Bangladesh - Thị trường tiềm năng cho hàng Việt
Đoàn 20 doanh nghiệp tháp tùng Thủ tướng Sheik Hashina tới Việt Nam lần này là những doanh nghiệp hàng đầu của Bangladesh hoạt động trong các lĩnh vực: dược phẩm, dệt may, da, xây dựng, vận tải, nông nghiệp, thương mại tổng hợp… Đây cũng được đánh giá là các lĩnh vực có nhiều tiềm năng hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam.
Tương đồng trong cơ cấu hàng hóa
Bangladesh là một thị trường lớn trong khu vực Nam Á với dân số khoảng 161 triệu người, sức tiêu thụ mạnh. Mặc dù Việt Nam và Bangladesh có nhiều điểm tương đồng trong cơ cấu hàng hoá xuất khẩu, song hai bên vẫn còn nhiều lĩnh vực và ngành hàng có thể hợp tác bổ sung cho nhau.
Bangladesh đang nỗ lực khuyến khích đầu tư nước ngoài dựa trên giá nhân công rẻ, giá thuê đất thấp. |
Nhìn vào cơ cấu trao đổi hàng hóa 6 tháng đầu năm 2012 cho thấy, xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang thị trường này bao gồm: xi măng clinker đạt 97,3 triệu USD; mặt hàng xơ, sợi dệt các loại đạt 13,2 triệu USD, tăng 4,8%; sắt thép các loại đạt 6,8 triệu USD, giảm 28,4%; vải đạt 10,3 triệu USD, giảm 15%...
Về nhập khẩu, tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường Bangladesh đạt 16,8 triệu USD, giảm 27,3% so với cùng kỳ năm 2011 (trên 23 triệu USD). Các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ thị trường này bao gồm: dược phẩm đạt 4,4 triệu USD, tăng 21,8%; mặt hàng nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày đạt 4,2 triệu USD, giảm 9 %...
Qua phân tích cho thấy, tuy gặp một số trở ngại do Bangladesh không nhập khẩu gạo nhưng triển vọng xuất khẩu sang thị trường Bangladesh năm 2012 vẫn khả quan ở những mặt hàng khác.
Triển vọng xuất khẩu gạo sang thị trường Bangladesh năm 2012 vẫn khả quan
Cụ thể, Clinker được dự báo có tăng trưởng tốt khi các doanh nghiệp sản xuất xi măng của Việt Nam tiếp tục ký được các hợp đồng xuất khẩu sang thị trường này. Ngoài ra, các mặt hàng xơ, sợi, dệt may… cũng có nhiều triển vọng xuất khẩu.
Nhiều cơ hội còn bỏ ngỏ
Thông tin tham khảo: |
Mới đây tại buổi làm việc giữa Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc và ông M Anis Ud Dowla, cựu chủ tịch Phòng Thương mại Bangladesh cùng đoàn doanh nghiệp, ông M Anis Ud Dowla khẳng định các doanh nghiệp Bangladesh đều mong muốn tăng cường sự hiểu biết và hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam.
Ông đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác với các doanh nghiệp Bangladesh trong một số lĩnh vực như dệt may và đóng tàu, một trong những thế mạnh của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực dệt may, Việt Nam có thể thuê nhân công của Bangladesh.
Phân tích về cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Bangladesh, Đại sứ Bangladesh tại Việt Nam, Ngài Supradip Chakman cho rằng, Bangladesh có vị trí chiến lược đối với các nước ASEAN, có thị trường lớn, có chính sách cởi mở với các nhà đầu tư nước ngoài và đang đẩy mạnh quan hệ kinh tế với các nước Đông Á. Nhiều doanh nghiệp ASEAN đã tiếp cận thị trường Bangladesh.
“Tôi khẳng định, thị trường Bangladesh có nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực da giày, thức ăn nông nghiệp, dệt may, bột giấy, gốm sứ...” - ông Supradip Chakman nói.
Trên thực tế, Bangladesh đang nỗ lực khuyến khích đầu tư nước ngoài dựa trên giá nhân công rẻ (rẻ nhất trong khu vực), giá thuê đất thấp... Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp dệt may Việt Nam có thể xem xét các yếu tố về hạ tầng, trình độ lao động, thị trường... Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực cơ khí nông nghiệp, công nghiệp hoá nông nghiệp... cũng có thể cân nhắc đầu tư vào Bangladesh để phục vụ nhu cầu bản địa.
Đoàn Huế (Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
End of content
Không có tin nào tiếp theo