3000 công nhân Hyundai Vinashin đình công
Ngày 26-12, không chấp nhận việc công ty chỉ tăng 5% lương năm 2015, gần 3.000 công nhân Công ty TNHH Nhà máy tàu biển Hyundai Vinashin (HVS) đã đình công yêu cầu công ty phải tăng 15% lương.
Anh N. - công nhân có 15 năm làm việc ở HVS cho biết, năm 2013, Công ty gặp khó khăn do không có đơn đặt hàng, anh em công nhân thấu hiểu nên đã chia sẻ với Công ty và chấp nhận không tăng lương.
Năm 2014, tình hình sản xuất khá hơn nên Công ty đã tăng 12% lương cho công nhân.
Nhưng năm 2015, Công ty chỉ tăng 5% lương cho công nhân. “Không chấp nhận chính sách này của Công ty nên chúng tôi ngừng việc, đình công đòi quyền lợi. Biết việc đình công là trái pháp luật, nhưng không làm vậy thì chúng tôi sẽ bị thiệt thòi”, anh N. nói.
Theo phản ánh của công nhân HVS, năm nào Công ty cũng kêu làm ăn thua lỗ, nhưng công nhân làm việc không có ngày nghỉ, thậm chí còn phải làm tăng ca. Chỉ tính riêng năm 2014, Công ty đã hoàn thành đóng mới 18 tàu có trọng tải từ 50.000 tấn trở lên.
Đơn đặt hàng nhiều, công nhân làm việc rất vất vả.
Trong khi đó, lãnh đạo HVS luôn nói rằng Công ty gặp nhiều khó khăn, nên chỉ tăng 5% lương vào năm 2015, điều này công nhân không đồng tình.
Anh T. - công nhân có 9 năm làm việc tại HVS cho biết: “Hàng tháng, thu nhập của tôi không quá 4 triệu đồng. Khoản tiền này phải lo cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, tiền học tập cho con cái, nhà trọ… Bên cạnh đó, giá cả thị trường ngày một tăng cao khiến cuộc sống của chúng tôi ngày càng khó khăn. Nay Công ty tăng lương không đảm bảo thì làm sao chúng tôi có thể an tâm làm việc? Chúng tôi chỉ yêu cầu Công ty tăng 15% lương như những năm trước đây”.
Ông Hong Seong Goo - Phó Tổng Giám đốc HVS cho biết: “Trước khi có kết quả tăng 5% lương năm 2015, chúng tôi đã thảo luận với công đoàn cơ sở và đây là kết quả cuối cùng. Chúng tôi không thể điều chỉnh được mà phải chờ thảo luận với Công ty mẹ để ra quyết định cuối cùng. Chúng tôi sẽ sớm giải thích cho công nhân hiểu rõ về khó khăn của Công ty”.
Ngay sau đó, ông Hong Seong Goo đã trực tiếp trao đổi và vận động công nhân nhưng công nhân vẫn không đồng thuận mà tiếp tục đình công yêu cầu Công ty phải nâng lương cho họ. Để ổn định tình hình, lực lượng Công an tỉnh và thị xã Ninh Hòa đã túc trực bảo đảm an ninh trật tự tại Công ty, tránh các trường hợp gây rối, đập phá nhà xưởng.
Đến 17 giờ 30 công nhân đã giải tán và ra về. Tuy nhiên, theo một số công nhân kết quả vẫn chưa ngả ngũ do lãnh đạo HVS yêu cầu công nhân cử người đại diện đàm phán, nhưng phía công nhân vẫn kiên quyết giữ yêu cầu ban đầu là đề nghị Công ty phải tăng 15% lương.
Ngay khi sự việc xảy ra, ông Lê Xuân Thân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan đã trực tiếp đến tận nơi nắm tình hình và làm việc với lãnh đạo HVS. Sau khi nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân, ông Lê Xuân Thân yêu cầu công nhân nhanh chóng quay lại làm việc, ổn định tình hình sản xuất, không được đập phá máy móc, thiết bị, nhà xưởng; mọi việc sẽ có hướng giải quyết hợp tình, hợp lý.
Làm việc với lãnh đạo HVS, ông Lê Xuân Thân yêu cầu, để ổn định tình hình sản xuất, bảo đảm an ninh trật tự, lãnh đạo HVS cần lập tức thu hồi thông báo tăng 5% lương năm 2015. Đồng thời, phải giải thích rõ ràng cho công nhân hiểu vì sao tăng lương ở mức như vậy.
Chậm nhất đến ngày 1-1-2015, Công ty bàn với công đoàn, đại diện công nhân để ra thông báo chính thức cho công nhân. Bên cạnh đó, Công ty cần công khai, minh bạch chuyện làm ăn thua lỗ hay thắng lợi để công nhân biết, cùng chia sẻ, tránh tình trạng thiếu thông tin dẫn đến hiểu lầm, gây bức xúc cho người lao động.
“Chúng tôi không ép buộc Công ty phải tăng lương bao nhiêu mà tùy vào năng lực sản xuất kinh doanh của đơn vị. Chúng tôi không muốn nhà máy bị đóng cửa, công nhân đình công, gây mất trật tự an ninh. Công nhân có an tâm, gắn bó lâu dài hay không là tùy vào cách cư xử hợp tình, hợp lý của lãnh đạo Công ty”, ông Lê Xuân Thân nói.
Theo Phú Vinh/baokhanhhoa.com.vn
End of content
Không có tin nào tiếp theo