochina Capital và Dragon Vietnam Growth Fund về triển vọng kinh tế năm 2016 trong cuộc trao đổi riêng với ông Vicente Nguyen, CEO CTCK HVS Vietnam. BizLIVE lược ghi cuộc trao đổi nói trên.

Tiến sĩ Marc Faber, chủ tịch Quỹ đầu tư Indochina Capital và Dragon Vietnam Growth Fund.

Việt Nam có thể được xem là thị trường hấp dẫn nhất thế giới

Thưa TS Marc Faber, FED đã chính thức nâng lãi suất lần đầu tiên trong 07 năm, và cũng như ông nhận định, nhiều khả năng kinh tế Mỹ đã bước vào suy thoái. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc thì tiếp tục suy giảm, thị trường hàng hóa lao dốc. Xem ra triển vọng kinh tế toàn cầu 2016 không mấy sáng sủa. Vậy ông có lời khuyên nào cho NĐT nên rót tiền vào đâu trong năm 2016?

Theo tôi, thị trường tài sản đã bị thổi phồng. Thị trường chứng khoán tăng mạnh trong những năm 80, và thị trường trái phiếu thì tăng chóng mặt khi yield (lợi tức) trái phiếu 10 năm giảm từ gần 16% xuống còn khoảng 2,2% hiện nay. Còn thị trường hàng hóa thì ở giai đoạn thị trường tăng mạnh (bull market) trong những năm từ 1999 đến tận tháng 07/2008, và một số thì kéo dài đến 2011. Và như bạn biết, ở Việt Nam, thị trường chứng khoán cũng tăng trưởng nóng trong giai đoạn 2006-2007 trước khi giảm mạnh.        

Nếu nhìn góc độ toàn cầu, chúng ta sẽ thấy rằng chỉ số lạm phát không tăng nhiều nhưng rõ ràng có vấn đề về sự thổi phồng các loại tài sản, ví dụ trong bất động sản. Nếu bạn so sánh giá bất động sản ở các thành phố như New York, London, Hong Kong, Singapore với cách đây 20 năm, hay giá bất động sản tại Việt Nam bây giờ so với thời kỳ 1990 bạn sẽ thấy rõ ràng, tài sản đang bị thổi phồng.
Tôi cho rằng nhà đầu tư mua và nắm giữ các loại tài sản ngày nay có ít lợi nhuận hơn trong tương lai. Điều này không có nghĩa là không tồn tại những cơ hội đầu tư, song việc mua và nắm giữ danh mục đầu tư đa dạng gồm cổ phiếu, trái phiếu, hàng hóa và bất động sản sẽ đem lại mức lợi nhuận thấp tương đối trong 05 và 10 năm tới.

Cụ thể, nhà đầu tư nên rót tiền vào đâu, theo tôi có một số tài sản bị suy giảm mạnh như thị trường Nga, Brazil vì những quốc gia này đang có những vấn đề về kinh tế, chính trị và cả một số rắc rối khác. Nếu bạn nhìn chung toàn thế giới, một thị trường được xem là hấp dẫn nhất thì có thể đó là Việt Nam.

Lạc quan về chứng khoán và bất động sản

Thực tế, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng khá tốt trong năm 2015 khi tăng trưởng GDP đạt mức 6,68%, mức cao nhất trong vòng 05 năm trở lại đây và thị trường chứng khoán Việt Nam cũng có mức tăng trưởng tốt hơn so với các nước khác trong khu vực. Ông nhìn nhận thế nào về triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2016 hay xa hơn là tầm nhìn dài hạn 5-10 năm nữa?

Việt Nam khá hấp dẫn so với các thị trường khác trên thế giới. Và việc lựa chọn các cổ phiếu trở nên khá quan trọng.

 

Tôi cho rằng sẽ ngày có càng nhiều nhà đầu tư muốn mua và nắm giữ cổ phiếu Việt Nam và trong 5-10 năm tiếp theo, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt hơn so với các thị trường khác trên thế giới mặc dù có những mâu thuẫn lớn ở khu vực Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước lân cận như Việt Nam, Indonesia, Philippine, thậm chí là Nhật Bản và Hàn Quốc.  

Tuy nhiên, nếu nhìn về dài hạn với tầm nhìn 5-10 năm tôi cho rằng Việt Nam là rất tiềm năng, triển vọng tươi sáng cho nên tôi rất lạc quan để đem nhà đầu tư đến Việt Nam đầu tư trong lĩnh vực cổ phiếu và bất động sản.

Vậy ông cho rằng những căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước lân cận trong đó có Việt Nam, có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế, nhưng Việt Nam vẫn sẽ tăng trưởng tốt trong dài hạn 5-10 năm, có đúng như vậy không, thưa ông?

Đúng! Chính xác là vậy. Khi tôi nghiên cứu và theo dõi Châu Á trong 50 năm qua, rõ ràng nền kinh tế một số nước đã tăng trưởng rất mạnh như Nhật Bản, Hong Kong, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore bất chấp những mâu thuẫn về mặt chính trị. Và kế tiếp là Trung Quốc khi quốc gia này mở cửa vào năm 1978 đã tạo ra giai đoạn tăng trưởng thần kỳ suốt hơn hai thập kỷ từ 1990-2010.

Tôi cho rằng, các thị trường sau sẽ trở nên hấp dẫn, không chỉ có Việt Nam, mà bao gồm Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar, gọi chung là khu vực Indochina. Rõ ràng, chúng ta cần phải vượt qua những mâu thuẫn để tăng trưởng.

Chúng tôi được biết ông đang đầu tư khá nhiều tại Việt Nam, không chỉ là cổ phiếu mà còn cả bất động sản, ông có thể gợi ý cho NĐT một số cổ phiếu mà ông cho rằng khá hấp dẫn ở Việt Nam không? Và ngoài cổ phiếu, ông có thấy bất kỳ cơ hội đầu tư nào khác tại Việt Nam?

Thực sự thì hiện tại tôi không còn khuyến nghị việc lựa chọn và mua cổ phiếu nữa. Nhưng hiện tại tôi nắm khá nhiều cổ phiếu Việt Nam như Vinamilk và FPT, còn Quỹ thì nắm một danh mục khá lớn.

 

Ngoài thị trường cổ phiếu, tôi cho rằng, sắp tới sẽ có một đợt nở rộ đối với thị trường bất động sản thuộc phân khúc từ Đà Nẵng đến khu vực phía Nam của Việt Nam. Tôi nghĩ rằng sẽ có sự phát triển rầm rộ đối với những dự án bất động sản nghỉ dưỡng ở khu vực này.
Chân thành cám ơn ông!         
Nên đọc

Theo Bizlive
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo