Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp “lội ngược dòng” trong đại dịch Covid-19

Nhiều doanh nghiệp năng động sáng tạo trong việc thay đổi, chuyển đổi nguồn cung thị trường, chu trình sản xuất và cách thức sản xuất….

Doanh nghiệp Việt trong 'cuộc chiến' duy trì tăng trưởng / Chính thức gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho doanh nghiệp

Dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp (DN) hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, đây cũng là dịp để các ngành tìm những cơ hội mới để phát triển đi lên.

Trong “nguy” có “cơ”

Khi nhiều đơn vị kinh doanh đuối sức vì Covid-19 thì vẫn có những người lội ngược dòng, tìm thấy cơ hội, hướng đi phù hợp giữa lúc nguy nan. Khi khách hàng ngại tới nơi đông người, không ít DN nhanh chóng phát triển kênh bán hàng online.

Không chỉ công ty lớn, mà cả các tiểu thương tại nhiều chợ truyền thống có cửa hàng kinh doanh thực phẩm, thời trang riêng trên Facebook cá nhân, Zalo… đều không quên kết thân với dịch vụ giao hàng. Nhiều DN đang chèo lái để vượt qua dịch Covid-19 bằng cách linh động chuyển đổi sản phẩm, đổi mới mô hình kinh doanh, kịp thời thích ứng các thay đổi trong thói quen tiêu dùng của người dân.

doanh nghiep thoi covid-19 bien "nguy" thanh "co" hinh 1
Các đơn hàng và dòng tiền bị gãy do dịch Covid-19 đang khiến các DN gặp khó khăn, thử thách. (Ảnh minh hoạ)

Ông Tô Văn Nhật, Tổng Giám đốc Tập đoàn Amaccao cho biết, DN đã thay đổi góc nhìn để tìm ra hướng đi mới trong phát triển thị trường. Trong bối cảnh dịch Covid-19, nguồn cung nước ngoài bị hạn chế, đây chính là cơ hội để các sản phẩm của đơn vị khẳng định được tên tuổi cũng như chất lượng để chiếm lĩnh thị trường nội địa.

“DN đầu tư máy móc thiết bị, và nhanh chóng chớp lấy cơ hội này, dần khiến khách hàng và tin tưởng vào sản phẩm của mình, tạo được cái nếp, lối mòn giữa DN với các khách hàng, đây là cách mà chúng tôi nhìn ra cơ hội để khẳng định vị thế. Khi đó các DN nước ngoài như Trung Quốc, Hàn Quốc sẽ không có cơ hội để chen chân vào”, ông Nhật cho hay.

Bùng phát dịch Covid-19, các đơn hàng và dòng tiền bị gãy đang khiến các DN gặp khó khăn, thử thách. Theo đó, gói hỗ trợ của Chính phủ là cần thiết và kịp thời, tuy nhiên cộng đồng DN đang kỳ vọng gói hỗ này phải triển khai càng nhanh càng tốt để tạo sức bật cho doanh nhiệp vượt khó.

Song song với đó, phải cải tiến quy trình thủ tục để nhanh gọn hơn, thông tin minh bạch và đầy đủ về tiêu chí, quy trình thủ tục tiếp nhận để nhận được các khoản hỗ trợ. Phải xác định đúng đối tượng thụ hưởng với những tiêu chí xác đáng và cụ thể để tránh tình trạng hỗ trợ “sai địa chỉ”. Đồng thời, cần giám sát chặt việc sử dụng nguồn hỗ trợ để bảo đảm hiệu quả chính sách.

Theo ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Hikari Việt Nam, khi thực hiện các gói hỗ trợ phải phân chia theo ngành, chỉ số đánh giá cũng theo đó mà tăng và giảm đi.

 

“Những ngành gặp khó khăn thì chỉ số đánh giá nên thấp xuống. Có những ngành vẫn đạt chỉ số cao vì đâu đó họ vẫn có cơ hội. Nếu đưa ra một gói cho tất cả các DN thì vẫn chưa phù hợp sát thực với hiện tại. Cần chia theo mô hình DN nhỏ vừa, DN lớn và đưa ra các gói phù hợp với các ngành của DN đó”, ông Cường nêu ý kiến.

Biện pháp dài hạn

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Covid-19 là thời điểm để các ngành quan chức năng, DN cùng có biện pháp dài hạn trong tương lại. Trong bối cảnh này phải có sự năng động sáng tạo trong việc thay đổi, chuyển đổi nguồn cung thị trường, chu trình sản xuất, cách thức sản xuất…

Theo đó, những trường hợp nào có thể làm việc được từ xa, sử dụng công nghệ… các DN phải đầu tư để tiếp cận và thay đổi, tiếp cận thị trường để đáp ứng. Cùng với đó, Chính phủ vẫn tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô; Triển khai mạnh mẽ nhóm hỗ trợ cho các DN, các ngành nghề chịu thiệt hại trực tiếp bởi dịch covid 19 nhằm giúp DN đủ sức chống chịu vượt qua thời kỳ khó khăn này. Từ đó nhằm duy trì được đà tăng trưởng của nền kinh tế.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh khuyến nghị, về dài hạn chúng ta cần phải nghĩ đến tái cấu trúc lại, đa dạng hóa thị trường. Đối với các gói hỗ trợ cần cụ thể để có thể đưa đến tận tay những DN nhỏ và vừa và những DN siêu nhỏ, vì đây những đơn vị rất khó tiếp cận với những gói tín dụng.

 

“Chính quyền các địa phương cần có sự đánh giá xem xét đối với các DN nhỏ và vừa, DN siêu nhỏ để trên cơ sở đó có những biện pháp gì cụ thể. Ví dụ như hỗ trợ cho những người làm công bị mất việc, những lao động bị mất thu nhập. Tạo điều kiện liên kết các DN để họ tìm ra thị trường mới ở trong nước cũng như nước ngoài để họ có thể tiếp tục sản xuất, kinh doanh”, ông Doanh lưu ý.

Còn rất nhiều DN hiện nay đang loay hoay giải bài toán về nguồn nguyên liệu, phụ tùng, linh kiện và các nguyên liệu, vật liệu đầu vào… Do đó cần có sự nỗ lực mạnh mẽ thì mới có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng. Thực tế hiện nay đòi hỏi các DN phải tìm kiếm các thị trường xuất khẩu ở một số khu vực khác như Trung Đông, châu Phi, châu Âu để thay thế.

Để vượt qua và tiếp tục trụ vững trên thương trường, ngoài việc các DN chủ động tìm được những cơ hội cho mình trong bối cảnh này, thì những hỗ trợ của Chính phủ trong việc giãn nợ, giãn thuế và giảm lãi suất; hỗ trợ xúc tiến thương mại ra các thị trường nước ngoài nhằm đa dạng hóa thị trường là những giải pháp cần thiết./.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm