Hỗ trợ doanh nghiệp

BIDV bổ sung thành viên Hội đồng quản trị, tăng vốn điều lệ lên 28%

Chiều ngày 21/4, tại Hà Nội, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên với nhiều nội dung quan trọng được thông qua.

Bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị

Hội đồng quản trị của BIDV đã thông qua việc bầu ông Phạm Quang Tùng - Phó Tổng giám đốc ngân hàng trở thành thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2017-2022 với tỷ lệ ủng hộ là 99,21%.

Đây là nội dung được nhiều cổ đông đặc biệt quan tâm vì hơn một năm nay BIDV vẫn trống ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị kể từ ngày ông Trần Bắc Hà nghỉ hưu theo chế độ. 

Ban lãnh đạo BIDV chúc mừng ông Phạm Quang Tùng (thứ 4 từ trái sang). (Nguồn: BIDV)

Ông Phạm Quang Tùng sinh năm 1971, có bằng Kỹ sư Kinh tế, Đại học Bách khoa Hà Nội và Cử nhân tại Đại học Luật Hà Nội. Ông bắt đầu công tác tại BIDV từ năm 1996 và từ năm 2006 đến 2010, giữ chức Giám đốc Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC). Từ tháng 10/2010 đến cuối tháng 5/2016, ông là Phó Tổng giám đốc BIDV kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Bảo hiểm BIC.

Từ 1/6/2016 đến ngày 3/12/2017, ông được Thủ tướng Chính phủ điều động, bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB). Từ 4/12/2017 đến nay, ông giữ chức Phó Tổng giám đốc BIDV.

Tại đại hội lần này, Hội đồng quản trị cũng trình cổ đông thông qua việc miễn nhiệm chức danh thành viên Hội đồng quản trị BIDV của ông Nguyễn Huy Tựa và bà Lê Thị Kim Khuyên nghỉ hưu theo chế độ.

Hiện nay, BIDV đang có 2 đại diện vốn nhà nước, cùng là thành viên Hội đồng quản trị bao gồm ông Phan Đức Tú và ông Bùi Quang Tiên, mỗi người đại diện 30% vốn. Còn 40% vốn nữa nhà nước chưa có đại diện. Ông Bùi Quang Tiên vừa được bầu bổ sung vào Hội đồng quản trị ngân hàng hồi tháng 4/2017, trước đó ông là Vụ trưởng Vụ Thanh toán của Ngân hàng Nhà nước.

Sau khi ông Trần Bắc Hà về hưu từ 1/9/2016, ông Trần Anh Tuấn là thành viên Hội đồng quản trị được giao nhiệm vụ điều hành hoạt động của BIDV, đồng thời ngân hàng tiếp tục cử ông Trần Anh Tuấn phụ trách điều hành Hội đồng quản trị.

 

Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc đến thời điểm này BIDV vẫn chưa tìm được "ghế Chủ tịch ngân hàng", ông Phan Đức Tú, Tổng Giám đốc ngân hàng cho biết: "Theo quy định, đại hội bầu thành viên Hội đồng quản trị, tại đại hội này đã bầu ông Phạm Quang Tùng, nâng số thành viên Hội đồng quản trị lên 9 người. Hội đồng quản trị sẽ bầu một người giữ quyền Chủ tịch, đây là việc đã được lượng trước. Đối với ông Trần Anh Tuấn, khi ông Tuấn nghỉ hưu thì sẽ có một người thay quyền thực hiện quyền của Chủ tịch BIDV, chúng tôi sẽ công bố thông tin."

Tăng vốn điều lệ lên 43.638 tỷ đồng

Cũng tại đại hội, Ban lãnh đạo BIDV trình cổ đông kế hoạch tăng vốn khá mạnh trong năm nay. Cụ thể, ngân hàng dự kiến tăng vốn từ mức 34.187 tỷ đồng lên 43.638 tỷ đồng, tương đương mức tăng 28%.

Giao dịch tại BIDV. (Nguồn: BIDV)

Ngân hàng sẽ tăng vốn qua 3 phương thức. Thứ nhất, ngân hàng sẽ chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ hơn 170,9 triệu cổ phiếu (5% vốn điều lệ) với giá không thấp hơn giá định giá của tổ chức có chức năng cung cấp dịch vụ xác định giá trị doanh nghiệp và giá thị trường trên cơ sở nguyên tắc xác định được cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2018-2019.

Thứ hai, BIDV phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài hơn 603,3 triệu cổ phiếu tương đương 15% vốn điều lệ sau khi tăng. Cuối cùng là phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động là 170,9 triệu cổ phiếu (tương đương 5% vốn điều lệ).

 

Vốn điều lệ tăng thêm dự kiến sẽ được dùng toàn bộ để bổ sung vốn kinh doanh của ngân hàng.

Ngoài ra, BIDV cũng để ngỏ phương án khác như phát hành trái phiếu chuyển đổi, phát hành cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận còn lại trong điều kiện thị trường thuận lợi

Tại Đại hội, một số cổ đông cũng quan tâm đến đối tác chiến lược vì trong báo cáo BIDV đã trình sẽ bán tới 15% vốn cổ đông nước ngoài, ông Tú chia sẻ, đây cũng là trăn trở bấy lâu của ban lãnh đạo ngân hàng.

"Năm ngoái, chúng tôi đã tiến hành một loạt thăm dò thị trường, có hơn 20 quỹ đầu tư và định chế tài chính quan tâm đến BIDV, trong đó có nhiều nhà đầu tư đặc biệt quan tâm đến việc mua cổ phần để trở thành nhà đầu tư chiến lược. Mặc dù vậy, những nỗ lực tìm nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa đạt hiệu quả," ông Tú cho biết.

Ông Tú cho biết thêm, lãnh đạo ngân hàng đã trải qua rất nhiều đàm phán, đã hoàn thiện sơ bộ thoả thuận không ràng buộc, thoả thuận hỗ trợ. BIDV đang trình Ngân hàng Nhà nước phương án tăng vốn điều lệ. Nếu cơ quan nhà nước đồng ý thì sẽ tiếp tục ngồi với nhà đầu tư xem xét mức giá và kết thúc hợp đồng. Tuy nhiên, hiện tại tên nhà đầu tư vẫn chưa được tiết lộ.

 

Ngoài ra, BIDV trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2018 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 9.300 tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ. BIDV đặt mục tiêu tín dụng tăng trưởng tối đa 17% và trong giới hạn được Ngân hàng Nhà nước giao, huy động vốn tăng trưởng 17% và phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn, tỷ lệ nợ xấu dưới 2%. Chi trả cổ tức năm 2018 dự kiến từ 5%-7%.

Nên đọc
Theo Vietnamplus
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo