Chuyển đổi số

Nhà đầu tư dịch vụ thuê phòng trên Airbnb “đo ván” vì Covid-19

DNVN - Chính sách hạn chế đi lại và đóng cửa phòng dịch Covid-19 của nhiều quốc gia đã khiến các công ty kinh doanh trực tuyến dựa trên nền tảng chia sẻ, kết nối giữa người có nhà ở và người có nhu cầu thuê nhà ngắn hạn bị ảnh hưởng nặng nề, mà nổi bật nhất là những nhà đầu tư cho thuê phòng trên Airbnb.

Facebook, Google Maps nhiều lần đính chính thông tin sai lệch về chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam / Truyền hình OTT tăng trưởng nóng: Bộ TT&TT khuyến cáo người dân cẩn trọng khi dùng OTT xuyên biên giới

Nhiều nhà đầu tư dịch vụ thuê phòng trên Airbnb phải tìm cách cắt lỗ

Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, tốc độ tăng trưởng trung bình của ngành du lịch trong giai đoạn 2015–2019 đạt 22,7%/năm. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong giai đoạn này cũng tăng trung bình 127%/năm, từ 7,9 triệu lượt khách năm 2015 lên tới 18 triệu lượt khách năm 2019. Đánh giá cao tiềm năng phát triển của ngành du lịch Việt Nam, ngay từ năm 2015, Airbnb đã bắt đầu tiếp cận thị trường dịch vụ lưu trú ở Việt Nam. Sự xuất hiện của Airbnb ở Việt Nam đã tạo ra một kênh cho thuê ngắn hạn hấp dẫn, khuyến khích nhiều người Việt đầu tư vào mô hình kinh doanh mua nhà để cho thuê ngắn hạn hoặc thuê nhà dài hạn để cho thuê ngắn hạn trên Airbnb.

Theo số liệu trên AIRDNA tháng 5/2020, số lượng căn hộ/phòng đăng ký cho thuê trên Airbnb ở Việt Nam hiện nay cao gấp hàng chục lần so với năm 2015, tập trung chủ yếu ở Hà Nội (10.235 căn) Hồ Chí Minh (12.603 căn), Đà Nẵng (5.197 căn), Khánh Hòa (2.947 căn), Đà Lạt (1.967 căn), Vũng Tàu (1.137 căn), Huế (772 căn) …

Theo chị T.T.T. (Cầu Giấy, Hà Nội), một người có kinh nghiệm hơn một năm tham gia Airbnb và mới rút khỏi thị trường này vài tháng trước khi dịch Covid–19 diễn ra, đa số người cho thuê trên Airbnb không phải chủ nhà. Vì vậy, khi phát sinh vấn đề, người cho thuê trên Airbnb sẽ gặp khó khăn trong khâu giải quyết. Chị T cho biết, việc quản lý hoạt động cho thuê ngắn hạn trên Airbnb cũng phức tạp hơn so với cho thuê dài hạn theo truyền thống. Chia sẻ về thu nhập qua Airbnb, chị T cho biết, cho thuê một nhà lâu dài được trung bình 8–10 triệu/tháng thì cho thuê ngắn hạn qua Airbnb, nếu lượng khách phủ kín phòng, có thể đem lại thu nhập gấp đôi, gấp ba. Nhưng khả năng kín khách trong tháng ít xẩy ra.

Với 18 triệu lượt khách quốc tế năm 2019 và quyết tâm đạt 20,5 triệu lượt khách quốc tế năm 2020 được Tổng cục Du lịch công bố vào tháng 1/2020, hầu hết các nhà đầu tư đều kỳ vọng hoạt động cho thuê lưu trú ngắn hạn qua Airbnb sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, dịch Covid–19 lan rộng khắp thế giới đã khiến mọi chuyện đảo lộn. Du lịch Việt Nam sau dịch chủ yếu trông chờ vào khách nội địa đã khiến hoạt động trên Airbnb, vốn dựa rất nhiều vào du khách quốc tế, đã gần như đóng băng. Khả năng tan băng sẽ phụ thuộc rất lớn vào tình hình dịch bệnh trên thế giới. Vì vậy, cho đến tháng 5/2020, trong nhiều nhóm liên quan đến Airbnb trên mạng xã hội Facebook, các nhà đầu tư, đặc biệt là những người phải đi vay để đầu tư, đã phải sang nhượng lại căn hộ/phòng để cắt lỗ hoặc phải chuyển hướng sang cho thuê dài hạn thông qua các kênh cho thuê khác.

Chị N, một người có thâm niên trong ngành khách sạn/resort, có hơn hai năm kinh nghiệm đầu tư vào hoạt động cho thuê ngắn hạn và hiện đang quản lý 4 phòng cho thuê ở Hà Nội trên Airbnb, trong đó có phòng từng đạt Superhost trong năm 2019, chia sẻ với Doanh nghiệp Việt Nam, chị N cho biết, hoạt động cho thuê ngắn hạn trên Airbnb bắt đầu đi xuống từ thời điểm tháng 2/2020, sau khi phát hiện bệnh nhân số 17 dương tính với virus SARS–CoV–2 ở Hà Nội. Vì đầu tư ban đầu cao (sửa chữa, thiết kế để cho thuê lại…) các chủ đầu tư thường ký hợp đồng dài hạn, từ 3 năm trở lên.

Trong thời gian dịch Covid–19, nhiều chủ nhà không chia sẻ rủi ro, không hỗ trợ tiền thuê nhà hoặc giãn thời gian trả tiền nhà cho người đi thuê dài hạn. Trong khi đó, sự quan ngại của cộng đồng cư dân đối với dịch Covid–19 cũng khiến hoạt động cho thuê ngắn hạn trên Airbnb trở nên khó khăn hơn. Để tránh hàng xóm có ý kiến, vốn là khó khăn thường gặp đối với người cho thuê ngắn hạn trên Airbnb, chị N đã quyết định ngừng cho thuê trong suốt thời gian dịch. Tuy nhiên, vì không phải đi vay để đầu tư, nên khi Hà Nội ngừng giãn cách xã hội, chị N vẫn có thể tiếp tục duy trì các khoản đầu tư của mình.

Khi được hỏi về khả năng phục hồi của hoạt động cho thuê trên Airbnb, chị N cho biết, với 90% lượt khách là người nước ngoài, hoạt động cho thuê trên Airbnb sẽ phụ thuộc nhiều vào diễn biến của dịch Covid trên thế giới. Với việc chỉ có một, hai khách Việt thuê ngắn ngày sau giãn cách xã hội, chị N đang phải chuyển hướng sang cho thuê dài hạn cho đến khi thị trường phục hồi. Ngoài tìm khách thuê dài hạn trên nhiều kênh khác nhau, chị N cũng đưa ra chính sách giảm 5% cho khách thuê theo tuần và 10% cho khách thuê theo tháng trên Airbnb. Mặc dù không nhận được sự hỗ trợ nào từ Quỹ hỗ trợ Superhost của Airbnb, chị vẫn bày tỏ sự thông cảm khi cho rằng “bản thân Airbnb cũng đang gặp khó khăn”.

Với chị N, và có lẽ với nhiều nhà đầu tư khác nữa, khi “cả ngành du lịch phải sống bằng thị trường nội địa” thì thị trường cho thuê ngắn hạn trên Airbnb hiện nay coi như đã “sập đo ván vì vụ Covid-19”. Tuy nhiên, khi được hỏi về tương lai của Airbnb ở Việt Nam, chị cho biết “sẽ tiếp tục đầu tư. Khi ngành du lịch hồi phục thì Airbnb vẫn là kênh bán tốt”.

Dịch vụ cho thuê phòng trên Airbnb chờ cơ hội phục hồi sau Covid-19.

Dịch vụ cho thuê phòng trên Airbnb chờ cơ hội phục hồi sau Covid-19.

Cái hắt hơi của kỳ lân Airbnb

Theo Wall Street Journal, mặc dù doanh thu năm 2019 tăng 32% nhưng Airbnb vẫn lỗ 674 triệu USD. Sự gia tăng chi phí trong công tác quản lý, vận hành, phát triển sản phẩm, tăng cường đầu tư cho bảo mật và nâng cấp hệ thống là những nguyên nhân chính dẫn tới kết quả thua lỗ nói trên. Với việc dịch Covid–19 lan rộng và diễn biến phức tạp trên toàn cầu, giá trị vốn hóa của Airbnb ở vòng gọi vốn tháng 4/2020 chỉ còn 18 tỷ USD, giảm 42% so với mức 31 tỷ USD ở vòng gọi vốn tháng 9/2017. Khả năng IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu tiên ra công chúng) của Airbnb cũng khó có thể thực hiện vào cuối năm 2020. Ngay cả khi Airbnb gọi được 1 tỷ USD dưới dạng nợ và chứng khoán vốn từ Silver Lake và Sixth Street Partners vào tháng 4/2020, Business Insider vẫn nhận định khá bi quan khi cho rằng, nếu không có thêm nguồn đầu tư mới, Airbnb có thể sẽ cạn tiền mặt vào năm 2021.

Trong nỗ lực cắt giảm chi phí để duy trì hoạt động, tháng 4/2020, Brian Chesky, CEO của Airbnb đã công bố kế hoạch tạm dừng toàn bộ hoạt động marketing, tuyển dụng nhân viên mới, giữ lại tiền thưởng của nhân viên... Một tháng sau, Airbnb tiếp tục thông báo kế hoạch cắt giảm 1.900 nhân viên, chiếm khoảng 25% tổng số nhân viên của công ty. Ngoài ra, Airbnb cũng có dấu hiệu bất ổn trong bộ máy lãnh đạo ở cấp cao nhất.

Tháng 3/2020, trong một nỗ lực giữ chân khách hàng, CEO Brian Chesky đã đưa ra chính sách cho phép khách hàng, vì lý do liên quan tới dịch Covid–19, được hoàn tiền 100% và không tính phí khi hủy đặt phòng “trước hoặc vào ngày 14/3/2020, ngày check-in từ 14/3 đến 14/4/2020”. Tuy nhiên, chính sách này lại khiến cộng đồng chủ nhà trên Airbnb tức giận. Các chủ nhà cho rằng chính sách của Airbnb đã khiến họ bị thiệt hại, bị lạm dụng vì Airbnb không thể chứng minh sự liên quan giữa việc khách hủy đặt phòng với dịch bệnh. Để làm hài lòng cả hai bên, CEO Chesky hứa sẽ chi 250 triệu USD để bù đắp 25% doanh thu mà các chủ nhà trọ bị mất do chính sách nói trên. Một nhóm thành viên Hội đồng quản trị đã chỉ trích chính sách này và gây sức ép nhằm buộc Chesky từ chức. Ngoài ra, sáng kiến Airbnb Experience của Chesky cũng gặp sức ép đòi “khai tử” từ hội đồng quản trị khi nó được cho là đã gây ra khoản lỗ gần 1 tỷ USD cho Airbnb từ khi ra mắt. Tuy nhiên, cho đến nay, sau thành công gọi vốn 1 tỷ USD vào tháng 4/2020, Chesky và Airbnb Experience vẫn đang đứng vững.

 

Để giải quyết khó khăn và tiếp tục phát triển trong môi trường du lịch bình thường mới, Airbnb đã đưa ra nhiều giải pháp như tạm dừng đánh giá Superhost; thành lập Quỹ cứu trợ Superhost 17 triệu USD; xây dựng Quy trình làm sạch mới (Cleaning Protocol); đưa ra tính năng Booking Buffer nhằm đảm bảo thời gian trống 72 tiếng đối với với các chủ nhà không cam kết Quy trình làm sạch mới; phát triển tính năng mới Online Experience cho phép các chủ nhà chia sẻ trực tuyến các kỹ năng, trải nghiệm của họ với khách hàng và tập trung vào phân khúc cho thuê dài hạn để thu hút thêm khách hàng.

Hàn Phi
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm