Hỗ trợ doanh nghiệp

Cải cách độc quyền Nhà nước trong các ngành công nghiệp mạng lưới

Sau nhiều năm đổi mới kinh tế và mở cửa, số lượng các ngành, lĩnh vực còn độc quyền Nhà nước đã giảm nhưng vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra.

Nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nhất là trong các ngành công nghiệp mạng lưới, ngày 6/7 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với tổ chức Aus4Reform - Chương trình hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam của Chính phủ Australia, tổ chức hội thảo khoa học "Cải cách độc quyền Nhà nước trong các ngành công nghiệp mạng lưới". 

Sự kiện thu hút đông đảo giới nghiên cứu, đại diện các ngành như điện, đường sắt, hàng không và viễn thông... các hiệp hội và doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực, tham gia thảo luận ý kiến. 

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN.

Hội thảo được tổ chức nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đạt được các mục tiêu về cải thiện môi trường kinh doanh và chuyển dịch sang một nền kinh tế thị trường hơn; mang lại sự tăng trưởng kinh tế cao hơn, toàn diện hơn và có chất lượng tốt hơn. 

Chương trình hỗ trợ này của Aus4Reform kỳ vọng sẽ giúp ích cho ít nhất 1 triệu doanh nghiệp tư nhân vào năm 2020; góp phần gia tăng tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp đạt được sự tăng trưởng trong sản xuất và tăng năng suất lao động. 

Cùng với đó, gia tăng mối quan hệ hợp tác giữa Chính phủ Australia và các tổ chức của Việt Nam; tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Australia tăng cường giao dịch hoặc đầu tư vào Việt Nam nhờ môi trường kinh doanh cạnh tranh và minh bạch hơn, với một khu vực tư nhân Việt Nam sôi động hơn. 

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện CIEM cho biết, đây cũng là cơ hội để các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý, hoạch định chính sách cùng các doanh nghiệp thảo luận, trình bày ý kiến về cải cách độc quyền Nhà nước trong các ngành công nghiệp mạng lưới; đề xuất các giải pháp tiếp tục cải cách nhằm tạo lập một môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam. 

Theo báo cáo nghiên cứu của Viện CIEM, trước đây, việc độc quyền Nhà nước diễn ra ở hầu hết các ngành công nghiệp mạng lưới. Sau nhiều năm đổi mới kinh tế và mở cửa, số lượng các ngành, lĩnh vực còn độc quyền Nhà nước đã giảm nhưng vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra. 

 

Đây chính là lý do cần tiếp tục cải cách thể chế kinh tế để hội nhập quốc tế, phù hợp với tiến trình phát triển của khoa học kỹ thuật, nhất là trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu về tái cơ cấu kinh tế nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. 

Hiện nay, độc quyền Nhà nước gắn với việc xác định vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế, nhất là trong các ngành công nghiệp mạng lưới vấn đề này được hoàn toàn trao cho doanh nghiệp Nhà nước thực hiện tất cả các khâu, công đoạn với lý do cần thiết cho việc điều tiết nền kinh tế, an ninh quốc gia và các nhiệm vụ công ích. Vì vậy, quá trình cải cách gắn với chuyển đổi nền kinh tế cũng cần phải cơ cấu lại, đẩy nhanh hơn quá trình cải cách khu vực doanh nghiệp Nhà nước hay nói cách khác là phải thu hẹp phạm vi độc quyền Nhà nước. 

Theo Tiến sĩ Trần Mai Hiến, Thành viên Hội đồng cạnh tranh quốc gia, cần sự tách bạch lĩnh vực độc quyền Nhà nước với doanh nghiệp Nhà nước độc quyền. Đã có nhiều văn bản quy định hoặc được luật hóa chỉ rõ những khái niệm này, nhưng tựu chung lại đều liên quan tới lợi ích của Nhà nước và lợi ích công cộng để đưa yêu cầu phải độc quyền Nhà nước. Tuy nhiên nếu nói rằng, đó là những lĩnh vực mà tư nhân không muốn làm và không làm được thì khiến cho các doanh nghiệp phản ứng. 

Nhiều doanh nghiệp nói rằng: "Anh biết làm sao được tôi không muốn làm và anh đã cho tôi làm đâu mà anh biết tôi không làm được?" ông Hiến phản ánh. 

Những điều này, theo ông Hiến là không đảm bảo công bằng và thiếu tính cạnh tranh. Nhất là khi, hiện nay, hầu hết các lĩnh vực dịch vụ công ích và độc quyền Nhà nước lại đang sử dụng hình thức chỉ định thầu, không đúng với các nội dung được quy định rõ trong Luật Cạnh tranh, Luật Đấu thầu... Đây có lẽ là những điều cần nghiên cứu lại và điều chỉnh hay cải cách cho phù hợp hoặc chuẩn hóa theo luật. 

 

Từ thực tế của doanh nghiệp, đại diện Phó Tổng giám đốc, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), chia sẻ hiện VNR đang quản lý toàn bộ phần hạ tầng, điều hành vận tải và tổ chức, kinh doanh vận tải. Trong 3 năm vừa qua, việc triển khai tái cơ cấu đã được thực hiện tương đối quyết liệt nhưng kết quả đạt được không như kỳ vọng. Tái cơ cấu để giảm độc quyền thì thực ra lại khiến làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh. 

Đó là thực tế và điều này đang khiến Tổng công ty Đường sắt Việt Nam rất trăn trở, cho dù, tới đây, VNR vẫn sẽ tiếp tục tái cơ cấu như kế hoạch đã đề ra. Song, mô hình nào để tái cơ cấu được thành công và đạt hiệu quả là điều mà doanh nghiệp đang mong muốn được các chuyên gia gợi mở và khuyến nghị. 

Ngành công nghiệp mạng lưới có những đặc điểm đòi hỏi phải có sự can thiệp của Nhà nước để cải cách và thu hẹp phạm vi độc quyền Nhà nước trong một số lĩnh vực như điện, hàng không, viễn thông, đường sắt.... Theo kiến nghị của các chuyên gia và của Viện CIEM, trong bối cảnh thực tiễn đặt ra cần tái cơ cấu nền kinh tế. 

Đồng thời, thúc đẩy việc cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; hội nhập quốc tế sâu rộng và thích nghi với những tác động mạnh mẽ của tiến bộ khoa học công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; Chính phủ cần tiếp tục cải cách, xác định khâu cần duy trì sở hữu Nhà nước và có cách quản lý, giám sát, tránh chuyển từ độc quyền Nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp. 

Đối với ngành điện, nên tiếp tục cải cách theo đúng lộ trình, đảm bảo thị trường điện cạnh tranh; đảm bảo sự độc lập giữa các khâu sản xuất, truyền tải, phân phối và tự do thỏa thuận giá cả với khách hàng; đảm bảo tiếp cận công bằng với hệ thống cốt lõi trong ngành điện gồm hệ thống lưới điện, các hệ thống đo đếm điện năng và hệ thống công nghệ thông tin phục vụ vận hành hệ thống điện và thị trường điện. Cùng với đó, thực hiện công khai cơ cấu giá điện và xây dựng một cơ quan giám sát độc lập cho ngành điện 

 

Với ngành đường sắt, các chuyên gia khuyến nghị cần tiếp tục thực hiện tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Theo đó, tách bạch rõ ràng, thực chất hạ tầng đường sắt và kinh doanh vận tải đường sắt; thu hút đầu tư tư nhân và kinh doanh vận tải đường sắt. Cùng đó, không trao chức năng cấp phép, phân bổ hạ tầng, điều hành chạy tàu cho đơn vị vận tải. Song song đó, thành lập cơ quan độc lập quản lý hạ tầng đường sắt; xây dựng cơ chế tiếp cận, kết nối hạ tầng mạng đường sắt công bằng đảm bảo cho các chủ tàu mới tham gia kinh doanh vận tải đường sắt cạnh tranh. 

Giải pháp cho ngành hàng không, được các chuyên gia khuyến nghị là cần đảm bảo việc tiếp cận tới hạ tầng cảng hàng không một cách công bằng, bình đẳng giữa các hãng hàng không; được tiếp cận, sử dụng kết cấu hạ tầng, đất đai cảng hàng không với chi phí hợp lý. Bên cạnh đó, thực hiện giám sát giá tiếp cận các dịch vụ cảng hàng không và ban hành cơ chế kiểm soát đơn vị quản lý các cảng hàng không, giảm vị thế độc quyền của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (ACV) tại các sân bay. 

Riêng với ngành viễn thông, theo các chuyên gia, cần tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành và quyết liệt cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam và Tổng công ty Viễn thông Mobifone. Ngoài ra, xây dựng cơ quan điều tiết ngành để thực hiện việc giám sát, ngăn chặn tình trạng liên kết độc quyền, thống lĩnh thị trường có thể xảy ra.

Nên đọc
Theo BNEWS/TTXVN
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo