Băn khoăn bán hàng dưới giá vốn
Cuối năm, vốn là thời điểm các vấn đề liên quan đến tài chính diễn ra nóng bỏng nhất tại các DN.
Hầu hết các DN đều cần một lượng tiền mặt không nhỏ để trang trải chi phí cho các dịp Lễ Tết, trả nợ nần, lương thưởng cho người lao động… Với những DN đã trải qua một năm kinh doanh “mưa thuận gió hòa” có doanh thu, có lợi nhuận thì áp lực tài chính vào thời điểm này được giảm tải hơn. Nhưng ngược lại, với những DN cả một năm làm ăn khó khăn, kết quả kinh doanh sụt giảm thì đây thực sự là “cơn ác mộng” đối với họ.
Chấp nhận lỗ
Sau khi lỗ ở quý II/2014, Cty cổ phần Miền Đông tiếp tục lỗ gần 4 tỷ đồng trong quý III/2014 do kinh doanh dưới giá vốn. Cụ thể, doanh thu thuần của Cty chỉ đạt 24,7 tỷ đồng, nhưng giá vốn hàng bán lên đến 27,2 tỷ đồng, dẫn đến Cty bị lỗ gộp gần 2,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi hơn 7 tỷ đồng. Tại CTCP Thế giới số Trần Anh (TAG) cho biết, do chi phí bán hàng và quản lý tăng cao, nên quý III/2014, Cty lỗ tới 8,4 tỷ đồng, trong khi doanh thu vẫn tăng 15% so với cùng kỳ, đạt 553,4 tỷ đồng. Với những kết quả kinh doanh không mấy khả quan này, nên rất nhiều DN đã phải tìm các cách thức khác nhau để cắt lỗ.
Một số DN đã tìm cách giải phóng hàng tồn kho bằng cách bán giảm giá dưới giá vốn như Cty Thực phẩm Vĩnh Long (VLF) đã chấp nhận bán hàng dưới giá vốn khiến Cty lỗ gần 4,3 tỷ đồng. Tương tự, Cty Thủy hải sản Việt Nhật (VNH) cũng chọn phương án bán hàng dưới giá vốn để đẩy 17,4 tỷ đồng hàng tồn kho ra thị trường. Mặc dù biết rằng làm như vậy khoản lỗ 9 tháng đầu năm 2014 của DN sẽ tăng lên mức gần 40 tỷ đồng nhưng đây là cách tốt nhất để VNH thu hồi lại vốn trong thời điểm này. Thậm chí, có những DN mặc dù hàng nằm trong kho chưa phải là hàng tồn nhưng cũng đã phải tính đến phương án bán hàng giảm giá dưới giá vốn như câu chuyện của DN sản xuất linh kiện điện tử mà chương trình Chìa Khóa Thành Công – CEO chủ đề “Tài chính cuối năm – Bài toán dòng tiền” lên sóng VTV1 vào lúc 10h sáng Chủ nhật ngày 14/12/2014 đã đề cập đến.
Phương án khả thi ?
Trong chương trình, CEO và các cổ đông của DN sản xuất linh kiện điện tử đã tranh luận gay gắt về việc hai khách hàng chiến lược của DN đề nghị Cty bán hàng giảm giá dưới giá vốn cho họ từ 17 – 20%. Theo tính toán, nếu bán với mức giá đó thì DN sẽ lỗ trung bình 7% nhưng lại bán được 60% lượng hàng đang nằm trong kho. Theo CEO: “sản phẩm của Cty là hàng linh kiện điện tử, có vòng đời ngắn nên không thể để trong kho lâu. Càng bán sớm, Cty càng cắt lỗ nhanh và có được nguồn tiền mặt đủ để trả nợ ngân hàng, đối tác, duy trì hoạt động kinh doanh và tiếp tục nhập hàng mới trong hai quý tiếp theo”.
Tuy nhiên với cương vị là nhà đầu tư, hai cổ đông kịch liệt phản đối việc này bởi: “hàng của Cty vẫn bán được trên thị trường nên đối tác mới mua với số lượng lớn như vậy, do đó không cần phải bán giảm giá. Hơn nữa, nếu bán giảm giá như vậy sau này muốn tăng sẽ rất khó. Đó là chưa tính đến phương án các khách hàng khác sẽ đòi giảm giá theo”.
Cuộc tranh luận giữa CEO và các cổ đông diễn rất gay gắt, quyết liệt và thu hút được sự quan tâm của cộng đồng mạng xã hội (Facebook). Theo ý kiến của bạn Nguyễn Ngọc Toàn: “theo tôi nên giảm giá giải phóng hàng tồn kho ngay vì đặc thù đây là mặt hàng điện tử nếu không bán nhanh sẽ càng ngày càng lỗ”.
Còn bạn Hieu Nguyen: “Tôi ủng hộ CEO vì nếu không bán thì hàng tồn kho tăng lên và Cty sẽ mất đối tác làm ăn do đối thủ có thể sẽ chèo kéo và lấy mất thị phần”. Bên cạnh đó cũng có nhiều ý kiến đồng tình với cổ đông như bạn Hung Nguyen Trong: “không nên bán dưới giá vốn như vậy, khách hàng mua 60% hàng tồn kho thì liệu sau này các DN khác có mua nữa không. Tuy là nếu bán để chịu lỗ thì ko nên làm như vậy sẽ làm mất hình ảnh thương hiệu của Cty”.
Trong phần sau, chương trình sẽ mời TS Lê Thẩm Dương – Trưởng khoa QTKD, trường ĐH Ngân hàng TP HCM và ông Dương Hải – Phó giám đốc thường trực CLB Giám đốc tài chính VN tham gia tư vấn cho DN này.
Theo DDDN
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo