Bà Rịa – Vũng Tàu: Vụ án hình sự tại Công ty địa ốc An Khang 8 năm chưa xử, khách hàng và doanh nghiệp gặp khó
'Ngọn hải đăng' hay khách sạn trá hình ? / Lễ hội Vía bà chúa xứ Núi Sam (TP Châu Đốc - An Giang): Dân và doanh nghiệp bị "ngược đãi", chính quyền bội thu..."chui"?
"Hỏa tốc" giao các Sở xem xét trường hợp công ty An Khang
Mới đây, ngày 13/4/2022, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Công Vinh đã ký văn bản hỏa tốc số 4240 với nội dung: UBND tỉnh nhận được Văn bản số 907-CV/BNCTU ngày 7/4/2022 của Ban Nội chính Tỉnh ủy yêu cầu giải quyết vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Vi phạm các quy định về quản lý đất đai xảy ra tại Công ty Cổ phần địa ốc An Khang và UBND thành phố Vũng Tàu.
Dự án Metropolitan bị "đứng hình" 8 năm qua do lệnh khởi tố, khiến khách hàng và doanh nghiệp thiệt hại nghiêm trọng.
“Ban Nội chính Tỉnh ủy đề nghị UBND tỉnh cho biết tại thời điểm hiện nay, đánh giá Công ty An Khang có đủ điều kiện và tỉnh có đồng ý cho Công ty An Khang tiếp tục thực hiện dự án hay không, tại sao?”, công văn của Ban Nội chính Tỉnh uỷ cho biết.
Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND thành phố Vũng Tàu và các cơ quan liên quan nghiên cứu nội dung yêu cầu nêu trên của Ban Nội chính Tỉnh ủy, tham mưu UBND tỉnh ý kiến gửi Ban Nội chính Tỉnh ủy.
Được biết, liên quan đến văn bản của Ban Nội chính Tỉnh uỷ thì trước đó Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã có văn bản đề nghị đơn vị này xin ý kiến tỉnh trong việc triển khai thực hiện dự án của Công ty Cổ phần địa ốc An Khang.
Trước đó, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã có Công văn số 6049 ngày 20/6/2018, đề nghị Toà án, Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hỗ trợ doanh nghiệp, giải toả kê biên với 43 lô đất tại Dự án Metropolitan cho doanh nghiệp tiếp tục thực hiện dự án.
Đến năm 2019, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Tịnh đã ký Văn bản 4015, giao Sở Xây dựng chủ trì, làm đầu mối, phối hợp với UBND thành phố Vũng Tàu, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các Sở, ngành liên quan rà soát lại hồ sơ pháp lý của Dự án Khu đô thị Trung tâm Vũng Tàu tại phường 11, thành phố Vũng Tàu (Dự án Metropolitan).
“Căn cứ quy định của pháp luật liên quan và nội dung Quyết định số 01/QĐ-TAT ngày 21/3/2019 của Toà án Nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nêu trên để hướng dẫn, hỗ trợ Công ty Cổ phần Địa ốc An Khang hoàn chỉnh lại thủ tục đầu tư, tiếp tục triển khai thực hiện Dự án Metropolitan theo đúng quy định của pháp luật”, văn bản 4015 ngày 2/5/2019 của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nêu rõ.
Vụ án kéo dài 8 năm
Theo hồ sơ, tháng 7/2008, Công ty cổ phần Địa ốc An Khang được TP Vũng Tàu chấp thuận địa điểm lập quy hoạch xây dựng khu trung tâm thương mại và nhà ở cao cấp tại phường 11, thành phố Vũng Tàu với quy mô 43ha, bắt đầu khởi động một dự án bất động sản tiềm năng.
Tháng 1/2011, UBND thành phố Vũng Tàu đã có quyết định phê duyệt quy hoạch 1/500 Khu trung tâm thương mại và nhà ở cao cấp tại phường 11, TP Vũng Tàu do An Khang làm chủ đầu tư. Theo đó, dự án có quy mô dân số gần 8.000 người, gồm trung tâm thương mại, nhà ở cao cấp, nhà ở xã hội và công trình công cộng được đặt tên thương mại là dự án Metropolitan.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 13,4 nghìn tỷ đồng, được thực hiện qua 3 giai đoạn. Để thực hiện, An Khang đã hoàn tất thỏa thuận với các cá nhân, tổ chức sử dụng đất trong phạm vi dự án để có mặt bằng phát triển dự án. Trong lúc đang thực hiện, Công ty cổ phần Địa ốc An Khang đã ký hợp đồng góp vốn đầu tư với các cá nhân để huy động vốn cho việc thực hiện dự án. Tổng vốn huy động thực hiện dự án của 296 người, với số tiền hơn 410 tỷ đồng, một con số không lớn so với tổng mức đầu tư dự án mà chủ đầu tư phải bỏ ra là hơn 13.000 tỷ đồng.
Thế nhưng, trong lúc An Khang đang triển khai các bước thực hiện dự án thì bất ngờ, ngày 18/2/2014, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cơ quan điều tra cho rằng, Công ty An Khang đã huy động vốn khi chưa đủ điều kiện là “lừa đảo”. Kể từ đó, mọi hoạt động của An Khang bị đình trệ, dự án bị phong tỏa bởi các lệnh kê biên của cơ quan điều tra và sau đó là tòa án, cho tới tận ngày hôm nay.
Tháng 7/2018, TAND tỉnh mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án này. Tuy nhiên, sau 3 ngày xét xử, HĐXX nhận thấy cần xác minh, bổ sung tài liệu, chứng cứ nên tuyên hoãn phiên tòa, trả hồ sơ điều tra bổ sung. Đến ngày 28/9/2018, cơ quan CSĐT Bộ Công an có Kết luận điều tra bổ sung số 115/C03-P7 (không có thêm bị can nào mới). Trong quá trình điều tra bổ sung, An Khang đã thỏa thuận với 282/296 khách hàng (bị hại) trong việc hoàn trả lại toàn bộ tiền đã thu của khách hàng.
Sau hơn 2 năm trả hồ sơ điều tra bổ sung, ngày 28/10/2020, TAND tỉnh mở phiên tòa sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Ngô Thị Minh Phượng (chủ công ty An Khang) và 8 đồng phạm khác về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”. Tuy nhiên, phiên tòa bị hoãn do 2 bị cáo vắng mặt, và cho đến thời điểm này vẫn chưa thấy xử lại.
Tính đến nay, hơn 8 năm đã trôi qua kể từ ngày khởi tố vụ án nhưng tòa vẫn chưa xử, điều này khiến dự án bị đình trệ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, doanh nghiệp.
Theo Luật sư Trần Đức Phượng – Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh – Giám đốc Công ty Luật Hợp Việt, dự án Metropolitan được Công ty Cổ phần Địa ốc An Khang thực hiện trên thực tế. Trong quá trình thực hiện dự án, doanh nghiệp có huy động vốn chưa đúng quy trình hay căn cứ mà pháp luật quy định, nhưng không có nghĩa vi phạm đó là tội phạm. Việc huy động vốn khi chưa có chấp thuận đầu tư có thể là vi phạm về trình tự, điều kiện huy động vốn nhưng không đồng nghĩa đó là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nếu không có sự can thiệp bằng một vụ án hình sự, có thể dự án đã hoàn thành theo tiến độ và không bị “đắp chiếu” như hiện nay, khiến doanh nghiệp và khách hàng đều bị thiệt hại nghiêm trọng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo