Chuyển đổi số

Airbnb ở Việt Nam: Nhà đầu tư cắt lỗ, rút lui khỏi thị trường do du lịch quốc tế chưa phục hồi

DNVN - Nhiều nhà đầu tư kinh doanh cho thuê nhà trên Airbnb ở Việt Nam chưa thể phục hồi, thậm chí còn tìm cách rút lui khỏi thị trường, do dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, du lịch quốc tế không thể phục hồi và Việt Nam chưa mở cửa lại cho khách quốc tế.

Nhà đầu tư dịch vụ thuê phòng trên Airbnb “đo ván” vì Covid-19 / Hậu Covid-19: Những hạn chế khiến Airbnb thua xa đối thủ trên thị trường đặt phòng trực tuyến ở Việt Nam

Sau khi báo chí đưa tin “Airbnb: Cơ đồ 12 năm gây dựng tiêu tan trong vài tuần” vài ngày trước đây, nhiều người trong đó có cả những người đang kinh doanh trên Airbnb ở Việt Nam khá hoang mang về khả năng phá sản của kỳ lân công nghệ này. Tuy nhiên, đây là một thông tin xuất hiện trong đoạn phỏng vấn ngắn giữa kênh truyền hình CNCB (Mỹ) với CEO Airbnb Brian Chesky. Trong cuộc phỏng vấn này, CEO Airbnb đã đưa ra khá nhiều thông tin tích cực nhằm khẳng định Airbnb sẽ đứng vững mà không cần cắt giảm chi phí, nhân lực thêm nữa, dù dịch Covid – 19 quay trở lại.

Để độc giả có thể tự đánh giá về tương lai của Airbnb, Doanh nghiệp Việt Nam xin được dẫn lại những nội dung chính của cuộc phỏng vấn này:

Nhiều tín hiệu lạc quan từ Airbnb ở Mỹ

Trong bối cảnh dịch số ca nhiễm virus Corona tăng trở lại khiến một số tiểu bang và thành phố của Mỹ phải tạm ngưng kế hoạch mở cửa trở lại, phóng viên phụ trách mảng công nghệ của CNBC Deirdre Bosa đã có buổi trao đổi trực tuyến với CEO Airbnb Brian Chesky ngày 22/6/2020 về sự phục hồi và tương lai của Airbnb.

Mở đầu cuộc trao đổi với CNBC, Brian Chesky đã “rào trước”: “Đừng cố dự đoán tương lai của bất cứ ai (vì họ) đã không làm rất tốt trong vài tháng qua”. CEO của Airbnb chia sẻ, với tình trạng bế tắc gần như dừng hẳn của ngành du lịch từ tháng 3/2020, không có gì ngạc nhiên khi Airbnb mất gần như tất cả những gì đã xây dựng trong 12 năm qua chỉ trong từ 4 đến 6 tuần. Ông cho rằng, mọi người đều muốn ra khỏi nhà (sau thời gian giãn cách xã hội), nhưng họ muốn được an toàn, không muốn lên máy bay, không muốn ra nước ngoài… chỉ sẵn sàng lái xe vài trăm dặm đến một cộng đồng nhỏ và nghỉ lại ở đó. Vì thế, Airbnb vẫn chưa thể phục hồi hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, ông cho biết lượng đặt phòng trên Airbnb ở Mỹ cuối tháng 5 và tháng 6 vừa qua đã ngang với cùng kỳ năm ngoái mà không cần bất cứ hoạt động marketing nào. Với tín hiệu lạc quan này, B. Chesky tin rằng du lịch sẽ phục hồi lại nhưng “sẽ cần nhiều thời gian hơn bạn biết” và “nó sẽ khác”

Khi được hỏi về tương lai của Airbnb nếu dịch Covid–19 bùng phát và biện pháp đóng cửa (lockdown) có thể được áp dụng trở lại, B. Chesky khẳng định Airbnb “đã lập kế hoạch cho điều tồi tệ nhất”. Vì thế, dù đóng cửa xảy ra một hay nhiều lần nữa, các cộng đồng đóng cửa, du lịch dừng lại chúng tôi vẫn sẽ ổn. CEO của Airbnb tin rằng, với các biện pháp như tạm dừng kế hoạch mở rộng sang lĩnh vực bất động sản (Backyard), cắt giảm gần một tỷ USD chi phí marketing, cắt giảm nhân sự, cho ra đời mảng Online Experiences (trải nghiệm trực tuyến), tập trung cho lưu trú dài hạn, Airbnb đã hết sức tinh gọn đồng thời, cho thấy sự nhạy bén và kiên cường của mình. Hướng đi mới (lưu trú dài hạn) của Airbnb có vẻ khả quan khi, theo B. Chesky, gần 1/5 yêu cầu đặt phòng qua đêm ở Mỹ trên Airbnb có thời gian lưu trú lâu hơn 30 ngày.

CEO Airbnb còn cho biết số lượng đơn vị cho thuê trên Airbnb không những không giảm đi mà còn tăng lên so với trước khi có dịch Covid–19. Vì vậy, với Airbnb, điều quan trọng là thị trường có khả năng phục hồi. Airbnb vẫn đang đi đúng hướng khi nắm bắt được xu hướng “du lịch không chỉ là du lịch”. Với B. Chesky, du lịch kiểu cũ đã “kết thúc và không bao giờ quay trở lại”. Ông cho rằng sẽ có sự thay đổi về nơi mọi người đi du lịch,“thay vì chỉ đi du lịch ở một vài nơi và lưu trú trong các khu du lịch lớn, họ sẽ hướng tới hàng ngàn cộng đồng địa phương.

Airbnb đã cắt đủ sâu và đã hoàn thành việc cắt giảm chi phí với việc cắt giảm gần 1 tỷ USD cho marketing và sa thải nhân viên. Ông khẳng định, vào thời điểm hiện tại, Airbnb sẽ không có bất kỳ hoạt động makerting nào. Trong giai đoạn vừa qua, khi Airbnb không chi bất kỳ khoản nào cho quảng cáo, hoạt động kinh doanh của Airbnb “có thể có hiệu quả và đem lại lợi nhuận cao hơn một chút so với những gì chúng tôi hình dung.

Về vấn đề IPO (chào bán chứng khoán lần đầu tiên ra công chúng) của Airbnb trong năm 2020, B. Chesky cho biết ông không loại trừ khả năng này nhưng ông không cam kết. Airbnb sẽ cân nhắc các lựa chọn” khi thị trường phục hồi và du lịch cho thấy sự phục hồi bền vững đôi chút. CEO Airbnb coi bốn tháng qua là bài học cho thấy “mọi thứ không thực sự tốt hay thực sự xấu như chúng thể hiện” và vì thế, Airbnb sẽ thuận theo tự nhiên với một sự thận trọng tương đối.

Mô hình kinh doanh cho thuê phòng trên Airbnb chưa thể phục hồi do du lịch quốc tế chưa được mở cửa trở lại.

Mô hình kinh doanh cho thuê phòng trên Airbnb chưa thể phục hồi do du lịch quốc tế chưa được mở cửa trở lại.

Airbnb ở Việt Nam: Chưa thể lạc quan

Mặc dù B. Chesky đưa ra khá nhiều thông tin tốt về tương lai của Airbnb nhưng khả năng doanh nghiệp này đứng vững (nhờ tinh gọn và cắt giảm tối đa chi phí hoạt động). Nhưng ngược lại việc các host (người có phòng/nhà cho thuê trên Airbnb) ở Việt Nam có thể sống sót cho đến khi thị trường du lịch quốc tế hồi phục lại không lạc quan như vậy.

Việc Airbnb cắt giảm toàn bộ chi phí quảng cáo có thể sẽ không ảnh hưởng nhiều tới các host ở Mỹ và ở những thị trường mà Airbnb đã là ứng dụng du lịch phổ biến hàng đầu. Ở các thị trường này, khi du lịch nội địa phục hồi, các host của Airbnb có thể nhanh chóng phục hồi theo. Nhưng ở Việt Nam, do sự kém phổ biến của Airbnb so với các ứng dụng du lịch khác, sự phục hồi của thị trường du lịch nội địa không đồng nghĩa với sự phục hồi của Airbnb. Hiện nay, dù là tìm khách thuê dài hạn hay tìm khách nội địa thuê ngắn hạn, các host đều phải sử dụng các kênh đặt phòng trực tuyến khác và mạng xã hội là chính. Ngoài ra, do kém phổ biến, tính năng cho thuê dài hạn được Airbnb phát triển nhằm đối phó với dịch Covid–19 kéo dài cũng không phát huy được hiệu quả ở Việt Nam giống như ở Mỹ. Vì thế, nếu Airbnb tiếp tục bỏ hoàn toàn khâu marketing trong thời gian tới, các thị trường như Việt Nam sẽ chịu nhiều ảnh hưởng. Không có marketing, Airbnb khó có thể cạnh tranh với các ứng dụng du lịch khác để hỗ trợ host Việt Nam khai thác thị trường nội địa. Việc duy trì chỗ đứng ở các thị trường nước ngoài trong dài hạn mà không cần tới hoạt động makerting cũng là một dấu hỏi. Nếu Airbnb không thể duy trì vị trí ứng dụng du lịch hàng đầu, lợi ích mà nó đem lại cho các host ở Việt Nam sẽ giảm đi.

Trên thực tế, trước dịch Covid–19, các host ở Việt Nam có rất ít hoặc không cần quan tâm tới thị trường du lịch nội địa. Với xu hướng khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng, các host ở Việt Nam chỉ cần Airbnb duy trì được vị trí hàng đầu ở các thị trường cung cấp khách du lịch quốc tế chính cho Việt Nam. Kết quả kinh doanh của họ gần như phụ thuộc hoàn toàn vào sự thành công của Airbnb ở các thị trường này. Vì thế, sự phục hồi của Airbnb ở Mỹ là một tín hiệu tốt, mang lại nhiều hi vọng cho các host ở Việt Nam (và ngược lại). Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, để kênh Airbnb ở Việt Nam có thể tan băng, chỉ sự phục hồi của Airbnb là không đủ.

Các host ở Mỹ (và nhiều nơi khác) có thể cầm cự bằng sự phục hồi của nhu cầu du lịch nội địa sau khi bỏ giãn cách. Nhưng ở Việt Nam, do nhiều năm qua kênh Airbnb hoàn toàn là một kênh hướng tới khách quốc tế nên các host ở Việt Nam chỉ có thể phục hồi sau khi Việt Nam mở lại các đường bay và cho phép du khách quốc tế quay trở lại. Ngoài ra, các yếu tố khác như các biện pháp kiểm dịch Việt Nam đối với khách quốc tế sau khi mở cửa trở lại; tâm lý ngại đi máy bay, ngại đi du lịch quốc tế của khách quốc tế; mức độ suy thoái toàn cầu nếu dịch vẫn tiếp tục kéo dài… cũng sẽ ảnh hưởng tới lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tương lai. Nói chung, với các host ở Việt Nam, sự phục hồi của Airbnb có thể sẽ chẳng có ý nghĩa gì nhiều nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, du lịch quốc tế không thể phục hồi và Việt Nam không mở cửa lại cho khách quốc tế.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với CNBC, B. Chesky tự hào rằng số host trên Airbnb không giảm mà còn tăng so với trước Covid–19. Tuy nhiên, CEO của Airbnb có thể đang chỉ nói một nửa sự thật hoặc ông không biết đến những gì diễn ra ở Việt Nam… Ngoài mặt, số lượng host trên Airbnb có thể không thay đổi nhưng ở phía sau, nhiều hoạt động sang nhượng quyền kinh doanh host đã và đang diễn ra. Rất nhiều host ở Việt Nam, hình thành theo kiểu đầu tư (thuê dài hạn để cho thuê ngắn hạn), đang không thể cầm cự và “chết trước bình minh”. Nhiều người, nhất là người đầu tư 4, 5 đơn vị cho thuê, đã chọn cách chuyển giao lại các khoản đầu tư cho người khác và lặng lẽ rút khỏi thị trường. Xu hướng này ngày càng tăng sau khi có thông tin số ca nhiễm mới tăng trở lại ở một số bang của Mỹ và những thông tin cho thấy Việt Nam có thể còn lâu mới mở cửa lại cho khách du lịch quốc tế. Một số người, sau khi đăng chuyển nhượng vào tháng 5/2020, đã quyết định trả nhà và thanh lý đồ đạc để cắt lỗ vào cuối tháng 6. Một số khác chấp nhận chuyển nhượng lại khoản đầu tư với giá 0 đồng, chỉ lấy lại tiền cọc và 1 tháng tiền nhà, tặng toàn bộ số đồ đạc đã đầu tư vào đầu tháng 7.

Tuy nhiên, đối với nhiều người, đây lại là thời điểm tốt để có được món hời và là cơ hội thuận lợi để bắt đầu kinh doanh trên Airbnb. Nhiều host có vị trí đẹp, được đánh giá cao trên Airbnb, từng có thời gian dài giữ danh hiệu superhost vẫn đang được nhiều người quan tâm khi có thông tin chuyển nhượng. Với những host như vậy, người mua mới sẽ có lợi vì không phải mất công gây dựng uy tín cho host (thường mất từ một đến vài năm). Nói chung, mua lại quyền kinh doanh host trên Airbnb thời điểm này có phần mạo hiểm. Một khi chưa có vacxin, du lịch quốc tế khó có thể phục hồi bền vững. Nhưng nếu đủ khả năng tài chính, có giải pháp để trụ lại tới năm 2021 hoặc lâu hơn, giống như Airbnb đã chuẩn bị sẵn cho các kịch bản xấu nhất, việc mua lại host có lịch sử hoạt động tốt, có vị trí đẹp vào thời điểm này cũng là ý tưởng không tệ.

Hàn Phi
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo