Hỗ trợ doanh nghiệp

Cần nâng cao vai trò các Hiệp hội DNNVV trong Dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV

(DNNV) - Tại Hội thảo tham vấn lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp về dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhiều ý kiến đóng góp rất thiết thực nhằm hoàn thiện dự thảo Luật đã được đại nhiều nhiều doanh nghiệp, chuyên gia đưa ra.

Ngày 29/10, nhằm góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) đã phối hợp với Ngân hàng phát triển Châu Á (Ngân hàng ADB) tổ chức “Hội thảo tham vấn cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa góp ý xây dựng Luật Hỗ trợ doanh doanh nghiệp nhỏ và vừa”.

Tham dự Hội nghị có Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hộ; ông Lê Hoài Nam, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội và đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện Bộ Công Thương, Luật sư Trương Thanh Đức... cùng đông đảo cộng đồng các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân cho biết, thực tế cho thấy các chính sách hỗ trợ và thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân sẽ phát huy hiệu quả tối đa và đóng góp tích cực cho tăng trưởng bền vững và toàn diện nếu được xây dựng thông qua đối thoại và tham vấn giữa Chính phủ và doanh nghiệp.

Chủ tịch Hiệp Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Nguyễn Văn Thân phát biểu tại Hội thảo.

"Vì vậy, với mong muốn Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khi được thông qua được đảm bảo tính khả thi, tương thích với các luật khác và không vi phạm với các cam kết quốc tế mà Việt nam đã tham gia ký kết, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam phát triển bền vững, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chủ trì tổ chức hội thảo với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các Bộ ngành có liên quan và cộng đồng doanh nghiệp", ông Thân nói.

Ông Thân cũng cho biết, các ý kiến tham vấn tại Hội thảo sẽ được Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổng hợp và chuyển tới các đại biểu Quốc hội, góp phần làm cơ sở để các đại biểu có đủ thông tin khi thảo luận về dự án Luật này trong phiên thảo luận tại nghị trường kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra. Chính vì thế, ông Thân cũng đã hoan nghênh cộng đồng doanh nghiệp thẳng thắn đóng góp ý kiến của mình để dự thảo Luật được hoàn thiện hơn.

Tại Hội thảo, Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Công ty Luật Basico đã có những ý kiến đóng góp về hỗ trợ tài chính, tiếp cận tín dụng, hỗ trợ tiếp cận tín dụng từ các Quỹ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

Cụ thể,  vấn đề chung về hỗ trợ tín dụng ngân hàng, Luật sư Trương Thanh Đức cho biết, sau một thời gian dài, các ngân hàng tập trung nhiều vào doanh nghiệp lớn và siêu lớn, ít quan tâm đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thì nay đã thay đổi quan điểm, hầu hết ngân hàng đều coi doanh nghiệp nhỏ và vừa là lực lượng khách hàng quan trọng.

Tuy nhiên, trên thực tế, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường khó tiếp cận vốn vay từ ngân hàng vì năng lực quản trị hạn chế; phương án, dự án kinh doanh, vay vốn xây dựng không bài bản; hệ thống sổ sách tài chính kế toán thiếu minh bạch; tiềm lực tài chính yếu; tài sản bảo đảm ít; dễ bị rủi ro, tổn thương;... Và cũng do đó, nếu doanh nghiệp nhỏ và vừa được vay vốn thì cũng thường phải chịu lãi suất cao và các điều kiện khác một cách khó khăn, chặt chẽ.

 

Nhiều doanh nghiệp phải vay vốn ngân hàng với lãi suất cao hoặc không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng thì phải vay vốn của các cá nhân, tổ chức khác thì lại bị luật cản trở. Chẳng hạn Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành không cho phép doanh nghiệp hạch toán phần lãi vay thực tế vượt quá 13,5%/năm.

Ông Đức cũng chỉ rõ, về quy định tiếp nhận tín dụng từ các ngân hàng, doanh nghiệp nhỏ và vừa không chỉ tiếp cận tín dụng từ các ngân hàng, mà còn từ các tổ chức tín dụng khác. Vì vậy, quy định của Điều luật chỉ “tiếp cận tín dụng từ các ngân hàng” của Dự thảo Luật là không đầy đủ, thiếu đi các công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính và các tổ chức tín dung phi ngân hàng khác theo quy định tại Điều 4 về “Giải thích từ ngữ”, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010.

Trong khi đó, về Khoản 1, Điều 9 của Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, theo Luật sư Trương Thanh Đức, quy định về việc các ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn thông qua việc cung cấp thể loại, số lượng và lãi suất tín dụng phù hợp nhu cầu, đặc điểm và khả năng trả nợ của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều này không sai, nhưng là việc hiển nhiên các ngân hàng đã, đang và sẽ làm để thu hút và phục vụ khách hàng một cách tốt nhất, chứ không phải chờ Luật quy định. Ngược lại, nếu ngân hàng chỉ đặt ra quy định để đối phó thì cũng không thể bắt bẻ, xử lý được.

"Đặc biệt, việc các tổ chức tín dụng cho vay hay không cho vay và cho vay với điều kiện, thế nào là hoàn toàn do sự xem xét quyết định của họ. Vì các tổ chức tín dụng cũng là các doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường, nên hoàn toàn có quyền từ chối cho vay “nếu thấy không đủ điều kiện, không có hiệu quả” theo quy định sau đây của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010", ông Đức cho hay.

Riêng về lãi suất cho vay, nhiều năm qua đã có quy định ưu đãi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Quy định hiện hành là Thông tư số 08/2014/TT-NHNN ngày 17-05-2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam “Quy định lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế”, trong đó quy định, các tổ chức tín dụng cho vay với mức lãi suất ưu đãi thấp hơn đối với một trong 5 đối tượng là “Phục vụ sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa”. Tuy nhiên, điều kiện đối với khách hàng vay vốn, ngoài việc có đủ điều kiện vay vốn theo quy định, còn phải được tổ chức tín dụng đánh giá là “có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh.” Mà đã có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh, thì doanh nghiệp nào cũng sẽ được hưởng mức lãi suất thấp, lãi suất ưu đãi, chứ không riêng gì đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

 

Về Khoản 2, Điều 9 của Dự thảo Luật, theo ông Đức, quy định về việc Ngân sách cấp bù lãi suất và các hình thức khác để hỗ trợ các ngân hàng cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa và tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng cân đối ngân sách, nên cần cân nhắc ý kiến hợp lý của Bộ Tài chính. Vì vậy, cần xem xét theo hướng không nên hoặc rất hạn chế quy định hỗ trợ thông qua việc giảm hay cấp bù ngân sách, vì làm méo mó thị trường tín dụng và gây ra nhiều hệ quả tiêu cực khác.

Khoản 4, Điều 9 của Dự thảo Luật, quy định về việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn tín dụng chính sách và chương trình tài chính vi mô. Đương nhiên, tổ chức tài chính vi mô là để phục vụ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Tổ chức tài chính vi mô đã được quy định trong Luật Các tổ chức tín dụng và Nghị định số 28/2005/NĐ-CP ngày 09-3-2005 của Chính phủ về “Tổ chức và hoạt động của tổ chức tài chính quy mô nhỏ tại Việt Nam”, đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 165/2007/NĐ-CP ngày 15-11-2007. Vì vậy, quy định về “chương trình tài chính vi mô cho doanh nghiệp siêu nhỏ” chỉ là sự nhắc lại quy định đã có của Luật Các tổ chức tín dụng.

Quang cảnh Hội thảo.

Đưa ra ý kiến tại Hội thảo, ông Lê Xuân Hiền - Trưởng phòng ĐKKD (Sở KHĐT Hải Dương) cho rằng Dự thảo Luật cần tăng cường công tác quản lý nhà nước trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo ông Hiền, Luật cần quy định các địa phương thành lập Hội đồng khuyến khích phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Phải làm sao để các cấp, các ngành coi việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài thực sự là một nhiệm vụ quan trọng chứ không phải là chuyện hô hào, nói cho có hoặc thậm chí tận thu là chủ yếu chứ không phải là hỗ trợ.

Cũng theo ông này, các cơ quan đơn vị làm công tác hỗ trợ phải công khai các nguồn lực hỗ trợ và công khai các chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp căn cứ vào đó đăng ký để được hỗ trợ, hoàn toàn không phải xin cho. Mặt khác, cần đẩy mạnh các công tác tuyên truyền để xây dựng văn hóa doanh nhân doanh nghiệp làm sao chỉ nhận hỗ trợ khi đúng đối tượng và doanh nghiệp có điều kiện phát triển sẵn sàng nhường hỗ trợ cho đàn em còn nhỏ bé, từ đó còn đóng góp trở lại để hỗ trợ tiếp các đối tượng khác.

 

Ông Hiền cũng cho rằng, vai trò của các Hội, Hiệp hội đối với việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là cực kỳ quan trọng và cần thiết, nếu không muốn nói là góp phần chủ chốt trong việc triển khai Luật trong thực tế. Bởi các Hội, Hiệp hội sẽ vừa giúp cơ quan Nhà nước lựa chọn đối tượng hỗ trợ cho trúng và đúng, vừa làm nhiệm vụ hỗ trợ, giám sát triển khai thực hiện, vừa là một trong những nguồn lực hỗ trợ lâu dài. Vì vậy, ông Hiền đề nghị quan tâm hơn tới các Hội, Hiệp hội doanh nghiệp.

Cũng cho ý kiến, ông Lương Văn Thắng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Khóa Việt - Tiệp cho rằng, Dự thảo Luật cần có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ. Theo ông, với xu thế thương mại hóa toàn cầu ngày càng phát triển thì sự phân công trong chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị gia tăng trên toàn cầu ngày càng đi vào xác định và được quyết định bởi các doanh nghiệp lớn các Tập đoàn.

Chính vì vậy, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tạo cơ chế cho các tập đoàn, các doanh nghiệp lớn nhất là các doanh nghiệp tầm cỡ quốc gia thường xuyên sử dụng mạng lưới xí nghiệp vệ tinh, mạng lưới các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước sẵn sàng cung cấp các sản phẩm hỗ trợ.

Cũng theo ông Thắng, Nhà nước cần có chính sách ổn định để khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ yên tâm, mạnh dạn đầu tư thay đổi công nghệ, mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm, phát động tinh thần sáng tạo khơi dậy trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải luôn duy trì một sự cơ động, mềm dẻo cao trong việc quản lý dây chuyền cung cấp các sản phẩm hỗ trợ để tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Bên lề Hội thảo, đưa ra ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng Luật cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của các Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa.

 

Theo ông Nam, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ra đời sẽ tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, quy định rõ chức năng, vị trí của các cơ quan, bộ, ngành trong việc xây dựng và thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Về vị trí, vai trò, trách nhiệm của tổ chức đại diện doanh nghiệp nhỏ và vừa trong dự án Luật này.

Ông Nam cho biết thêm, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nên dành một số điều trong Luật quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn của các tổ chức đại diện doanh nghiệp nhỏ và vừa trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích để các hiệp hội doanh nghiệp thành lập các đơn vị chuyên biệt như trung tâm trong tài, hòa giải thương mại, hỗ trợ đào tạo, thành lập quỹ tương hỗ, quỹ khởi nghiệp... giúp thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tốt hơn và khi thực hiện các nhiệm vụ này, các hiệp hội doanh nghiệp được miễn các khoản thuế phí.

Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng kiến nghị, trong Luật cần quy định vị trí, vai trò của tổ chức hiệp hội chuyên biệt đại diện cho tất cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa (như Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa các tỉnh).

"Đây sẽ là một trong những kênh kết nối quan trọng trong việc góp ý và truyền tải các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nói chung, đồng thời thực hiện một số hoạt động xã hội hóa trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa như tổ chức tuần lễ quốc gia về doanh nghiệp nhỏ và vừa để tôn vinh các doanh nghiệp, góp ý phản biện xây dựng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa", ông Nam nói.

"Hướng tới trao đổi trong quá trình xây dựng chính sách pháp luật, chúng tôi xin đưa ra một vài ý kiến góp ý mong muốn phát huy được vai trò, trách nhiệm của các tổ chức hội, Hiệp hội đại diện cho doanh nghiệp nói chung, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo được đột phát về cơ chế chính sách phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, coi việc phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa không chỉ là việc của Nhà nước", Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa bày tỏ.

 

Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo