Bỏ TQ, Samsung về Việt Nam do nhân công rẻ, thuế thấp?
Hãng điện tử Samsung Electronics đã xây dựng nhà máy sản xuất smartphone lớn nhất ở Trung Quốc để tận dụng nguồn lao động dồi dào và giá rẻ ở quốc gia này. Tuy nhiên, không lâu sau, Samsung đã chuyển các nhà máy của mình từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Nhân công Việt Nam rẻ bằng 1/3 Trung Quốc
Vào Trung Quốc năm 1992, Samsung hiện có 13 nhà máy sản xuất và 7 phòng nghiên cứu tại đây, theo báo cáo hồi tháng 6 của hãng. Hơn 45.000 lao động tại Trung Quốc tương đương 19% nhân viên Samsung trên toàn cầu. Đây là tỷ lệ lao động nước ngoài lớn nhất của hãng, Bloomberg cho biết.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của Trung Quốc đã khiến lương nhân công tại đây tăng đáng kể. Theo khảo sát năm 2012 của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), lương trung bình một tháng của công nhân nhà máy tại Bắc Kinh (Trung Quốc) là 466 USD, hơn gấp ba lần tại Hà Nội (145 USD).
Samsung đưa ra lý do là do chi phí lao động tại Việt Nam thấp hơn để tránh lợi nhuận bị sụt giảm do tăng trưởng doanh số smartphone cao cấp chậm lại.
Khi nhà máy trị giá 2 tỷ USD đi vào hoạt động hoàn toàn vào năm 2015, 40% lượng smartphone của Samsung sẽ được sản xuất tại Việt Nam đem lại phần lớn lợi nhuận cho công ty này. Theo một thông báo trên website, nhà máy thứ 2 của Samsung dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong tháng 2 năm sau.
Samsung đã vượt qua Apple để trở thành hãng sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới với những sản phẩm có giá từ 150 USD - 900 USD.
Do lợi nhuận từ smartphone cao cấp sụt giảm và các hãng điện thoại Trung Quốc giảm giá sản phẩm, Samsung đã cùng với Nokia Oyj và Intel Corp chuyển nhà máy sang Việt Nam, nơi có mức lương chỉ bằng 1/3 Trung Quốc.
Theo ông Lee Jung Soon, Phòng xúc tiến Thương mại Đầu tư Hàn Quốc tại TP.HCM, "Xu hướng các công ty chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ tăng lên trong 2-3 năm tới do chi phí lao động của Trung Quốc cao hơn Việt Nam. Việt Nam đang thực sự đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng ngành công nghệ".
Thuế thấp
Nhưng có lẽ, còn một nguyên nhân khác hấp dẫn sự đầu tư của Samsung vào Việt Nam còn do những ưu đãi lớn từ thuế.
Đầu tư vào Việt Nam, Samsung Electronics đã đề xuất với Chính phủ Việt Nam công nhận công ty con tại Bắc Ninh – Samsung Electronics Việt Nam là doanh nghiệp (DN) công nghệ cao.
Điều này có nghĩa Samsung muốn hưởng ưu đãi cao nhất dành cho nhà đầu tư tại Việt Nam với mức thuế thu nhập DN chỉ 10% cho suốt quá trình triển khai dự án. Cùng với đó là 4 năm đầu miễn thuế và 9 năm tiếp theo được giảm 50% số thuế thu nhập DN.
Nếu theo đúng Luật Công nghệ cao, Samsung Electronics Việt Nam, vào lúc đó chưa đủ tiêu chuẩn để được công nhận là DN công nghệ cao, vì Điều 18 của Luật quy định rõ rằng, DN chỉ được xét duyệt là DN công nghệ cao sau khi đã hoạt động ít nhất 3 năm.
Samsung Electronics Việt Nam khi đó mới chỉ hoạt động được có 1 năm. Hơn nữa, DN còn phải đáp ứng các tiêu chí về hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), như là chi phí dành cho hoạt động R&D trong 3 năm đó phải tương đương 1% doanh thu và số nhân viên làm việc liên quan đến các hoạt động R&D phải chiếm 5% tổng số lao động.
Một điều nữa cần phải nói là nếu xét về danh mục sản phẩm để được công nhận là sản phẩm công nghệ cao theo Luật Công nghệ cao thì sản phẩm điện thoại di động do Samsung sản xuất cũng không nằm trong danh mục công nghệ cao.
Mặc dù vậy, sau hai năm đàm phán với các cơ quan Chính phủ, Samsung Electronics Việt Nam đã chính thức được công nhận là DN công nghệ cao. Những ưu đãi về thuế đó sau này cũng được dành cho phần đầu tư mở rộng trị giá 830 triệu USD tại Bắc Ninh và đầu tư mới 2 tỷ USD tại Thái Nguyên của Tập đoàn Samsung.
Trường hợp của Samsung đã mở đường cho một số tập đoàn đa quốc gia khác đề xuất với Chính phủ được hưởng những ưu đãi cao nhất về thuế khi đầu tư vào Việt Nam. Tập đoàn Nokia là một trong số đó.
Năm 2011, Nokia tuyên bố đóng cửa một số nhà máy tại châu Âu và mở rộng sản xuất tại châu Á, bao gồm Việt Nam. Tuy nhiên khi vào Việt Nam, Nokia cũng yêu cầu được hưởng ưu đãi giống như Samsung. Đây được coi là điều kiện tiên quyết để công ty sản xuất điện thoại di động hàng đầu thế giới này xây dựng nhà máy sản xuất có vốn hơn 300 triệu USD tại Bắc Ninh. Và sau 1 năm đàm phán, cuối cùng Nokia cũng đã có được điều mình muốn.
Như vậy, trong khi các nhà đầu tư khác phải đóng mức thuế thu nhập DN là 25% trước đây và 20% khi Quốc hội thông qua Luật sửa đổi Luật Thuế thu nhập DN, thì các công ty điện thoại như Sam Sung, Nokia... lại được miễn thuế trong vòng 4 năm đầu và giảm 50% thuế thu nhập DN trong 9 năm tiếp theo.
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo