Bộ Công Thương nói về mộng ôtô "Made in Việt Nam" của Vinaxuki
Những năm đầu sản xuất và có mặt trên thị trường, Vinaxuki và Trường Hải chính là những điển hình của ngành công nghiệp ôtô nội địa với sản lượng bán hàng thường xuyên đạt trên mốc 1.000 xe/tháng. Tuy nhiên, khi nền kinh tế rơi vào khó khăn, thị trường suy giảm mạnh thì với tiềm lực tài chính hạn chế, các Vinaxuki cũng theo đó chìm vào khó khăn, còn Trường Hải với hướng đầu tư khác đã tìm được lối thoát.
Từ đầu năm 2012, các ngân hàng đồng loạt cắt, không cho vay vốn lưu động. Ông chủ Vinaxuki đã phải bán cả nhà ở, vét từng đồng trả nợ lãi ngân hàng, mong được tái cơ cấu để vay vốn lưu động. Từ đó, nhà máy không còn tiền để trả lương người lao động, không còn tiền để mua nguyên liệu, các dây chuyền sản xuất dần dần ngừng hoạt động.
Vì khủng hoảng mà Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có quyết định cho các doanh nghiệp được tái cơ cấu vốn vay. Vinaxuki đã được Ngân hàng Nhà nước, Công ty VAMC, Bộ Tài chính hướng dẫn xây dựng các phương án vay vốn để sản xuất và trả nợ. Năm nào, Vinaxuki cũng xây dựng và gửi phương án đến các ngân hàng, đề nghị được tái cơ cấu lại vốn đầu tư, để kinh doanh sản xuất, xin được vay vốn lưu động và hoàn trả nợ vay.
Tuy nhiên, qua 5 năm chạy khắp các cửa mà không được vay vốn lưu động dù Vinaxuki đã có đầy đủ đất đai, nhà xưởng và các dây chuyền máy móc hiện đại, là doanh nghiệp công nghiệp ô tô duy nhất sản xuất phụ tùng cốt lõi bằng công nghệ cao, đã làm ra được các sản phẩm cơ khí trọng điểm quốc gia với công nghệ cao, làm ra các mẫu xe ưu tiên với mức nội địa hoá trên 40% vẫn còn tài sản cầm cố, dự án khả thi…Vinaxuki xin được tái cơ cấu vốn, được vay vài trăm tỷ vốn lưu động để sản xuất, để đảm bảo việc làm và đời sống công nhân kĩ sư trong lúc thị trường ô tô tăng nóng 45-56% mà không được.
Trong hoàn cảnh khó khăn, Vinaxuki đã nhiều lần cầu cứu Nhà nước được hỗ trợ và mới đây nhất, ông Bùi Ngọc Huyên - Giám đốc Công ty Cổ phần ô tô Xuân Kiên lại vừa có báo cáo gửi lên Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ ngành, tỉnh thành đề nghị Thủ tướng “giúp đỡ theo cơ chế, chính sách hiện hành” để thực hiện giấc mơ "ô tô Việt" của mình.
Theo đó, Vinaxuki tiếp tục đề xuất vay 200 tỷ đồng vốn lưu động hoặc mời ngân hàng cùng đầu tư để các nhà máy vận hành trở lại và tìm đối tác bán cổ phần, thu hồi vốn trả nợ VAMC và các ngân hàng. Công ty cũng đề nghị Thủ tướng thành lập một tổ công tác có chuyên gia nhiều lĩnh vực, nhiều ngành và ngân hàng tham gia để giúp Thủ tướng xem xét lại tất cả những công việc về công nghiệp ôtô.
Trả lời trên Zing.vn mới đây về dự án ôtô "Made in Việt Nam" của Vinaxuki, ông Phạm Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ công nghiệp nặng - Bộ Công Thương cho biết, Bộ Công Thương đã rất nhiều lần hỗ trợ doanh nghiệp. Đơn cử như các năm 2010, 2012, 2013, hay mới nhất là 2015, họ có công văn gửi Chính phủ và Bộ Công Thương, về việc tháo gỡ khó khăn.
Vấn đề lớn nhất của đơn vị này chính là tái cơ cấu nợ, tiếp tục vay vốn lưu động tại Vietcombank và xin vay 250 tỷ đồng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).
Bộ Công Thương đã có công văn 1737/BCT-CNNg gửi Văn phòng Chính phủ, đề nghị xem xét cho doanh nghiệp chuyển khoản nợ vay đầu tư cả gốc và lãi là 630 tỷ đồng từ nguồn vốn vay của Vietcombank sang vay của VDB. Tuy nhiên, theo công văn của Bộ Tài chính thì đề nghị xin chuyển vốn vay này không phù hợp về tín dụng, nên không có cơ sở pháp lý để xem xét.
Sau đó, Bộ Công Thương hỗ trợ bằng cách tham vấn tất cả các câu hỏi với Ngân hàng Phát triển và Bộ Tài chính, nhưng đều không giải quyết được.
Bộ Công Thương đã ít nhất là 5 lần xuống công ty để xem xét các dự án, đồng thời mời một số công ty khác xem xét, mua lại dự án của Vinaxuki để tạo tài chính cho họ làm ăn tiếp, nhưng không hiểu sao khách hàng không muốn mua.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương còn hỗ trợ về sản xuất như xây dựng chính sách phát triển ngành công nghiệp ôtô, chính sách lắp ráp xe tải...
Đến năm 2015, tại BIDV và Vietinbank, doanh nghiệp đã vào nợ nhóm 1; tại VIB là nợ nhóm 2. Hiện vấn đề có cho vay tiếp hay không là phụ thuộc vào các ngân hàng, Bộ Tài chính.
Đánh giá về Vinaxuki, ông Tuấn nhìn nhận, trước đây, họ lắp ráp xe tải rất tốt nhưng lại chuyển sang đầu tư lớn chế tạo khuôn mẫu để sản xuất xe con, chế tạo 4.000 tấn khuôn mẫu. Ngay sau đó, thị trường khó khăn, gặp hạn về tài chính nên dự án không khả thi, không ra được sản phẩm.
"Chúng tôi đã xuống tận nơi xem sản phẩm rồi. Khó đánh giá chất lượng, vì đánh giá phải hoàn chỉnh sản phẩm rồi qua đăng kiểm để xác nhận là có đủ tiêu chuẩn kỹ thuật không, sau đó mới đưa ra thị trường", ông Tuấn nói.
"Tuy nhiên cũng phải nói thật, ôtô con của Vinaxuki chỉ là giống ôtô thôi, không có thiết kế. Ôtô là sản phẩm cực kỳ phức tạp, đòi hỏi công nghệ cao. Ngày xưa, doanh nghiệp làm xe tải ở nhà máy tại Thanh Hoá rất tốt nhưng ông Huyên không tỉnh táo, đi theo giấc mơ ôtô Việt Nam, nếu không bây giờ đã có hàng nghìn tỷ đồng. Một người tâm huyết như thế thất bại rất là đáng buồn. Nhưng nó do thị trường, do nhiều cái bất khả kháng, cũng có thể là do doanh nghiệp không hiểu về quy trình đầu tư", vẫn lời ông Tuấn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo