Hỗ trợ doanh nghiệp

Bài học xuất khẩu vào thị trường Mỹ

Ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký VASEP: “DN Việt Nam cần quan tâm là nên tìm hiểu đầy đủ hơn thông tin đối với thị trường nhập khẩu, nắm rõ hơn những quy định kinh doanh, pháp luật hiện hành của nước sở tại và điều quan trọng là nên xây dựng sức mạnh đoàn kết tập thể, thống nhất cao giữa các DN Việt Nam khi kinh doanh tại thị trường nước ngoài”.

Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Vasep.

Sau nhiều năm áp thuế chống bán phá giá lên tôm Việt Nam, lần đầu tiên Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã công nhận các doanh nghiệp xuất khẩu (DNXK) tôm của Việt Nam đã không bán phá giá. Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) về vấn đề này.

 
Thưa ông Trương Đình Hòe, DOC đã công nhận toàn bộ 33 DNXK tôm của Việt Nam không bán phá giá tôm trên trên thị trường Hoa Kỳ. Vasep đánh giá sao trước tin vui này?
 
Ông Trương Đình Hòe: Ngày 10/9/2013, DOC đã ra quyết định cuối cùng về mức thuế chống bán phá giá (CBPG) tôm nước ấm đông lạnh Việt Nam nhập khẩu vào Hoa Kỳ giai đoạn từ ngày 1/2/2011 đến 31/1/2012. Trong quyết định này, DOC đã công nhận toàn bộ 33 DNXK tôm của Việt Nam tham gia đợt xem xét hành chính lần thứ 7 này (POR7) đều không bán phá giá tôm trên trên thị trường Hoa Kỳ và đều nhận mức thuế 0%.
 
Kết quả này một lần nữa khẳng định rằng các DNXK tôm Việt Nam đang và sẽ hoạt động theo đúng quy luật của kinh tế thị trường cũng như không nhận được bất cứ sự trợ giá nào từ phía Chính phủ. Vì vậy, đương nhiên DN tôm và sản phẩm tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ phải được đối xử khách quan, công bằng, phù hợp với tinh thần thương mại tự do, bình đẳng cũng như quan hệ kinh tế, thương mại đang phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
 
Ông có đánh giá gì về những thiệt hại của DNXK tôm Việt Nam trong thời gian qua?
 
Ông Trương Đình Hòe: Từ năm 2004, tôm Việt Nam chính thức bị Hoa Kỳ áp thuế CBPG 4,57% tại đợt xem xét hành chính lần thứ 1 (16/7/2004 – 31/1/2006). Từ 2004 đến nay, các DN đều phải chuẩn bị cho các đợt xem xét hành chính hàng năm, đã gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất và kinh doanh. Ngoài nguồn nhân lực sẵn có, hàng năm các DN còn bỏ ra khoản tiền rất lớn để thuê luật sư theo đuổi vụ kiện.
 
Vậy số thuế bị áp từ gần chục năm nay tính sao, theo Luật quốc tế thì chúng ta có được bồi hoàn gì không, thưa ông?
 
Ông Trương Đình Hòe: Câu này không trả lời được vì trong luật thuế chống bán phá giá cả của Mỹ lẫn các nước khác không có chuyện này. Xem xét năm nào tính theo năm đó. Tức là kết quả = 0 năm nay là mức thuế của năm 2013 chứ không phải là không bán phá giá từ trước đến nay.
 
Dù sao đi nữa thì đây là một tin vui cho các DNXK tôm Việt Nam, giúp họ tin vào sự công bằng, khách quan của pháp luật. Các DN Việt Nam luôn mong muốn mở rộng thị trường tiêu thụ không riêng gì thị trường Mỹ, nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu, vì vậy các DN luôn chú trọng đến hình thức kinh doanh, luôn đảm bảo theo đúng quy luật kinh tế thị trường nhằm phát triển một cách bền vững tại các thị trường nước ngoài.
 
Sau sự việc này, Việt Nam nên rút kinh nghiệm gì trong làm ăn quốc tế, nhất là trong đấu tranh trên lĩnh vực luật thương mại quốc tế để bảo vệ các hàng xuất khẩu nói chung?
 
Ông Trương Đình Hòe: Từ vụ kiện này, rút ra một bài học kinh nghiệm mà các DN Việt Nam cần quan tâm là nên tìm hiểu đầy đủ hơn thông tin đối với thị trường nhập khẩu, nắm rõ hơn những quy định kinh doanh, pháp luật hiện hành của nước sở tại và điều quan trọng là nên xây dựng sức mạnh đoàn kết tập thể, thống nhất cao giữa các DN Việt Nam khi kinh doanh tại thị trường nước ngoài.
 
Trân trọng cảm ơn ông!
Đoàn Huế (Thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo