Chật vật bắt tay với “đại gia” FDI
Hàng thập kỷ trôi qua, DN trong nước dù có số lượng lên đến trên 400.000 song vẫn khó chen chân được vào chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia tên tuổi đã có mặt ở Việt Nam như Toyota, Samsung, Honda, Canon…
Hiếm hoi
Tập đoàn Samsung là DN FDI có số vốn đầu tư thuộc hàng “top” ở Việt Nam, kéo theo sự hiện diện của hàng trăm DN vệ tinh cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho tập đoàn này. Trong số những nhà cung cấp cho Samsung, hầu hết là các DN FDI có nguồn gốc từ Hàn Quốc. Số lượng nhà cung cấp thuộc các nước khác chiếm vị trí rất ít ỏi. Cụ thể số DN Việt Nam trở thành nhà cung cấp cho Samsung chỉ đếm trên đầu ngón tay với những cái tên như: Công ty CP In và Bao bì Goldsun, Công ty CP Sản xuất và XNK bao bì Thăng Long, Công ty TNHH Bao bì Việt Hưng, Công ty TNHH Nam Á. Những DN này hầu hết chỉ làm bao bì cho Samsung.
Trường hợp của “đại gia” ngành ô tô Toyota cũng tương tự. Báo cáo mới đây của Toyota Việt Nam cho biết, sau 20 năm có mặt tại Việt Nam, DN này chỉ có được 18 nhà cung cấp linh kiện với 270 chi tiết và cụm chi tiết sản xuất trong nước. Đáng lưu ý, trong số 18 nhà cung cấp linh kiện cho Toyota, chỉ có rất ít DN 100% vốn trong nước tiếp cận được “đại gia” này.
Nhắc đến câu chuyện kết nối DN “nội” với DN FDI trong một hội thảo gần đây về tác động của FDI đến kinh tế Việt Nam, ông Vũ Quốc Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) kể thêm trường hợp của Canon. Ông Vũ Quốc Huy chia sẻ: Canon đầu tư vào Việt Nam từ năm 2001 với tổng vốn đầu tư hơn 300 triệu USD, thời điểm đó đây là dự án có vốn đầu tư lớn. Khi thành lập, Canon chỉ có 7 nhà cung cấp, nay đã lên tới hơn 100 nhà cung cấp, tỷ lệ nội địa hóa của Canon hiện nay là hơn 60%. Tuy nhiên số lượng nhà cung cấp là DN Việt Nam chỉ chiếm khoảng gần 10% trong tổng số nhà cung cấp.
Cũng tại hội thảo trên, Ths Vũ Hoàng Dương, Viện Kinh tế Việt Nam cho biết: Khi tôi hỏi Honda về tỷ lệ nội địa hóa thì nhận được câu trả lời là 40%. Tuy nhiên việc nội địa hóa này chủ yếu do các DN nước ngoài đặt cơ sở sản xuất tại Việt Nam cung cấp cho Honda, còn rất ít DN Việt Nam tiếp cận được chuỗi sản xuất của Honda.
Trong khi đó, tại tham luận gửi Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân vừa diễn ra, ông Atsusuke Kawada, Phó chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng: Tỉ lệ cung ứng từ các DN tại Việt Nam vẫn là 43,5%, đang dừng lại ở mức trong khoảng 40-45% và tỉ lệ này mãi không tăng lên được. Để các DN Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam có thể nâng cao năng lực cạnh tranh về giá thì không thể thiếu việc gia tăng cung ứng từ các DN tại Việt Nam. Vì thế, tôi mong muốn Chính phủ Việt Nam sẽ hỗ trợ hơn nữa về mặt cung cấp vốn cho các DN bản địa và đào tạo nguồn nhân lực.
Vì sao?
Đề cập đến trường hợp của Samsung, Canon, ông Vũ Quốc Huy cho rằng: Đặc điểm chung của hai DN này là họ mong muốn nhận sự cung cấp linh kiện, phụ tùng từ DN trong nước. Họ sẵn sàng tìm kiếm, lựa chọn công ty trong nước có tiềm năng để hỗ trợ, tư vấn, đào tạo chuyển giao công nghệ, để DN Việt cung cấp sản phẩm cho họ. Thách thức là DN Việt phải đáp ứng những yêu cầu rất cao về các tiêu chuẩn chất lượng, giá cả, công nghệ. Để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu này, về nguyên tắc các DN trong nước phải phá vỡ một mắt xích để thay thế một mắt xích đó, đây thực sự là điều khó khăn.
Ông Nguyễn Huy Hoàng, chuyên gia nghiên cứu của Trung Tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội quốc gia nhận định: Mối liên kết giữa DN FDI và DN “nội” phụ thuộc một phần vào năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam. Nếu DN Việt Nam có thể cung ứng nguyên vật liệu với giá thành cạnh tranh thì họ sẽ mua. Nếu họ mua linh kiện ở Thái Lan, Indonesia với chất lượng tương đương song giá thành lại thấp hơn thì không có lý do gì họ lại mua ở Việt Nam.
Khi bàn về khả năng nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của Toyota Việt Nam, nghiên cứu của TS. Lê Hồng Nhật, PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng: Nếu để Toyota tự bỏ nỗ lực nội địa hóa, sẽ có quá ít lực đẩy cho việc phát triển công nghiệp sản xuất linh kiện, phụ trợ tại Việt Nam. Việt Nam đang vấp phải trở ngại lớn trong việc tiếp cận nguồn lực, thị trường và tăng XK vì vắng bóng các ngành công nghiệp sản xuất linh kiện, phụ trợ nội địa. Đó là một bài học về chính sách mà Việt Nam cần phải rút kinh nghiệm rất nghiêm túc. Một môi trường đầu tư kinh doanh tốt, có nhiều ngành công nghiệp sản xuất linh kiện nội địa, cần phải có sự hỗ trợ về chính sách khuyến khích của Chính phủ. Khi đó, sẽ không chỉ có riêng Toyota, mà Samsung, LG và nhiều công ty khác sẽ được hưởng lợi từ chính sách khuyến khích của Chính phủ. Và ngược lại, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc tăng khả năng tiếp cận nguồn lực, thị trường của các DN. Bởi điều đó làm tăng công ăn việc làm, tăng nguồn thu ngoại tệ từ XK và tăng nguồn thu thuế cho ngân sách, từ đó tạo ra sự phát triển bền vững như các nền kinh tế thần kỳ ở Đông Nam Á đã làm.
Theo HQ Online
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo