"Chuyển đổi online là cú huých quá ngoạn mục với doanh nghiệp thời Covid-19"
DNVN - Đây là nhấn mạnh của Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) Nguyễn Văn Thân tại buổi giao lưu trực tuyến "Sống sót qua đại dịch Covid-19" do CafeF tổ chức sáng 13/4/2020.
Hiệp hội Doanh nghiệp Lâm Đồng online chia sẻ giải pháp vượt bão Covid-19: “Gãi đúng chỗ” doanh nghiệp cần / Các chuỗi bán lẻ gặp nhiều khó khăn vì cách ly xã hội trong dịch Covid-19
Tham gia buổi giao lưu trực tuyến là 4 khách mời đại diện cho các hiệp hội, doanh nghiệp và chuyên gia làm chính sách. Đó là ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội DNNVV, Đại biểu Quốc hội; Ông Đào Văn Hùng - Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Ông Đặng Hồng Anh - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Thành Công; Ông Nguyễn Hoà Bình - Chủ tịch HĐQT NextTech Group.
Cơ hội vàng cho DN áp dụng chuyển đổi số
Một trong những chủ đề nổi bật được các khách mời tham dự giao lưu nhấn mạnh là sức mạnh của chuyển đổi số giúp doanh nghiệp (DN) tồn tại và vượt qua dịch Covid-19 như thế nào.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam - cộng đồng đã, đang và sẽ chịu tác động mạnh mẽ bởi đại dịch Covid-19, ông Nguyễn Văn Thân chia sẻ, hoạt động phối hợp giữa các DNNVV tại Việt Nam là tương đối hạn chế. Do đó, rất cần đến những giải pháp công nghệ để các DN có thể chia sẻ hàng hóa, nguồn lực tài chính với nhau 1 cách nhanh chóng và hiệu quả.
Trong khủng hoảng Covid-19, rất nhiều doanh nghiệp đã tìm ra cách đối phó với khủng hoảng bằng cách chuyển dịch vụ của mình lên online và sử dụng các shipper để giao hàng với các hàng hoá vật chất và rất nhiều dịch vụ đã được online.
Vậy việc chuyển đổi online này chỉ diễn ra mạnh trong thời dịch hay sẽ trở thành một cú huých cho chuyển đổi online hậu dịch? Với câu hỏi này từ người điều phối buổi giao lưu trực tuyến, Chủ tịch Nguyễn Văn Thân khẳng định việc chuyển đổi online trong bối cảnh hiện nay là 1 cú huých quá ngoạn mục.
"Từ trước đến nay Chính phủ kêu gọi, hiệp hội kêu gọi nhưng DNNVV đa số là bảo thủ, thích đi theo mô hình cũ, bởi tiếp cận công nghệ mới thì phải đầu tư nên họ hay ngại ngần. Nhưng giờ thì họ buộc phải làm, không làm thì không có khách hàng", ông Thân chia sẻ.
Chủ tịch VINASME Nguyễn Văn Thân tham gia Giao lưu trực tuyến"Sống sót qua đại dịch Covid-19" do CafeF tổ chức sáng 13/4/2020.
Chủ tịch VINASME cho biết, có đến 70% doanh nghiệp là Hội viên của VINASME đang chuyển mình theo hướng này. Điều rõ nhận thấy nhất là có nhiều DN hội viên hoạt động trong lĩnh vực tư vấn đã cung cấp dịch vụ ngay trên không gian mạng, thay vì đến tận nơi để trò chuyện. Hơn nữa, các cuộc họp trực tuyến giữa Trung ương Hội và các hội viên cũng đã tăng lên đáng kể.
"Đây là cú huých có lợi rất lớn cho cộng đồng DN và Chính phủ. Theo đó tiết kiệm tiền bạc vì đầu tư cho phong trào này không đơn giản. Đối với DNNVV, trong thời kỳ rỗi rãi như thế này cần phải có tư duy mới hiện đại hơn và không có gì đúng hơn là chuyển đổi số. Tất cả các DN nên giành time, vật chất cụ thể để đầu tư cho việc này", Chủ tịch VINASME gợi ý.
Là chủ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, ông Nguyễn Hoà Bình - Chủ tịch HĐQT NextTech Group khẳng định, dịch bệnh hiện nay là cơ hội vàng cho DN đi lên một tầm cao mới.
"Đây là cơ hội vàng để đưa năng lực ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, không chỉ của doanh nghiệp mà từng người dân lên 1 tầm cao mới. Trong quá khứ, chúng ta đã có những cú huých liên quan đến chính sách đội mũ bảo hiểm, hay không uống rượu khi tham gia giao thông là ví dụ. Những sự kiện, sự cố có tác động thay đổi toàn bộ thói quen xã hội. Đây là cơ hội vàng cho các doanh nghiệp công nghệ và toàn thể người tiêu dùng Việt Nam đi nhanh hơn lên hiện đại hóa", ông Nguyễn Hòa Bình chia sẻ.
Theo phân tích của Shark Bình, vết thương từ cuộc khủng hoảng dịch bệnh Covid-19 này quá lớn, chưa biết bao giờ mới kết thúc. Ngay kể cả kết thúc rồi nhưng vết thương của nó khiến cả người dân và doanh nghiệp phải phòng ngừa, duy trì các kênh online song song với offline. Có thể nói, cú huých này bằng cả chục năm xã hội kêu gào chuyển đổi số.
Ông Bình lấy ví dụ một quan bar nổi tiếng ở Trung Quốc bị đóng cửa vì dịch Covid-19. Thay vì nằm yên, họ đã livestream chương trình đánh nhạc kéo dài 5 tiếng. Họ thu hút hơn 1 triệu người tham gia trong khi thực tế, khi hoạt động, họ cùng lắm chỉ có thể thu hút được một vài nghìn người. Hoạt động online giúp họ thu về 2 triệu tệ (khoảng 6 tỷ đồng) từ tiền tip. Thành công này khiến họ tính tới hình thức mới là kinh doanh online ngay cả khi dịch bệnh đã qua đi.
"Chuyển đổi số các hoạt động kinh doanh là tất yếu và không thể thiếu của mọi ngành nghề. Tôi dự đoán rằng xu hướng tới là giảm đầu tư vào offline và tập trung nhiều hơn vào online. Một xu hướng kinh doanh mới và lớn, sẽ bắt đầu phát sinh từ cuộc khủng hoảng này", ông Bình nhìn nhận.
Với những phân tích trên, Chủ tịch HĐQT NextTech Group cho rằng, trong thời gian này, doanh nghiệp và người tiêu dùng có thời gian nghe tư vấn và tìm hiểu về công cụ chuyển đổi số. Trong khi đó, các doanh nghiệp chuyển đổi số không nên cần hỗ trợ từ Chính phủ mà phải hỗ trợ ngược lại cho xã hội với các giải pháp tốt, ngon, bổ, rẻ. Khi có các sản phẩm tốt, cần hỗ trợ về thời gian dùng miễn phí cũng như chi phí sử dụng để giúp đỡ xã hội vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Tăng cường tinh thần tương thân tương ái
Ngoài vấn đề chuyển đổi số, các khách mời tham gia giao lưu có chung nhận định rằng, bên cạnh sự chủ động từ chính mỗi doanh nghiệp thì tinh thần chia sẻ giữa cộng đồng doanh nghiệp cần được đẩy mạnh để tạo khối sức mạnh, vượt qua khó khăn.
Theo Chủ tịch VINASME, doanh nghiệp phải chủ động đưa ra các giải pháp cứu lấy mình dựa trên những nền tảng pháp luật và chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã, đang và sắp có hiệu lực. Những nỗ lực của của Nhà nước sẽ không đạt được hiệu quả tối đa nếu sự nỗ lực đó chỉ đến từ một phía. Do vậy, để vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19 thì yếu tố quan trọng đối với doanh nghiệp là sự thích ứng", Chủ tịch VINASME nói.
Bên cạnh đó, giải pháp tương trợ lẫn nhau giữa các DNNVV, và với DN lớn có ý nghĩa hết sức cấp thiết và khả thi. Người này có thể trở thành nhà cung ứng cho người kia và ngược lại người kia sẽ là thị trường tiêu thụ của người này. Bấy lâu nay chúng ta quá tập trung vào sự liên kết chuỗi giữa DN trong nước và DN nước ngoài, mà quên đi sự liên kết đặc biệt quan trọng giữa các DN trong nước với nhau.
Cùng quan điểm này, ông Đặng Hồng Anh - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam chia sẻ: Hiệp hội Doanh nhân trẻ Việt Nam thường khuyến khích sử dụng các sản phẩm của nhau. Tinh thần dân tộc, tinh thần tương thân tương ái, hỗ trợ đoàn kết của Việt Nam là rất lớn. Trong bối cảnh này, tính thích nghi của DN Việt cũng lớn.
"Qua đợt này tôi cũng thấy được vai trò của các hiệp hội ngành nghề, hiệp hội doanh nghiệp ở Việt Nam đã nâng lên một tầm cao mới. Doanh nghiệp nên tham gia hiệp hội, vì nếu một mình chúng ta đơn thân ý kiến thì khó. Nếu tham gia hiệp hội, sau khi có sự thống kê ý kiến của các hội viên thì Hiệp hội dễ có thể ý kiến với Chính phủ và các bộ ban ngành để có chính sách hỗ trợ, thậm chí là tìm kiếm thị trường để các ngành, doanh nghiệp có thể tiếp cận kinh doanh các sản phẩm dịch vụ của mình".
Theo ông Hồng Anh, Hiệp hội Doanh nhân trẻ cũng khuyến khích các thành viên chia sẻ thông tin về các thị trường, liên kết với đại sứ quán các nước, tìm kiếm các hiệp hội tương đồng với mình để giao lưu, chia sẻ thông tin, sản phẩm dịch vụ để mở rộng thị trường.
"Chúng tôi khuyến khích sử dụng các sản phẩm của nhau. Khi tinh thần đó được lan tỏa tới doanh nghiệp, ta đồng lòng cùng Chính phủ vượt qua đại dịch này, ta có thể sẽ bung lại như lò xo, rất mạnh mẽ", ông Đặng Hồng Anh nhấn mạnh.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo