Hỗ trợ doanh nghiệp

Cần khuyến khích các DN Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

DNVN - Theo ông Nobufumi Miura - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), để tăng cường thu hút các cơ sở sản xuất ở nước ngoài và tạo nên những bước phát triển bền vững trong lĩnh vực sản xuất, cần khuyến khích và thúc đẩy sự phát triển các doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

AmCham mong được hợp tác với Việt Nam về kỹ thuật số / 12 giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên với chủ đề "Vai trò và đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp FDI trong phát triển nhanh và bền vững" diễn ra mới đây, Chủ tịch JCCI cho biết, một trong 5 nhân tố tác động lớn đến môi trường đầu tư ở Việt Nam là xây dựng chuỗi giá trị toàn cầu.
Với sự phát triển kinh tế và mở rộng nhu cầu trong nước ở Việt Nam, Việt Nam đang được chú ý đến với vai trò cơ sở sản xuất toàn cầu. Một xu hướng đang nổi lên trong giai đoạn hiện nay là việc thành lập các nhà máy sản xuất và thay đổi địa điểm đặt nhà máy của các doanh nghiệp nước ngoài, bao gồm cả các công ty của Nhật Bản, từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Chủ tịch JCCI cho rằng, đối với các công ty nước ngoài có cơ sở sản xuất tại Việt Nam, bao gồm cả các công ty của Nhật Bản, việc thúc đẩy các công ty Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu dự kiến sẽ giúp giảm bớt chi phí sản xuất, trong đó chủ yếu là chi phí mua sắm cấu kiện.

Ảnh minh họa.
Trong Nghị quyết 50-NQ/TW (2019), Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu nâng tỷ lệ mua sắm trong nước (tỷ lệ nội địa hóa) từ 20-25% lên 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030 và, thúc đẩy phát triển công nghiệp.
Để đạt được mục tiêu này, JCCI đã đưa 2 đề xuất: Thứ nhất, sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam hiện nay cần tập trung vào các công ty Việt Nam cung cấp cấu kiện và sản phẩm cho các công ty nước ngoài thay vì tập trung vào các công ty nước ngoài có cơ sở sản xuất ở Việt Nam.
"Vì vậy, chúng tôi kính đề nghị Chính phủ Việt Nam xem xét các biện pháp ví dụ như áp dụng các biện pháp khuyến khích cho các công ty nước ngoài khi họ đạt được tỷ lệ mua sắm trong nước cao. Điều này có nhiều khả năng có thể khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam thường xuyên hơn", đại diện JCCI nói.
Thứ hai, quy trình đăng ký áp dụng hệ thống trợ cấp của chính phủ hiện nay khá phức tạp và mất thời gian. Do đó, cần áp dụng quy trình đơn giản hóa để thực hiện các biện pháp hỗ trợ cho các công ty Việt Nam từ chính quyền trung ương và chính quyền địa phương.
"Chúng tôi mong rằng Chính Phủ Việt Nam có thể giải quyết vấn đề này trong thời gian sớm nhất", Chủ tịch JCCI cho biết.
Ông Nobufumi Miura nêu một số ví dụ có liên quan đến các chương trình trợ cấp. Đó là các khoản trợ cấp để phát triển nguồn nhân lực ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ được quy định trong Nghị định số 39/2018/ND-CP, miễn lệ phí xin giấy phép hoạt động, và cung cấp sự hỗ trợ cho Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Công nghiệp dựa vào việc xác địn các biện pháp hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ tính đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (15/2017/QD-UBND).
"Chúng tôi tin rằng sự tham gia của các công ty Việt Nam vào Chuỗi Giá trị toàn cầu không chỉ thu hút thêm nhiều cơ sở sản xuất tại Việt Nam, mà còn phát triển được các doanh nghiệp cốt lõi có sức cạnh tranh quốc tế. Nhằm tiếp tục phát triển hơn nữa ngành công nghiệp sản xuất ở Việt Nam, chúng tôi mong muốn Chính phủ Việt Nam có thể hỗ trợ tích cực về vấn đề này. Điều này sẽ giúp tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa các công ty Việt Nam và các công ty nước ngoài, bao gồm cả các công ty của Nhật Bản", ông... nhấn mạnh.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm