Amazon đổ bộ Việt Nam: Đòn tấn công trực diện vào Alibaba
Việc hãng bán lẻ trực tuyến của Mỹ Amazon gia nhập thị trường Việt Nam là "đòn tấn công trực diện" tới hãng bán lẻ Trung Quốc Alibaba trong cuộc cạnh tranh mảng thương mại điện tử.
Sau khi tấn công thị trường Singapore vào năm ngoái, Việt Nam là đích đến tiếp theo của “ông trùm” bán lẻ Amazon tại thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á.
Hãng bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới này sẽ chính thức đặt chân vào thị trường Việt Nam trong tháng 3. Một trong những bước đi đầu tiên của doanh nghiệp này là hướng tới các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhỏ và vừa.
Ngày 14/3, tại Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam (VOBF 2018), Amazon sẽ chính thức “trình làng” bằng việc chia sẻ chiến lược cụ thể phát triển mảng bán hàng của Amazon tại Việt Nam.
Đồng thời, hãng này sẽ khởi động một chương trình hợp tác cùng Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
Thông qua chương trình này, các doanh nghiệp Việt Nam có thể nắm rõ cách thức để đưa hàng hóa của mình bán trên Amazon, xuất khẩu sang các thị trường quốc tế.
“Chiến lược của Amazon gồm có 2 bước. Bước thứ nhất, họ muốn xuất khẩu hàng hóa qua biên giới. Bước thứ hai, họ muốn nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam. Người tiêu dùng muốn mua hàng trên Amazon, trong khi Amazon cũng quan tâm chiều ngược lại. Họ muốn hỗ trợ DN nhỏ và vừa Việt Nam xuất khẩu trên Amazon”, theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch VECOM.
Ông tiết lộ VECOM đã có buổi làm việc cùng đại diện của Amazon vào năm ngoái để thảo luận về kế hoạch mở rộng thị trường của tập đoàn bán lẻ Mỹ tại Việt Nam.
Tuy nhiên, Amazon tấn công thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ vấp phải rào cản không nhỏ từ “ma cũ” Alibaba. Hãng bán lẻ này đã chính thức đổ bộ vào Việt Nam từ năm 2017, thu hút hàng chục nghìn doanh nghiệp Việt Nam là thành viên chỉ trong nửa năm, trong đó có hàng nghìn thành viên vàng.
Trong khi đó, theo khảo sát mới nhất, chỉ có khoảng 200 công ty Việt Nam đang rao bán các sản phẩm của họ trên nền tảng Amazon.
Hồi cuối tháng 6/2017, Alibaba đã tăng tỷ lệ sở hữu trong Lazada từ 51% lên 83%, nâng tổng đầu tư vào đây lên hơn 2 tỷ USD.
Lazada hiện là nhà bán lẻ thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam, kiểm soát khoảng 30% thị trường mua sắm trực tuyến. Động thái này cho phép Alibaba nhanh chóng xâm nhập vào thị trường thương mại điện tử của Việt Nam và đưa sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng địa phương theo hình thức C2C (khách hàng - khách hàng).
Được thành lập năm 2012 bởi Rocket Internet của Đức, hiện tại, Lazada là hãng thương mại điện tử lớn nhất Đông Nam Á. Họ có mặt tại 6 thị trường trọng điểm là Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia và Việt Nam.
Khoản đầu tư này cho thấy họ ngày càng tin tưởng vào thị trường thương mại điện tử đang phát triển tại Đông Nam Á - nơi hàng triệu người dùng Internet có hoạt động mua sắm qua mạng.
Thị trường thương mại điện tử của Việt Nam là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất trên toàn cầu, theo một báo cáo của Kantar Worldpanel, công ty hàng đầu thế giới về nghiên cứu thị trường.
Doanh thu thương mại điện tử của Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục tăng cao trong ba năm tới.
Năm 2016, doanh thu thương mại điện tử của Việt Nam tăng 23% lên 5 tỷ USD, chiếm 3% tổng doanh thu bán lẻ trong nước. Tốc độ tăng trưởng được ước tính là 25% so với năm 2017, và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong ba năm tới. Doanh thu hàng năm của thương mại điện tử Việt Nam dự kiến đạt 10 tỷ USD vào năm 2020, chiếm 5% tổng doanh thu bán lẻ.
Một báo cáo năm 2016 của Google và công ty đầu tư Temasek Holdings (Singapore) dự báo nền kinh tế Internet của Đông Nam Á sẽ có quy mô 200 tỷ USD năm 2025. Lực đẩy chính là thương mại điện tử.
Hơn 90% nguồn vốn đầu tư vào các trang thương mại điện tử của Việt Nam là từ nước ngoài, bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc và Thái Lan. Các tên tuổi nổi tiếng trên thị trường hiện nay bao gồm Lazada, Tiki, Vatgia, Hotdeal, Shopee, Nguyenkim, Adayroi, Thegioididong, Sendo, FPT Shop và Careerlink.
Thương mại điện tử Việt Nam giờ là sân chơi của các đại gia trong và ngoài nước. Theo mô hình C2C (khách hàng - khách hàng) hiện có Sen Đỏ, Shopee, Chợ Tốt, Én bạc, Vật Giá … Theo mô hình B2C (DN – khách hàng) hiện có Lazada, Tiki, A đây rồi, Lotte, Vuivui… Thương mại điện tử tiếp tục là cuộc chiến “đốt tiền tấn” của các đại gia, đặc biệt khi có sự tham gia của Amazon.