Hỗ trợ doanh nghiệp

Cá tra vào Mỹ bị áp thuế cao: Người dân, doanh nghiệp "ngồi trên đống lửa"

Trước việc Bộ Thương mại Mỹ áp thuế chống bán phá giá (CBPG) sản phẩm cá tra phi lê của Việt Nam vào thị trường Mỹ, người nuôi và doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu ở ĐBSCL như “ngồi trên đống lửa” vì họ đang phải đối mặt với những khó khăn mới.

Theo những người nuôi cá tra lâu năm, việc sản phẩm cá tra phi lê bị áp thuế CBPG khi vào thị trường Mỹ với mức cao như vậy là không công bằng và thiếu cơ sở thực tế, bất công đối với họ. Khó khăn đè lên họ ngày thêm chồng chất.

 
Ông Lê Chí Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang cho biết: Hiện nay giá cá tra chỉ 21.000- 23.000 đồng/kg, người nuôi đã lỗ từ 2.000- 3.000 đồng/kg. Sắp tới, giá cá có thể giảm thêm, người nuôi sẽ lỗ nặng hơn và họ không cầm cự được nữa. Người nuôi cá tra thêm khó khăn bởi họ không nhận được ưu đãi từ Nhà nước, ngân hàng và chính quyền địa phương. Vấn đề hiện nay là nhà nước phải làm sao cho người nuôi ổn định tâm lý. Đồng thời, thực hiện nhiều giải pháp để cứu người nuôi như cho vay vốn ưu đãi, tìm thị trường tiêu thụ mới…
 
Trong tổng số 17 doanh nghiệp thủy sản của nước ta chịu thuế suất CBPG rất cao từ 0,19- 3,87 USD/kg hầu hết đều đứng ngồi không yên khi thuế cá tra vào Mỹ cao ngất. Mức thuế suất với các sản phẩm của Công ty CP Vĩnh Hoàn (VHC) và Công ty CP Hùng Vương đều tăng gần gấp đôi so với kết luận của đợt rà soát lần thứ 8 (POR 8). HVG bị áp mức thuế cao nhất với 2,15 USD/kg, Vĩnh Hoàn áp mức thuế 0,42 USD/kg. Các đơn tự nguyện khác lên tới 0,99 USD/kg và các công ty còn lại là 2,11 USD/kg.
 
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, Bộ Thương mại Mỹ thay đổi việc chọn nước thứ ba là Indonesia (thay vì Bangladesh) làm cơ sở để tính thuế CBPG đối với cá tra Việt Nam đã khiến mọi việc đảo lộn. Bởi tại Indonesia sản lượng nuôi cá tra không cao, chế biến và xuất khẩu mặt hàng cá tra cũng không nhiều; vì vậy chi phí giá thành của Indonesia khá cao. Trong khi nghề nuôi cá tra ở Việt Nam phát triển rất mạnh trên nhiều mặt, người nuôi có tay nghề cao, nhà máy chế biến được đầu tư công nghệ hiện đại…
 
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep), những ngày đầu tháng 9, khách hàng hỏi mua cá số lượng gấp ba lần so với trước nhưng do doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, cộng với việc thiếu nguyên liệu nên doanh nghiệp thiếu hụt hợp đồng cá tra, không đủ cá để bán....
 
Trước tình hình đó, một số doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra tính chuyện nâng giá bán, mức tăng dự báo khoảng 30-40%, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường khác.
 
Cũng cần lưu ý, đây mới chỉ là phán quyết sơ bộ. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ có 120 ngày để xem xét khiếu kiện trước khi phán quyết cuối cùng được DOC đưa ra.
Đoàn Huế (Tổng hợp)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo