Hỗ trợ doanh nghiệp

Chuẩn bị gì cho doanh nghiệp tham gia AEC?

Việc Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức thành lập vào ngày 31/12/2015, ngoài các thách thức, sẽ đem lại cho Việt Nam cơ hội lớn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo đột phá để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Vĩ mô… đã sẵn sàng

 

Cộng đồng AEC ra đời nhằm hướng tới tạo dựng một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất cho các quốc gia thành viên, gắn với thúc đẩy tự do lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động. Theo đó, bên cạnh việc thuế xuất thuế xuất nhập khẩu được đưa về 0%, AEC sẽ cho phép tự do dịch chuyển lao động giữa các nước thành viên. Điều này sẽ mang lại vô vàn cơ hội cho doanh nghiệp và người lao động, song nó cũng đặt ra hàng loạt vấn đề nan giải.

 

Tại cuộc Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Hoá giải thách thức từ AEC” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ vừa tổ chức chiều ngày 22/1, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết, ở tầm vĩ mô, Việt Nam đã chuẩn bị mọi công việc để sẵn sàng cho hội nhập thành công.

 

Thứ trưởng đánh giá, theo kết quả kỳ rà soát tháng 10/2014, việc thực hiện lộ trình, kế hoạch hội nhập AEC của Việt Nam chỉ đứng sau Singapore với 90%, trong khi các nước chỉ đạt trung bình 82,1%.

 

Mặt khác, Việt Nam đã có hệ thống pháp lý tương đối hoàn chỉnh cùng cơ chế ổn định và môi trường đầu tư ngày càng cải thiện. Về đầu tư, Việt Nam đang thu hút được lượng đầu tư nước ngoài lớn.

 

Năm 2014, Việt Nam đã đón được 20,23 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (cả cấp mới và tăng vốn). Về hàng hóa, nhiều sản phẩm của Việt Namnhư: Dệt may, nông sản, da giày... hoàn toàn đủ sức cạnh tranh tại nhiều thị trường khó tính như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc...

 

Không chỉ vậy, Nhà nước còn tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua đào tạo, quản lý, xúc tiến quảng bá và chia sẻ các kinh nghiệm trong việc áp dụng thành tựu khoa học mới. Thứ trưởng nhấn mạnh: "Việt Nam đã có cả một quá trình diễn tập để chuẩn bị cho việc tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Tuy nhiên, việc hội nhập sâu hơn trong bối cảnh mới đòi hỏi cả phía Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp phải nỗ lực nhiều hơn”.

 

Doanh nghiệp chưa vào cuộc

 

Mặc dù ở tầm vĩ mô, Chính phủ và các bộ, ngành đã chuẩn bị tương đối tốt. Tuy nhiên, ở phía các doanh nghiệp, AEC vẫn là một “thứ” gì đó xa vời.

 

Quả vậy, Giáo sư- Tiến sỹ Nguyễn Hồng Sơn- Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế- Đại học quốc gia Hà Nội cho biết, theo một nghiên cứu của trường, chỉ có hơn 60% doanh nghiệp hiểu về AEC.

 

Đồng quan điểm, ông Lê Vĩnh Sơn- Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội-nhận định, khoảng 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ thờ ơ với AEC và không quan tâm tới hội nhập.

 

Trước thực tế này, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, nên phân tích để tìm ra nguyên nhân vì sao có con số 60% và 80% như trên. Theo tiến sỹ, có một số nguyên nhân doanh nghiệp chưa mặn mà với AEC.

 

Một là, do tâm lý coi ASEAN chỉ là thị trường nhỏ, các thị trường khác quan trọng hơn. Thứ hai, thị trường ASEAN còn nhiều thủ tục và rào cản. Thứ 3, lợi thế so sánh của các quốc gia khá tương đồng, mức độ bổ trợ thương mại thấp và cạnh tranh cao. Thứ 4, còn khoảng cách rất lớn giữa công tác tuyên truyền và tiếp nhận của doanh nghiệp. Các thông tin tuyên truyền về WTO, TPP rất nhiều nhưng về AEC còn hạn chế.

 

Hơn nữa, các thông tin về AEC hiện rất chung chung, không sát thực với các doanh nghiệp trong từng ngành hàng cụ thể. Thứ 5, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đang phải “vật lộn” với cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay nên chưa đủ tiềm lực để chủ động quan tâm tới hội nhập.

 

Từ chính các nguyên nhân này, tiến sỹ kiến nghị một số giải pháp. Trong đó, cần ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tăng cường kết nối việc hội nhập các khu vực, lấy ASEAN làm trung tâm; tăng cường tuyên truyền, quảng bá với cách tiếp cận và nội dung cụ thể, sát thực; xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng kết nối được với khối doanh nghiệp FDI nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu; xây dựng cơ chế cho doanh nghiệp nhận biết trước rủi ro.

 

Với đặc tính là thị trường tương đối dễ tính, ít rào cản thương mại, tương đồng về văn hóa, thị hiếu tiêu dùng… AEC sẽ trở thành khu vực thị trường đầy tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, tiềm năng ấy có thể thành hiện thực hay không còn trông chờ rất nhiều vào hành động của Chính phủ và chính bản thân doanh nghiệp.

 

Theo Công Thương
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo