Hỗ trợ doanh nghiệp

Chiêu thức né bị thu hồi 4.180 m2 đất “đắp chiếu” hơn 10 năm?

(DNVN)-Đất dự án “trụ sở VEC” để hoang, không sử dụng hơn 10 năm, theo quy định của pháp luật thì đã phải bị thu hồi từ rất lâu. Nhưng nay, VEC vẫn “đắp chiếu” để đấy, bằng cách nào và để làm gì?

Thiếu vốn và xin đổi “mục tiêu”?

VEC là 1 trong số 23 doanh nghiệp được UBND TP. Hà Nội cấp đất để xây dựng trụ sở làm việc, tại Khu đô thị mới Cầu Giấy, nhưng để bỏ hoang suốt từ 2008 đến nay.

Ngày 4/8/2017, UBND TP Hà Nội ra văn bản yêu cầu 23 đơn vị có dự án “đắp chiếu” thuộc diện phải thu hồi (trong đó có VEC) báo cáo tình hình triển khai, báo cáo năng lực tài chính thực hiện, cam kết tiến độ thực hiện dự án. Trường hợp không còn nhu cầu và không còn khả năng thực hiện phải bàn giao lại cho thành phố và nhận lại tiền đặt cọc…

Trụ sở làm việc mới của VEC tại 219 Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội.

Trả lời công văn của Tạp chí điện tử Doanh nghiệp Việt Nam (doanhnghiepvn.vn) về việc chậm triển khai dự án, gây lãng phí tài nguyên đất của nhà nước, VEC cho biết: VEC đã có báo cáo Bộ Giao thông vận tải, và Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đầu tư dự án Trụ sở VEC. Theo đó, VEC đã xin “thay đổi mục tiêu và hình thức đầu tư” dự án “Trụ sở VEC” thành “Tòa nhà văn phòng làm việc của VEC, trung tâm thương mại dịch vụ và văn phòng cho thuê kết hợp cơ sở lưu trú ngắn ngày”. Giải thích cho việc thay đổi “mục tiêu” trên, VEC cho biết: VEC được Nhà nước giao vốn điều lệ hơn 1.000 tỷ đồng, VEC sử dụng hết vào đầu tư dự án đường cao tốc và mua trụ sở mới là các tầng 2, 3, 4, 5 – Tòa tháp A thuộc Dự án số 219 Trung Kính. Diện tích sử dụng khoảng 3.300 m2, đã chuyển về làm việc từ ngày 01/10/2017.

Tài liệu phúc đáp Tạp chí điện tử doanh nghiệp Việt Nam của VEC.

VEC không biết số tiền tiền cụ thể đã mua văn phòng này. Đồng thời, VEC cũng khẳng định rằng: Nhu cầu trụ sở của VEC trong giai đoạn 2020 – 2030 chỉ bằng 1/15 (2.860 m2) so với tổng diện tích sử dụng của Tòa nhà khi hoàn thành (43.550 m2 sàn), nên nếu xây dựng mới sẽ lãng phí cơ sở, vốn.

Câu hỏi đặt ra là: Vì sao VEC lại dùng khái niệm là thay đổi “mục tiêu đầu tư” chứ không phải là “mục đích sử dụng” như đã được phê duyệt, cũng như trong các quy định của pháp luật? 

Lại đề xuất góp vốn?

Bộ GTVT biết: VEC là doanh nghiệp nhà nước, không được kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản (Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ, Điều 21, mục 1, Khoản b) nhưng ra văn bản xin Chính phủ có chủ trương riêng.

 

Theo báo cáo của VEC, về hợp tác, VEC đề xuất phối hợp với Cty CP Tổng Cty MBLand, trực thuộc Ngân hàng Quân đội. Theo đó, VEC chỉ đóng góp bằng quyền phát triển dự án theo Giấy chứng nhận đầu tư được cấp, tiền đặt cọc sử dụng đất đã đóng và các chi phí khác VEC đã chi trả; VEC không đóng góp thêm một khoản chi phí nào khác trong quá trình thực hiện dự án.

Mặc dù biết VEC không được kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản nhưng Bộ GTVT vẫn xin chủ trương riêng cho VEC.

Sau khi dự án hoàn thành, VEC được hưởng quyền lợi tương ứng với quyền khai thác, sử dụng 03 sàn sản phẩm văn phòng của dự án để làm trụ sở. MBLand Holdings được hưởng quyền lợi tương ứng với quyền khai thác, kinh doanh toàn bộ sản phẩm còn lại.

Rõ ràng, việc VEC thiếu vốn dẫn đến chậm triển khai dự án suốt hơn 10 năm qua; đã mua văn phòng làm việc mới; nhu cầu sử dụng đến năm 2030 chỉ bằng 1/15 diện tích sàn theo quy hoạch…Thế nhưng, VEC lại nảy sinh đề xuất hợp tác, chuyển đổi “mục tiêu” từ trụ sở làm việc sang kết hợp kinh doanh, lấy đất “đắp chiếu” hơn 10 năm để đề xuất góp vốn là chưa phù hợp quy định của pháp luật. 

Theo quy hoạch được duyệt, Dự án Trụ sở VEC tại lô 20 - E4 khu đô thị mới Cầu Giấy rộng 4.180 m2, diện tích xây dựng 1540 m2, công trình cao khoảng 30 tầng và 03 tầng hầm, hiện nay được điều chỉnh xuống còn 21 tầng. VEC dự kiến số tiền xây dựng trụ sở khoảng 667 tỷ đồng, đã đặt cọc tiền thuế sử dụng đát 4,18 tỷ đồng. Dự án này đã không sử dụng – “đắp chiếu” hơn 10 năm.

Điều 64 (Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai), Khoản 1, điểm i Luật Đất đai quy định: Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.

 

Nên đọc
Phương Linh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo