Bayer - 155 năm hình thành và phát triển
Ngành dược và hóa chất toàn cầu hiếm khi nổi lên một “đế chế” mạnh như Bayer – tập đoàn dược phẩm và hóa chất của Đức – nhờ thương vụ sáp nhập đình đám với tập đoàn sản xuất hạt giống biến đổi gen Monsanto của Mỹ sau khi vượt qua nhiều sóng gió tưởng chừng không thể trụ lại.
Mọi việc khởi nguồn từ một tình bạn giữa hai người đàn ông có niềm đam mê tìm hiểu thiên nhiên và một "khối gia tài" gồm hai bếp nấu kèm lò nướng.
Doanh nhân Friedrich Bayer và thợ nhuộm Johann Weskott sử dụng hai lò bếp này để thực hiện hàng loạt thí nghiệm và rồi cuối cùng đã khám phá ra phương pháp chế tạo thuốc nhuộm.
Ngày 1/8/1863, Bayer và Weskott đã thành lập công ty Friedr. Bayer et. comp. tại Wuppertal-Barmen, một khởi nghiệp nhiều tiềm năng ngay từ thế kỷ 19 và là tiền thân của Bayer có tiếng khắp thế giới ngày nay.
Doanh nhân kinh doanh thuốc nhuộm Friedrich Bayer (1825-1880) và người thợ nhuộm bậc thầy Johann Friedrich Weskott (1821-1876) lập ra Friedr. Bayer et. comp. với mục tiêu ban đầu là sản xuất và bán thuốc nhuộm tổng hợp.
Tính đến thời điểm đó, sản xuất thuốc nhuộm từ nhựa than đá chỉ mới được phát minh ra một vài năm trước, mở ra một lĩnh vực kinh doanh mới cho ngành hóa chất còn non trẻ.
Nhiều nhà máy nhuộm được thành lập vào thời điểm đó, nhưng chỉ những công ty có bước đột phá với khả năng khai thác các cơ hội trên thị trường quốc tế mới đủ khả năng xoay sở để tồn tại trong dài hạn. Friedr. Bayer et. comp. là một trong số này.
Năm 1881, công ty được chuyển đổi thành công ty cổ phần với tên gọi mới Farbenfabriken vorm. Friedr. Bayer & Co. Sức tăng trưởng ấn tượng của Friedr.
Bayer & Co được thể hiện rõ nét qua việc quy mô lực lượng lao động tăng với tốc độ không tưởng từ chỉ 3 người trong năm 1863 lên hơn 300 người vào năm 1881.
Những năm sau đó (1881-1913), Farbenfabriken vorm. Friedr. Bayer & Co. phát triển thành một công ty hóa chất có các chi nhánh hoạt động trên thị trường quốc tế.
Mặc dù thuốc nhuộm vẫn là mảng kinh doanh lớn nhất, song Farbenfabriken vorm. Friedr. Bayer & Co. còn mở rộng sang nhiều lĩnh vực kinh doanh mới.
Một dấu ấn quan trọng trong chặng đường phát triển của Farbenfabriken vorm. Friedr. Bayer & Co. phải kể đến sự thành lập phòng thí nghiệm khoa học tại Wuppertal – Elberfeld, đồng thời là trụ sở của công ty trong giai đoạn 1878-1912, đặt ra các tiêu chuẩn mới trong nghiên cứu công nghiệp.
Các nỗ lực nghiên cứu của công ty khi này đã dẫn đến sự ra đời của hàng loạt hợp chất trung gian, thuốc nhuộm và dược phẩm, bao gồm cả Aspirin - “loại thuốc của thế kỷ” – được phát triển bởi Felix Hoffmann và được đưa ra thị trường vào năm 1899.
Đến năm 1913, hơn 80% doanh thu của Bayer đến từ xuất khẩu. Bayer chỉ định đại diện kinh doanh tại Mỹ năm 1865; một vài năm sau đó, công ty mua lại cổ phần tại nhà máy nhuộm nhựa than đá tại Albany, New York.
Trong hàng chục năm tiếp theo, Bayer mở thêm các công ty con tại nước ngoài nhằm bảo vệ và mở rộng vị thể của Bayer tại các thị trường quan trọng.
Ngay trước khi nổ ra Thế Chiến I (1914-1918), Bayer duy trì chi nhánh tại Nga, Pháp, Bỉ, Anh và Mỹ. Trong số khoảng 10.000 nhân lực được Bayer tuyển dụng vào năm 1913, gần 1.000 người làm việc ngoài nước Đức.
Một bước ngoặt đến với Bayer khi Thế Chiến II (1939-1945) đi qua, Bayer mất đi tài sản tại nước ngoài, bao gồm cả các bằng phát minh có giá trị, dẫn đến việc công ty phải tái thiết lập các hoạt động kinh doanh tại nước ngoài, thâu tóm các công ty nước ngoài.
Bayer cũng mở rộng hoạt động tại Đức và châu Âu. Hoạt động nghiên cứu và phát triển, một trong những sở trường của Bayer, đóng góp không nhỏ vào sự mở rộng của công ty giai đoạn này.
Đến năm 1963 – tròn 100 năm sau ngày thành lập – Bayer một lần nữa tuyển dụng gần 80.000 nhân lực, với doanh thu đạt khoảng 4,7 tỷ mark Đức.
Những năm 1990 chứng kiến một chuyển đổi mang tính cấu trúc lớn khác của Bayer khi giống như các công ty khác, Bayer phải đối mặt với thách thức của toàn cầu hóa.
Theo sau những nỗ lực không ngừng đầu tháng này Bayer hoàn tất thương vụ sáp nhập trị giá 63 tỷ USD với Monsanto, mở đường cho việc hình thành "đế chế" về thuốc bảo vệ thực vật và hạt giống hàng đầu thế giới.
Nói về thương vụ lịch sử này, Giám đốc điều hành Bayer Werner Baumann khẳng định hãng muốn đóng góp một phần giải pháp cho vấn đề đảm bảo an ninh lương thực thế giới vốn đang đối mặt với các nguy cơ ngày một tăng.
Sau khi ký kết, thương vụ Bayer-Monsanto được dự đoán tạo ra một tập đoàn toàn cầu với 115.000 nhân viên và doanh thu hàng năm lên tới 45 tỷ euro (53 tỷ USD).
Đây là một bước ngoặt lớn đối với Bayer, theo sau hàng loạt vụ thâu tóm đình đám thành công trước đó như việc mua về Aventis CropScience (năm 2001), mảng y tế người tiêu dùng của Roche (năm 2005), công ty công nghệ sinh học Mỹ Athenix Corp. (2009).
End of content
Không có tin nào tiếp theo