Hỗ trợ doanh nghiệp

Bàn cách chống độc quyền sân bay

Dù nhượng quyền khai thác, toàn bộ giá dịch vụ hàng không và các mặt hàng thiết yếu tại cảng hàng không vẫn thực hiện theo khung giá do Bộ GTVT quy định.

Việc nhượng quyền khai thác cảng hàng không là cần thiết nhưng làm vậy có tránh được việc chuyển từ hình thức độc quyền này sang hình thức độc quyền khác? Đó là vấn đề được nhiều đại biểu đặt ra trong hội thảo xã hội hóa hoạt động quản lý khai thác cảng hàng không ở Việt Nam do báo Lao Động và Cục Hàng không Việt Nam tổ chức ngày 8-4.

 

DN không có quyền định giá

 

Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, khẳng định: Việc nhượng quyền khai thác cảng hàng không sẽ không liên quan đến đất đai. Cụ thể, giấy đỏ được giao cho cảng vụ hàng không. Sau đó cảng vụ hàng không mới ký hợp đồng cho thuê hoặc giao đất để các doanh nghiệp (DN) khai thác.

 

Để chống đơn vị khai thác lạm dụng vị thế độc quyền, việc cấp phép bay, điều phối giờ hạ-cất cánh tại sân bay vẫn do Bộ GTVT quản lý. DN khai thác không có quyền quyết định cho ai được bay đến, bay đi hay phân biệt đối xử với các hãng hàng không... Ngoài ra, toàn bộ giá dịch vụ hàng không và các mặt hàng thiết yếu tại cảng hàng không vẫn thực hiện theo khung giá do Bộ GTVT quy định.

 

Các quầy hàng kinh doanh tại sân bay.

 

Cùng đó, Bộ GTVT cấp phép kinh doanh cho các DN cung cấp dịch vụ hàng không tại cảng hàng không và quyết định phạm vi khai thác của DN đó. Đơn vị khai thác không được quyền ngăn cản hoặc thu hẹp phạm vi cung cấp dịch vụ của các DN đã được cấp giấy phép.

 

Ông Thanh thông tin thêm, dự thảo nghị định về quản lý, khai thác cảng hàng không do Bộ GTVT đang soạn thảo đã bổ sung nhiều quy định mới. Cụ thể, việc nhượng quyền khai thác không được làm thay đổi chức năng của công trình, mục đích và kế hoạch sử dụng đất. Nhà đầu tư phải duy trì chức năng công trình và tiêu chuẩn khai thác theo quy định, thực hiện kế hoạch nâng cấp mở rộng cảng hàng không sân bay của Bộ GTVT.

 

“DN được nhượng quyền khai thác phải duy trì việc cung cấp dịch vụ hàng không cho đến khi tổ chức nhận nhượng quyền đủ năng lực và được cấp phép cung cấp dịch vụ hàng không. Nếu tổ chức nhận nhượng quyền không thực hiện các yêu cầu trên, Bộ GTVT sẽ xem xét chấm dứt hợp đồng” - ông Thanh nói.

 

Về lâu dài phải cho nước ngoài tham gia

 

Cục Hàng không Việt Nam thông tin trước mắt chỉ thí điểm chuyển nhượng quyền khai thác sân bay cho nhà đầu tư trong nước. Việc xã hội hóa phải giữ nguyên hiện trạng sử dụng chung giữa hàng không dân dụng và quân sự tại sân bay. Không được nhượng quyền khai thác công trình phục vụ cung cấp dịch vụ không lưu, tìm kiếm cứu nạn trong lĩnh vực đảm bảo hoạt động bay...

 

Ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cho biết: “Cá nhân tôi ủng hộ việc bán, nhượng quyền khai thác sân bay. Vấn đề là bán cái gì, bán như thế nào, cho ai, giá bao nhiêu… Hiện tại có chủ trương ưu tiên nhượng quyền cho DN trong nước nhưng về lâu dài có thể phải tiến tới việc cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia. Điều quan trọng là phải bàn bạc tìm ra hướng đi tối ưu nhất và đảm bảo việc bán, nhượng quyền sân bay này được thực hiện công khai, minh bạch”.

 

 Bộ Tài chính sẽ định giá

 

Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu cho biết việc định giá các hạ tầng hàng không để chuyển nhượng như nhà ga T1, sảnh E (Nội Bài) và sân bay Phú Quốc... do Bộ Tài chính chủ trì và công khai: Nếu có một nhà đầu tư thì xem xét định giá, còn nếu có trên hai nhà đầu tư thì sẽ tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật.

Theo pháp luật Tp.HCM
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo