Hỗ trợ doanh nghiệp

Big C Việt Nam có thể bị cưỡng chế thuế chuyển nhượng

(DNVN) - Dù thương vụ bán chuỗi hệ thống siêu thị Big C ở Việt Nam với giá đến hơn 1 tỷ USD đã hoàn tất khá lâu, nhưng cơ quan thuế vẫn chưa nhận được hồ sơ kê khai và nộp thuế chuyển nhượng vốn.

Trước đó, trong văn bản gửi Bộ Công thương, Central Group và Nguyễn Kim Group đã thông báo nhận chuyển nhượng hệ thống Big C Việt Nam từ Tập đoàn Casino vào ngày 29/4, với giá trị chuyển nhượng là 1,04 tỷ USD.

Theo quy định, thời hạn nộp hồ sơ khai thuế là ngày thứ 10 kể từ ngày các bên thỏa thuận chuyển nhượng vốn, có nghĩa đến nay Big C đã quá hạn gần 50 ngày nhưng cơ quan thuế vẫn chưa nhận được hồ sơ kê khai và nộp thuế chuyển nhượng vốn.

Trả lời báo chí, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, cơ quan này đã gửi công văn yêu cầu Big C phải sớm kê khai và nộp thuế. Trong trường hợp, doanh nghiệp này vẫn cố tình chây ì, Tổng cục Thuế sẽ kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tạm dừng việc thay đổi người đại diện pháp luật, thậm chí sẽ áp dụng những biện pháp cưỡng chế.

Big C Việt Nam có thể bị cưỡng chế thuế chuyển nhượng?

Trước đó, như đã đưa tin, cuộc mua bán hệ thống siêu thị Big C Việt Nam đã đi đến hồi kết vào cuối tháng 4 vừa qua. Theo đó, Nguyễn Kim Group và Central Group - Tập đoàn bán lẻ đến từ Thái Lan đã bỏ ra tổng cộng 920 triệu Euro, tương đương 1,04 tỷ USD, xấp xỉ khoảng 23.300 tỷ đồng để trở thành người thắng cuộc trong thương vụ này.

Được biết, Central Group cùng với Nguyễn Kim Group sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược của Big C Việt Nam, đặc biệt là liên quan đến việc tìm nguồn cung ứng hàng hóa sản xuất tại Việt Nam cho các cửa hàng Big C. Tuy nhiên chi tiết về việc tham gia của Nguyễn Kim Group cũng như tỷ lệ tham gia góp vốn vào thương vụ này chưa được hai bên công bố. 

Ngay sau khi thương vụ kết thúc, nhiều câu hỏi đặt ra là có hay không thu được thuế từ thương vụ chuyển nhượng Big C Việt Nam bởi thương vụ chuyển nhượng Big C do hai đối tác nước ngoài thực hiện và thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam khiến cơ sở pháp lý cho việc thu thuế của Việt Nam rất yếu.

Theo đó, đơn vị quản lý Big C Việt Nam được Casino Group thành lập tại Hồng Kông. Trong khi đó, đối tác chuyển nhượng Central Group nằm tại Thái Lan.

Trả lời thắc mắc này với báo giới, ông Nguyễn Đầu - Phó Chánh thanh tra Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, Big C Việt Nam được Casino Group thành lập tại Hong Kong (Trung Quốc), còn đối tác chuyển nhượng là Tập đoàn Central Group đến từ Thái Lan. Dù trụ sở chính của hai đơn vị trên đều nằm ngoài lãnh thổ của Việt Nam nhưng hệ thống Big C hiện nay có phát sinh thu nhập từ Việt Nam, do vậy phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

 

"Thương vụ này phải kê khai nộp thuế theo quy định của luật thuế thu nhập doanh nghiệp mà cụ thể là Thông tư 78 năm 2014: Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, các dự án đều phải kê khai nộp thuế với thuế suất 22%; từ ngày 1/1/2016 là 20%" ông Nguyễn Đầu cho biết.

Bên cạnh đó, một cơ sở pháp lý khác được Tổng cục Thuế đưa ra đó là Thông tư 203 của Bộ Tài chính về tránh đánh thuế 2 lần, quy định doanh nghiệp có trụ sở tại nước ngoài không phải đóng thuế hoặc thấp hơn 10% phải chịu thuế tại nơi phát sinh thu nhập. Do đó, Big C Việt Nam sẽ phải chịu thuế chuyển nhượng tại Việt Nam do Hong Kong (Trung Quốc) nơi đóng trụ sở chính - không thu thuế.

Như vậy, với giá trị chuyển nhượng lên tới 23.300 tỷ đồng của hệ thống Big C Việt Nam, số tiền thuế mà Việt Nam thu được có thể lên tới hơn 4.600 tỷ đồng.

Nên đọc
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo