Hỗ trợ doanh nghiệp

Bất thường: Doanh nghiệp bất động sản “lấn sân” sang ngành nông sản

Một số doanh nghiệp chuyên kinh doanh bất động sản bắt đầu “lấn sân” sang ngành nông sản vì nhiều địa phương "trải thảm đỏ" chào đón các doanh nghiệp đầu tư.

Xuất khẩu hàng trăm tấn mỗi tháng

 Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu rau quả tại TP.HCM đang rất phấn khởi khi thị trường thế giới đang đón nhận nông sản của Việt Nam một cách tích cực. Một số doanh nghiệp chuyên kinh doanh bất động sản cũng “lấn sân” sang ngành nông sản vì các địa phương luôn mở rộng cửa chào đón các doanh nghiệp đầu tư.

Ông Nguyễn Hoài Bảo, Phó Tổng giám đốc một doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM cho biết, đơn vị này được biết đến là đơn vị chuyên kinh doanh nhà đất, căn hộ. Tuy nhiên, trong hơn 1 năm trở lại đây thì doanh nghiệp này “lấn sân” sang mảng nông nghiệp.

Chanh dây đang được xuất khẩu đến các thị trường khó tính nhất như châu Âu.

Doanh nghiệp của ông Bảo đi đến nhiều tỉnh thành phía Nam̉ hướng dẫn người dân sản xuất nông sản sạch để xuất đi các thị trường khó tính như châu Âu và nhiều nước châu Á khác. Các sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn an toàn GlobalGap.

“Chúng tôi bao tiêu một diện tích lớn trồng bưởi Năm Roi tại Vĩnh Long để xuất khẩu đi Hà Lan, Ba Lan và Đức. Mỗi tháng, chúng tôi xuất đi khoảng 100 tấn bưởi để phục vụ thị trường này”, ông Bảo nói.

Cũng theo ông Bảo, thị trường châu Âu rất ưa chuộng bưởi Năm Roi. Còn bưởi Da xanh có giá cao gấp 2 lần so với bưởi Năm Roi thì xuất khẩu sang Trung Quốc do loại bưởi này có vỏ dày và quá ngọt nên thị trường châu Âu không chuộng.

Ngoài bưởi thì doanh nghiệp nói trên cũng xuất khẩu chanh không hạt và chanh dây trồng ở tỉnh Long An sang Đức, Hà Lan và Ba Lan. Xuất khẩu tiêu Châu Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu) sang Ấn Độ, Nepal, Pakistan, Ma Rốc và xuất khẩu ớt Đồng Tháp qua Hàn Quốc.

Lợi nhuận thu được từ việc xuất khẩu rau quả sang thị trường châu Âu và các nước châu Á của công ty ông Bảo đạt từ 1–7% doanh thu.

 

Chị Trần Hà Linh, đại diện một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu nông sản tại quận Thủ Đức chia sẻ, các loại nông sản của Việt Nam như bưởi, chanh hay dừa đang được thị trường thế giới đón nhận nồng nhiệt, đây là các loại nông sản dễ vận chuyển. Các loại trái cây khác như xoài, nhãn, thanh long, chôm chôm… thì có tỉ lệ hư hỏng cao hơn do thời gian vận chuyển kéo dài. Tuy nhiên, tất cả các loại trái cây nói trên luôn được thị trường quốc tế “săn đón”.

“Lợi nhuận của chanh hay bưởi có thể đạt từ 5–6%, trong khi đó lợi nhuận của một số loại khác chỉ đạt từ 1–2%. Tuy nhiên, nếu xuất khẩu được với số lượng lớn thì lợi nhuận 1–2% cũng rất đáng làm”, chị Linh nói.

Bưởi Việt Nam luôn là loại trái cây được nhiều thị trường trên thế giới ưa chuộng và “săn đón”.

Cũng theo chị Linh và đại diện nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM thì thị trường xuất khẩu rau quả đang có mức tăng trưởng tốt. Trong những tháng đầu năm 2018, nhiều doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng từ 10–15% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay có khá nhiều hội chợ xúc tiến thương mại và nhiều nguồn thông tin để các doanh nghiệp trong nước có thể dễ dàng tiếp cận với các đối tác tiềm năng.

Tối kỵ làm ăn kiểu “chộp giật”

 Một số chuyên gia kinh tế cũng nhận định, thị trường thế giới đang mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam nếu các doanh nghiệp đầu tư bài bản, làm ăn chuyên nghiệp và uy tín. Chất lượng sản phẩm chính là yếu tố sống còn khi “bước” vào các thị trường khó tính như Châu Âu hay Mỹ.

 

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn làm ăn theo kiểu “chộp giật”, chạy theo lợi nhuận, không tuân thủ quy định tại các nước nhập khẩu dẫn đến việc nông sản bị trả về do không đạt tiêu chuẩn. Những điều này đã gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp, thậm chí còn khiến doanh nghiệp phải phá sản.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ước tính kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng rau quả trong 4 tháng đầu năm 2018 lên tới 1,32 tỉ USD, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong tháng 4, xuất khẩu rau quả vẫn tiếp tục đạt được con số ấn tượng khi đạt kim ngạch 353,782 triệu USD, tăng 10% so với tháng 4/2017. Tính trong 4 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng 29,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thanh long là loại trái cây mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân miền Nam.

Điều “thần kỳ” đã xảy ra với ngành rau quả khi giá trị kim ngạch xuất khẩu trong tháng 3/2018 đã vượt qua cả dầu thô, đây chính là kỳ tích của ngành rau quả trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng phần nào lo ngại vì thị trường xuất khẩu của Việt Nam còn phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.

Trong 4 tháng đầu năm 2018, tỉ lệ xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc chiếm 77% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước ta. Trong khi đó, đứng thứ 2 là thị trường Mỹ chỉ đạt 2,84% thị phần và Nhật Bản đứng thứ 3 với 2,7% thị phần.

 

Theo GS.TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, Trung Quốc vẫn được xác định là thị trường xuất khẩu rau quả quan trọng của Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam cần phải đa dạng nhanh thị trường xuất khẩu để giảm thiểu rủi ro khi quá phụ thuộc vào một thị trường, gây nên tình trạng hạ giá xuống thấp và dẫn đến thiệt thòi cho người nông dân, doanh nghiệp.

Nên đọc
Theo Dân trí
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo