Hỗ trợ doanh nghiệp

Bán hết vốn Nhà nước tại Vinamilk, FPT, Bảo Minh...

(DNVN) - Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh ký văn bản số 1787/TTg-ĐMDN truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về việc đồng ý chủ trương thoái toàn bộ vốn nhà nước tại 10 doanh nghiệp do Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đang nắm giữ.

Quyết định trên được đưa ra sau khi Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước đã liên tiếp trình Chính phủ 3 công văn kiến nghị trong các tháng 7, 8 và 9 về nắm giữ, đầu tư dài hạn cổ phần đối với 19 doanh nghiệp tại đề án chiến lược của SCIC. Theo đó, việc nắm giữ vốn, đầu tư dài hạn đối với 19 doanh nghiệp tại đề án chiến lược của SCIC sẽ được thực hiện theo lộ trình. 

Danh sách 10 doanh nghiệp thực hiện thoái hết vốn Nhà nước (có tỷ lệ nắm giữ cụ thể của Nhà nước cho đến thời điểm hiện tại).

Cụ thể, 10 doanh nghiệp trong danh sách cần thoái hết vốn gồm: Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (tỷ lệ vốn Nhà nước đang nắm giữ là 50,7%); Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (40,4%);  Công ty cổ phần cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (46,6%); Công ty cổ phần Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong (37,1%); Công ty cổ phần Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (47,6%); Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (38,4%); Công ty cổ phần sữa Việt Nam (45,1%); Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Sa Giang (49,9%); Công ty cổ phần FPT (6,0%); Công ty cổ phần viễn thông FPT (50,2%).

Việc thoái vốn đối với các doanh nghiệp này, Thủ tướng yêu cầu SCIC chọn thời gian thích hợp, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định việc thoái hết vốn nhà nước trong các doanh nghiệp này nhằm đạt được lợi ích cao nhất.

Theo các chuyên gia, hầu hết các công ty mà SCIC phải thoái vốn đều đã niêm yết và với thị giá hiện tại, Nhà nước có thể thu về ít nhất 4 tỷ USD. Riêng phần vốn của Nhà nước ở Vinamilk - doanh nghiệp đang hoạt động rất có hiệu quả - hiện có giá thị trường khoảng 55.000 tỷ đồng, tương đương 2,46 tỷ USD.

Cũng theo quyết định này, SCIC tiếp tục nắm giữ vốn, đầu tư dài hạn đối với 9 doanh nghiệp: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đầu tư SCIC (SIC); Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác và chế biến đá An Giang; Công ty cổ phần Cảng Vũng Áng Việt Lào; Công ty cổ phần Đầu tư Bảo Việt SCIC;  Tập đoàn Bảo Việt;  Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên Đầu tư thương mại Tràng Tiền; Công ty cổ phần TRAPHACO; Công ty cổ phần Dược Hậu Giang; Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Y tế DOMESCO.

Được biết, trong 6 tháng đầu năm 2015, doanh thu của SCIC đạt 4.936 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ năm 2014 và lợi nhuận sau thuế đạt 3.585 tỷ đồng. Năm 2014, SCIC báo lãi 5.200 tỷ đồng, và tính đến cuối năm ngoái, tổng tài sản của tổng công ty này đạt khoảng 69.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt hơn 31.000 tỷ đồng. 

 

Nên đọc
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo