Chuyển đổi số

Ba nhóm đối tượng nên cấm tuyệt đối, hoặc hạn chế tối đa dùng Zoom

DNVN - Các công ty công nghệ, các cơ quan, tổ chức thuộc chính phủ, hay các cơ sở giáo dục đào tạo, là ba nhóm được các chuyên gia khuyến cáo không nên dùng hoặc hạn chế tối đa dùng Zoom trong công việc.

6 cách sử dụng phần mềm Zoom để học tập và làm việc từ xa an toàn / Cục An toàn thông tin phát hiện 500.000 tài khoản Zoom bị lộ lọt thông tin cá nhân người dùng

Nhóm thứ nhất là một số công ty công nghệ Mỹ. Nhân viên của các công ty này thường được yêu cầu không sử dụng Zoom làm phương tiện liên lạc nội bộ. Ngày 28/3, Space X trở thành công ty đầu tiên yêu cầu nhân viên không sử dụng Zoom làm phương tiện liên lạc. Ngày 3/4, Smart Communications, một công ty chuyên dịch vụ kỹ thuật số và truyền thông không dây thuộc tập đoàn viễn thông lâu đời và lớn nhất Philippines PLDT, yêu cầu nhân viên không sử dụng Zoom khi liên lạc nội bộ trong công ty và với tập đoàn (nhưng không chặn Zoom nếu khách hàng sử dụng). Ngày 9/4, Google cũng yêu cầu nhân viên không sử dụng ứng dụng Zoom cho máy tính của công ty để liên lạc. Tuy nhiên, Google vẫn cho phép nhân viên liên lạc với gia đình, bạn bè qua Zoom trên trình duyệt và thiết bị di động.

Nhóm thứ hai là các cơ quan trực thuộc chính phủ. Ngày 2/4, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA cấm nhân viên và nhà thầu sử dụng Zoom trên các thiết bị IT của NASA, bao gồm cả các thiết bị kết nối với mạng hoặc VPN của NASA. Ngày 7/4, Bộ An ninh mạng (DCS) của Đài Loan (Trung Quốc) lấy Zoom làm ví dụ khi khuyến nghị các cơ quan chính phủ và phi chính phủ ở Đài Loan không sử dụng các phần mềm gọi video liên quan đến vấn đề “bảo mật và quyền riêng tư”. Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Úc cũng cấm quân nhân sử dụng Zoom cho các hoạt động hội nghị trực tuyến sau sự cố diễn viên hài Hamish Blake chiếm quyền điều khiển một số hội nghị trực tuyến, trong đó có một cuộc họp của Lực lượng không quân một tuần trước đó. Ngoài ra, Cơ quan Dịch vụ Quốc hội Úc (DPS) cũng yêu cầu các nghị sĩ và thượng nghị sĩ không sử dụng Zoom để họp trực tuyến.

Ngày 8/4, với lý do Zoom được nhiều đối tác sử dụng, Bộ ngoại giao Đức chỉ khuyến nghị hạn chế các hội nghị trực tuyến qua Zoom trên máy tính và trên thiết bị di động do lo ngại các rủi ro về bảo mật dữ liệu và an ninh. Tuy nhiên, các Bộ trong chính phủ Đức không có lập trường thống nhất đối với Zoom.

Ngày 9/4, Thượng Viện Mỹ cũng khuyến nghị các Thượng nghị sĩ tránh sử dụng Zoom khi cần tổ chức các cuộc họp trực tuyến.

Ba đối tượng không nên dùng Zoom trong công việc do nguy cơ bị lộ lọt thông tin.

Zoom được nhiều nơi sử dụng trong họp trực tuyến, trao đổi công việc.

Nhóm thứ ba là một số cơ quan quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục. Nguyên nhân chủ yếu của nhóm này là do vấn nạn Zoombombing. Ngày 6/4, Sở Giáo dục New York yêu cầu tất cả các trường học ở New York không sử dụng Zoom trong hoạt động dạy học trực tuyến. Ngoài New York, các bang Utah, Whashington và Nevada cũng đưa ra yêu cầu tương tự. Trường Trung học Berkeley ở California, Mỹ cũng đã cho ngưng sử dụng Zoom sau khi xảy ra sự cố Zoombombing. Bộ giáo dục Singapore (MOE) ngày 10/4 yêu cầu giáo viên ngừng sử dụng Zoom cho các hoạt động giảng dạy trực tuyến cho đến khi “các vấn đề bảo mật được giải quyết”.

Ở Việt Nam, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (Bộ TT&TT) ngày 9/4 đã đưa ra cảnh báo về tính bảo mật của Zoom và khuyến cáo người dùng lưu ý tới các tính năng bảo mật (các tùy chỉnh nâng cao trên ứng dụng) hoặc chuyển sang các ứng dụng khác có độ tin cậy và minh bạch hơn.

Nhìn chung, với những lỗ hổng bảo mật, sự không rõ ràng về mã hóa đầu cuối và các cáo buộc liên quan đến đảm bảo quyền riêng tư của người dùng nhắm vào Zoom, các công ty và cơ quan chính phủ Việt Nam có thông tin cần bảo mật nên chuyển sang các ứng dụng thay thế đáng tin cậy hơn như Microsoft Team, Skype, Google Meet. Với các cơ sở giáo dục, giáo viên và người dùng phổ thông, cần tìm hiểu hướng dẫn tùy chỉnh để nâng cao tính bảo mật khi sử dụng Zoom, tránh các sự cố Zoombombing đáng tiếc.

Điều đáng quan ngại nhất là hiện tượng một số học sinh thiếu ý thức, lười học cố tình chia sẻ đường dẫn, ID, mật khẩu lớp học và nhờ người phá rối đã được báo chí phản ảnh thời gian qua. Hiện tượng này không phải cá biệt và không chỉ xảy ra ở Việt Nam. Cảnh sát thành phố Madison, bang Connecticut, Mỹ từng bắt giữ một học sinh trường Trung học Daniel Hand vì đã chia sẻ ID, mật khẩu để một người lạ vào quấy rối lớp học trực tuyến của mình. Trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, các hoạt động giáo dục buộc phải tiến hành trực tuyến, Bộ Giáo dục Đào tạo và các cơ quan chuyên trách cần nghiên cứu để đưa ra chế tài xử lý nhằm răn đe các hành vi phá rối như vậy.

Hành vi để lộ tài khoản Zoom của lớp dẫn đến có đối tượng vào phá lớp học.

Hành vi để lộ tài khoản Zoom của lớp dẫn đến có đối tượng vào phá lớp học.

Lê Giang
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm