Hỗ trợ doanh nghiệp

Cần “tiếp oxy” để doanh nghiệp vượt qua đại dịch

DNVN - Chưa kịp phục hồi sau 3 đợt dịch Covid-19 liên tiếp thì đợt dịch thứ 4 lại ập đến, khiến nhiều DN bị thiệt hại nặng nề. Đứng bên bờ vực phá sản, các DN đang cố gắng cầm cự bằng cách tiếp tục cắt giảm nhân công, tìm cách bán bớt máy móc, thu hẹp hoạt động. Để sớm vượt qua khó khăn, các DN đang cần sự hỗ trợ từ phía Chính phủ, địa phương.

Samsung và Toyota tham gia đóng góp cho Quỹ vaccine của Việt Nam. / Chủ tịch Viettravel: Các gói hỗ trợ doanh nghiệp rất khó tiếp cận, chỉ tiếp cận được trên tivi

Báo cáo “Đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam” do VCCI và Ngân hàng Thế giới phát hành vừa qua, cho thấy đại dịch Covid-19 diễn ra từ đầu năm 2020 đến nay đã tác động nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và đẩy nền kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng.

Cũng như các địa phương khác, TP.HCM bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch toàn cầu này. Trong 5 tháng đầu năm 2021, tại TP.HCM có hơn 9.800 doanh nghiệp ngưng hoạt động, tăng gần 24%; hơn 2.400 doanh nghiệp đăng ký giải thể, tăng 5% so với cùng ký năm trước.

Có thể thấy, tác động sâu rộng của dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là nguồn vốn duy trì hoạt động. Trước bối cảnh đó, với sự hỗ nhanh chóng của Chính phủ cũng như của TP.HCM đã giúp doanh nghiệp bớt khó khăn về thanh khoản, dòng tiền.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cho rằng, hiện nay việc hỗ trợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh tại TP.HCM vẫn chưa rõ nét, mức độ hấp thụ của doanh nghiệp còn thấp.

tác động sâu rộng của dịch Covid-19 đang khiến doanh nghiệp đang rất khó khăn, đặc biệt là nguồn vốn duy trì hoạt động.

Nhiều doanh nghiệp đang rất khó khăn, đặc biệt là nguồn vốn duy trì hoạt động.

Ông Nguyễn Trọng Hoàng - Phó giám đốc Công ty TNHH Bao bì Phúc Thịnh (huyện Nhà Bè, TP.HCM) cho biết, công ty mất 50% doanh số do nhà hàng, quán ăn, hệ thống quán cà phê, trà sữa... đóng cửa sau hơn một tuần thành phố thực hiện giãn cách xã hội. Khoảng một nửa sản phẩm của công ty là ly nhựa, hộp giấy bán vào phân khúc này, trong khi nguyên liệu đã nhập về, hàng bán cho đối tác cũng bị nợ nên chúng tôi đang thực sự gặp khó khăn.

Năm 2020, Phúc Thịnh đã được khảo sát tình hình hoạt động để được hưởng các gói hỗ trợ, nhưng đến nay doanh nghiệp này vẫn chưa nhận được bất kỳ khoản nào. Theo đại diện công ty Phúc Thịnh, hiện doanh thu giảm, nhưng mỗi tháng của đơn vị vẫn phải chi ra hơn 700 triệu đồng, gồm tiền lương, bảo hiểm xã hội, điện nước, lãi vay... trong đó khoản chi nặng nhất là thuê mặt bằng (hơn 140 triệu đồng).

Khó tiếp cận gói hỗ trợ

Phó giám đốc Công ty Phúc Thịnh cho biết thêm, công ty đang vay của một số ngân hàng và cũng không ngân hàng nào có chính sách hỗ trợ như các gói của Chính phủ lẫn TP.HCM.

Chẳng hạn, Vietcombank đang áp dụng cho vay vốn lưu động ngắn hạn 6 tháng đáo hạn, lãi 4,5%/năm chỉ để mua nguyên liệu sản xuất và Ngân hàng ACB lãi 7,5%/năm cho rút tiền mặt. Do doanh số giảm suốt nên doanh nghiệp chỉ có thể cầm cự được vài tháng nữa và mong được vay lãi 0% để trả lương công nhân. “Kinh khủng! không biết còn trụ được tới bao giờ, chỉ biết cố được tới đâu hay tới đó”, ông Hoàng cho hay.

Tương tự, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Viettravel cho hay, do ảnh hưởng của dịch Covid đã khiến ngành lữ hành đã ngưng hoạt động, đây là điều chưa từng có trong lịch sử. Trong quá trình dừng, phải giữ người lao động, người lao động. Doanh nghiệp không có nguồn thu, không có tiền trả lương phải đẩy lao động ra ngoài, không phải hàng ngàn, phải hàng chục ngàn người...

"Để xây dựng được chất xám trong ngành du lịch cần nhiều thời gian nên doanh nghiệp cần được hỗ trợ để giữ người lao động. Các gói hỗ trợ doanh nghiệp rất khó tiếp cận, chỉ được tiếp cận trên tivi. Ngân hàng cần có tài sản thế chấp, doanh nghiệp không có tài sản thế chấp, ngân hàng không thể giải quyết. Viettravel chỉ còn 50 người/750 người", ông Kỳ nói.

Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM cho biết, thực tế, các gói hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động lần thứ nhất trên địa bàn TP.HCM tuy kịp thời nhưng được đánh giá là chưa có tác động rõ nét đến doanh nghiệp, mức độ hấp thụ của doanh nghiệp còn rất thấp.

Các doanh nghiệp đề xuất ngân hàng tiếp tục xem xét nới lỏng thêm các điều kiện khoanh nợ, giãn nợ, điều chỉnh giảm lãi suất nợ cũ và xem xét cho vay mới theo lãi suất ưu đãi đối với một số ngành khó khăn do dịch bệnh.

Nhiều doanh nghiệp đề xuất ngân hàng tiếp tục xem xét nới lỏng thêm các điều kiện khoanh nợ, giãn nợ...

Trải qua nhiều đợt dịch kéo dài từ đầu năm 2020 đến nay, nhưng ông Nguyễn Đặng Hiến - Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico) lại cho rằng, số lượng các doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm được thụ hưởng các gói hỗ trợ từ Chính phủ, nhất là gói hỗ trợ miễn, giảm lãi vay, cho vay mới chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Theo ông Hiến, dưới ảnh hưởng của đại dịch Covid 19, từ đầu năm đến nay giá nguyên liệu đầu vào của ngành chế biến thực phẩm từ nội địa đến nhập khẩu đều tăng mạnh khiến doanh nghiệp trong ngành đã khó vì Covid 19 nay càng khó hơn.

Ngoài ra, giá xăng nhập khẩu lại tiếp tục tăng, đang đẩy giá xăng trong nước cũng đi lên và khiến các chi phí đi kèm tiếp tục nhích lên. Tất cả các yếu tố này đã làm tăng cao chi phí sản xuất các sản phẩm đầu ra chủ lực của ngành chế biến thực phẩm từ trứng, thịt heo, thịt gà, thủy sản…

Trong khi đó, ở thời điểm này khi sức mua từ thị trường yếu mà giá đầu vào tăng cao. Ngược lại, hàng hóa bán ra lại phải kìm giá để chia sẻ áp lực chi tiêu với người tiêu dùng. “Điều này đang khiến các doanh nghiệp trong ngành đang đứng trên đống lửavì lợi nhuận ngày càng sụt giảm nghiêm trọng, chưa kể chi phí cho công tác bảo đảm an toàn phòng dịch”- Ông Hiến nói và cho biết thêm: "Chính lúc này, tất các doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm là nơi đang thật sự rất cần và được ưu tiên hấp thụ nguồn vốn từ ngân hàng thông qua hỗ trợ cho vay mới, giảm lãi suất cho vay để tiếp tục ổn định sản xuất.

Trước những khó khăn của doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cũng đã có ý kiến góp ý kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp trong và sau dịch Covid-19. Theo HUBA, đối với gói hỗ trợ tài khóa, Thành phố cần thực hiện giãn, hoãn thuế, tiền thuê đất, đồng thời xem xét tăng thời gian gia hạn thuế đến hết tháng 12/2021.

Ngoài ra, cần giảm thuế giá trị gia tăng các ngành ảnh hưởng trầm trọng như du lịch, khách sạn... giảm thuế thu nhập doanh nghiệp về 15-17% theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017.

HUBA cho rằng, thành phố cần nghiên cứu cho vay lãi suất ưu đãi một số đối tượng cụ thể chứ không dàn trải như trước và cho doanh nghiệp được vay qua Quỹ Bảo lãnh Tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các ngân hàng thương mại cần điều chỉnh giảm lãi suất vay tương ứng với việc giảm lãi suất huy động. Ngoài ra, cũng cần thí điểm cho vay bằng hình thức tín chấp đối với một số ngành khó khăn do dịch bệnh và khuyến khích cho vay đầu tư trang thiết bị y tế, hạ tầng y tế, nghiên cứu vắc xin, cơ sở điều trị...

Song song đó, gia hạn gói hỗ trợ an sinh xã hội năm 2020 đến hết tháng 12/2021. Thành phố cần rà soát để yêu cầu các đơn vị thực hiện giảm bớt điều kiện và đơn giản hóa thủ tục nhận hỗ trợ, hỗ trợ chi phí đào tạo nghề cho lao động chuyển nghề do mất hay thay đổi việc làm. Qua đó, họ được nâng cao tay nghề để có thể tận dụng cơ hội dịch chuyển chuỗi sản xuất...

Đức Linh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm