Hỗ trợ doanh nghiệp

ADB khuyến cáo trong cải cách DNNN

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2013 xuống còn 5,2% so với mức 5,7% được đưa ra 6 tháng trước và mức lạm phát trung bình năm được đưa ra là 7,5% tại thời điểm cuối năm 2013, thấp hơn khá nhiều so với dự báo trước đây.
Ông Dominic Mellor, Chuyên gia kinh tế ADB tại Việt Nam, tác giả của chương Việt Nam trong Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á 2013 vừa công bố ngày hôm qua, 9/4/2012, khi bình luận về các con số này cũng đã đi kèm khuyến cáo rằng, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam năm nay phụ thuộc vào quyết sách của Chính phủ trong giải quyết các vấn đề của kinh tế vĩ mô. Mức dự báo được đưa ra với giả định, các điều kiện thuận lợi cho sản xuất lương thực, tỷ giá tiền đồng tương đối ổn định và các chính sách kích thích nền kinh tế được kiểm soát.
 
Riêng về cơ sở của việc hạ thấp dự báo tăng trưởng của ADB đối với nền kinh tế Việt Nam, theo phân tích của ông Dominic Mellor, vẫn là những thách thức mà nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt từ năm 2012 tới nay.
 
“Các câu hỏi vẫn còn nguyên chưa có câu trả lời, đó là, các ngân hàng có đủ tiền cung cấp cho nền kinh tế hay không, khi mà tình hình tài chính, nhất là nợ xấu của các ngân hàng thương mại không rõ ràng. Trong khi đó, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Các lý do này khiến những dự báo về nợ xấu đều cho rằng, cao hơn con số chính thức được công bố”, ông Dominic Mellor nói và cho rằng, chính sự không chắc chắn trong tình hình tài chính của hệ thống ngân hàng thương mại đã khiến tác động truyền dẫn của các chính sách tiền tệ tới tăng trưởng kinh tế còn chậm, ảnh hưởng tới niềm tin kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài.
 
Đây không phải là những cảnh báo mới. Trong Diễn đàn Kinh tế mùa xuân do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức vào cuối tuần trước tại Nha Trang, các chuyên gia kinh tế của Việt Nam cũng đã lo ngại về sự trì trệ trong thực hiện các kế hoạch tái cơ cấu. Thậm chí, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng, mặc dù Chính phủ đã dành nhiều công sức để xây dựng một hệ thống văn bản, nhưng chất lượng không cao, nhiều nội dung thiếu tường minh, việc triển khai còn chậm...
 
“Quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng cũng chưa được thiết lập theo một chương trình bài bản có mục tiêu, nên kết quả là chưa rõ ràng, nhất là đối với khu vực kinh tế trong nước”, ông Tuyển nói.
 
Đây cũng là một trong những nội dung được ADB dành khá nhiều thời gian để phân tích, khi tiến trình cổ phần hoá đã chậm lại. Ngay cả mục tiêu thoái vốn đầu tư ngoài ngành trước năm 2015 của khu vực này cũng đang được ADB phân tích là “không dễ dàng” khi mà không ít doanh nghiệp đã mắc nợ nhiều khi đầu tư vào các lĩnh vực không liên quan. “Sự thiếu vắng một khuôn khổ pháp lý toàn diện cho cải cách doanh nghiệp nhà nước có thể gây rủi ro cho việc thực hiện chương trình tái cơ cấu, vốn được xây dựng theo hướng tiếp cận là giải quyết tình thế”, chương Việt Nam trong Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á 2013 viết.
 
Trả lời câu hỏi về khuyến nghị của ADB trong cải cách doanh nghiệp nhà nước vào thời điểm này, ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần có cách tiếp cận có tính chiến lược và có chọn lọc theo hướng cải cách cơ cấu. “Chính phủ không thể làm tất cả mọi việc cùng một lúc. Những thành công và tiến bộ ban đầu có thể là động lực cho việc cải cách hơn nữa”, ông Tomoyuki nhấn mạnh.
 
Cụ thể hơn, các doanh nghiệp được ưu tiên lựa chọn để tái cơ cấu là các doanh nghiệp đang có tác động tiêu cực tới ngân sách, hoạt động trong các lĩnh vực có ảnh hưởng tới khả năng cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. “Những kết quả của các kế hoạch tái cơ cấu cụ thể sẽ tạo đà cho các doanh nghiệp khác thực hiện kế hoạch của mình”, ông Dominic Mellor bổ sung.
 
“Khả năng duy trì cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trở lại 7-8% của Việt Nam, hay duy trì sự hấp dẫn là điểm đến của dòng vốn FDI sẽ phụ thuộc vào việc thực hiện thành công các cải cách cơ cấu và cải thiện môi trường kinh doanh một cách toàn diện hơn”, ông Tomoyuki, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam khuyến nghị. 
 
 
 
 
Nhật Minh
Theo Đầu tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo