3 lý do chính khiến các SME ngại "chuyển đổi số"
(DNVN) - Theo ông Vũ Minh Trí - Phó Tổng giám đốc của VNG, phụ trách mảng Cloud Services, có 3 lí do chính khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) e ngại “chuyển đổi số”.
Tổng Kiểm toán Nhà nước: Lo Việt Nam thành bãi rác công nghệ trong cách mạng 4.0 / Cung cấp kiến thức cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuyển đổi kinh tế số
Trong phiên thảo luận tại Diễn đàn Vietnam Digital Economy hôm 01/11, ông Vũ Minh Trí - Phó Tổng giám đốc của VNG, phụ trách mảng Cloud Services đã đưa ra nhận định trên.
Theo trình bày của ông Trí, 3 lý do về tài chính, nhân sự, thay đổi công nghệ khiến nhiều SME e ngại chuyển đổi số. Cụ thể như sau:
Một là, Cách mạng 4.0 tạo tiền đề cho những thay đổi và cải tiến, đồng nghĩa với một môi trường kinh doanh khó dự đoán hơn bao giờ hết. Công nghệ thịnh hành ngày hôm qua có thể không còn phù hợp trong nay mai.
Ông Vũ Minh Trí (người cầm micro) - Phó Tổng giám đốc của VNG, phụ trách mảng Cloud Services, phát biểu tại diễn đàn.
Chính điều này dẫn đến lí do thứ hai khiến SME “chùn bước”: mỗi quyết định đầu tư cơ sở hạ tầng và thiết bị công nghệ đều đòi hỏi năng lực tài chính vững mạnh, thứ mà hầu hết các SME chưa có.
Thứ ba là lý do nhân sự. Đây cũng là vấn đề nan giải khi lực lượng lao động đủ trình độ để quản lí và vận hành công nghệ không dễ chiêu mộ.
Theo VNG, khái niệm “chuyển đổi số” đang được nhắc đến rất nhiều trong thời gian gần đây. Tuy vậy, giữa tiềm năng dự báo và khả năng khai thác tối đa còn tồn tại khoảng cách khá xa, nhất là trong trường hợp của các doanh nghiệp nhỏ và vừa – bộ phận chiếm hơn 97% trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Ngoài việc phân tích thực trạng, tại diễn đàn Vietnam Digital Economy, các chuyên gia từ nhiều tổ chức kinh tế lớn trong và ngoài nước đã thảo luận về giải pháp cho các SME nhằm giải thiểu rủi ro khi "chuyển đổi số".
Trong đó, đáng chú ý là giải pháp điện toán đám mây (Cloud) – dịch vụ cho phép doanh nghiệp truy cập tài nguyên điện toán dùng chung (server, ứng dụng, lưu trữ, mạng, dịch vụ) thông qua kết nối mạng mọi lúc mọi nơi.
Thay vì việc phải tính toán xem có mở rộng kinh doanh trong tương lai hay không, phải đầu tư bao nhiêu server, thì nay doanh nghiệp chỉ cần yêu cầu đối tác cung cấp dịch vụ điện toán đám mây làm điều này.
Nói về tiện ích của điện toán đám mây, ông Vũ Minh Trí cho biết: Nếu tự mình xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ, doanh nghiệp phải phát triển theo chiều dọc, tức là hoàn thành tính năng A rồi mới triển khai tiếp được tính năng B. Như vậy, với việc sử dụng Cloud từ bên thứ ba, rất nhiều dịch vụ đã có sẵn trên nền tảng để hỗ trợ các tính năng mà doanh nghiệp mong muốn. Doanh nghiệp mở rộng đến đâu, đối tác hỗ trợ thiết lập hạ tầng đến đó.
Theo ông Trí, đây là phát triển theo chiều ngang, tiết kiệm thời gian và chi phí một cách đáng kể cho doanh nghiệp.
PV
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo