Báo Singapore “mổ xẻ” hiện tượng startup Cốc Cốc tại Việt Nam
Thời báo kinh doanh The Establishment Post, trụ sở tại Singapore ngày 6/4 vừa có bài viết về Cốc Cốc, trong đó đề cập đến những thách thức của trình duyệt này khi cạnh tranh tại Việt Nam, kinh nghiệm thu hút đầu tư dành cho startup…
Bắt đầu từ con số 0
Trong bài viết của The Establishment Post, ông Lê Văn Thanh, một trong ba nhà sáng lập của Cốc Cốc đã chia sẻ về quá trình từ những ngày đầu thành lập công ty, kinh nghiệm đi tìm kiếm nhà đầu tư cũng như những mục tiêu lâu dài Cốc Cốc hướng tới…
Theo ông Lê Văn Thanh, từ những ngày đầu nhen nhóm thành lập Cốc Cốc (từ năm 2007, do 3 lập trình viên người Việt Nam tốt nghiệp Moscow State University xây dựng), đội ngũ phát triển gặp nhiều khó khăn: không có năng lực tài chính, không nhân viên, không có thương hiệu. Tuy nhiên, tin tưởng vào sự thành công của dự án, họ đã không bỏ cuộc.
“May mắn là sau đó, các nhà đầu tư Nga đã nhìn thấy tiềm năng từ dự án của chúng tôi và đã quyết định đầu tư (dù ban đầu không lớn). Khi có kinh phí, chúng tôi đã tập trung vào việc phát triển một số tính năng cốt lõi, củng cố niềm tin của nhà đầu tư. Dần dần sau đó, chúng tôi đã nhận các khoản đầu tư lớn hơn, mời được các kỹ thuật viên có trình độ để gia nhập đội ngũ phát triển. Đến giữa năm 2013, chúng tôi đã phát triển thành công hai sản phẩm chính gồm công cụ tìm kiếm Cốc Cốc và trình duyệt Cốc Cốc”, ông Lê Văn Thanh nói.
Ông Thanh cho rằng, ngay từ những ngày đầu, đội ngũ của Cốc Cốc đã có niềm tin vào công việc mà mình đang đi và họ quyết tâm theo đuổi đến cùng.
Và chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm kể từ thời điểm chính thức đi vào hoạt động, đến nay Cốc Cốc đã có hơn 300 nhân viên và là trình duyệt web được sử dụng nhiều thứ hai tại Việt Nam (chỉ sau Google Chrome, vượt Firefox, IE…). Cốc Cốc có hơn 90.000 lượt download mỗi ngày, lượng tìm kiếm hàng ngày trung bình khoảng 4,2 triệu.
Sự phát triển nhanh chóng của Cốc Cốc và những con số khả quan về lượt tải, người dùng trung bình thậm chí đã dấy lên hàng loạt nghi ngờ, cho rằng “Cốc Cốc chém gió”. Tuy nhiên đến đầu năm 2015, việc tập đoàn truyền thông hàng đầu của Đức là Hubert Burda Media công bố quyết định đầu tư khoản tiền 14 triệu USD (tương đương khoảng 300 tỷ đồng) vào Cốc Cốc đã đập tan mọi nghi vấn xoay quanh những con số.
Đích thân ông Peter Kennedy, Chủ tịch Hubert Burda Media khu vực Châu Á đã lên tiếng đánh giá Tập đoàn này rất kinh ngạc trước tốc độ tăng trưởng của Cốc Cốc tại Việt Nam. Trước khi đầu tư, Hubert Burda Media đã cho kiểm tra các số liệu tăng trưởng, lượt tải, lượng người dùng trong suốt 8 tháng với nguồn hệ thống thống kê nội bộ của Cốc Cốc, của đối tác toàn cầu như comScore, Similar Web và cả Google.
Kết quả cho thấy, các số liệu của Cốc Cốc là chính xác, trình duyệt “Made in Viet Nam” Cốc Cốc đã có một sự tăng trưởng khả quan.
Trao đổi trên The Establishment Post, ông Thanh cho rằng những thành quả đạt được trong thời gian qua dù sao cũng chỉ phản ánh được một phần tiềm năng của Cốc Cốc. Đội ngũ phát triển trình duyệt và công cục tìm kiếm này muốn đưa Cốc Cốc trở thành công cụ tìm kiếm phổ biến nhất tại Việt Nam. Thực tế đó cũng đồng nghĩa với việc làm giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, cho thấy năng lực của ngành CNTT Việt Nam.
“Những nỗ lực của chúng tôi đã gây được sự chú ý của quốc tế tới trình độ kỹ thuật của Việt Nam. Chúng tôi chưa hoàn thành giấc mơ của mình. Chúng tôi vẫn có thể làm tốt hơn và nhiều cải tiến bổ sung đang được phát triển", ông Thanh nói.
Lời khuyên cho startup công nghệ
Cũng trong bài viết của The Establishment Post, ông Thanh đưa ra lời khuyên, chia sẻ những kinh nghiệm cho các startup trong việc thu hút vốn đầu tư, nắm bắt các nguồn tài chính.
Theo ông Lê Văn Thanh, để thu hút thành công các nhà đầu tư, họ cần phải chứng minh rằng dự án của mình có sự khác biệt đáng kể, cho các nhà đầu tư thấy được tiềm năng của các sản phẩm…
Nguồn đầu tư của Hubert Burda Media không chỉ góp phần thúc đẩy triển vọng phát triển của Cốc Cốc , mà còn nâng cao vị thế của Việt Nam và các chuyên gia CNTT Việt trên toàn cầu, cho thấy Việt Nam đang có một tương lai khả quan trong lĩnh vực khoa học máy tính.
Phân tích của tờ The Establishment Post cho thấy, Cốc Cốc đã thành công trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư mạo hiểm lớn cũng như những thành tích ấn tượng mà họ đạt được khi chiếm được một thị phần khá lớn tại một thị trường đang bị chi phối bởi các tập đoàn khổng lồ.
Điều này cũng củng cố thêm niềm tin cho các startup Việt Nam, đó là trình độ kỹ thuật của người Việt không hề thua kém các nước trên thế giới và họ hoàn toàn có khả năng làm chủ ngành công nghệ ngay trên sân nhà của mình.
Theo ICTNews
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo