Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Nông dân chính là người quyết định thắng lợi của công cuộc chuyển đổi số nông nghiệp
Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Đòn bẩy phát triển nông nghiệp số, nông nghiệp sạch / Bình Định triển khai quy hoạch khu nông nghiệp công nghệ cao hơn 2.000 tỷ đồng
Những khó khăn trong chuyển đổi số
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số là quá trình học hỏi. Có một cách làm chuyển đổi số hiệu quả là xem các nước khác đã áp dụng cái gì và thế nào một cách thành công.
Với 60-70% dân số Việt Nam là nông dân thì chính họ mới là người quyết định thắng lợi của công cuộc chuyển đổi số Việt Nam rồi từ đó áp dụng cho Việt Nam. Vì chuyển đổi số thì ứng dụng quan trọng hơn công nghệ. Người ứng dụng quan trọng hơn người làm ra công nghệ. Không có người đi tiên phong ứng dụng công nghệ thì không có công nghệ.
Trước những khó khăn chồng chất khó khăn trong việc tiêu thụ nông sản cho người nông dân thời gian qua, đặc biệt trong dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng đã đưa ra một loạt những khó khăn trong công cuộc chuyển đổi số, cả về sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ … các mặt hàng nông sản mà người nông dân đang gặp phải.
Theo Bộ trưởng Hùng, khó khăn của người nông dân là không bán được sản phẩm của mình trực tiếp tới người tiêu dùng, vì thế giá nông sản đã thấp nhưng người nông dân thu về còn thấp hơn.
Khó khăn của người nông dân là bán quả chuối trong vườn nhà mình không khác gì quả chuối ở bất kỳ đâu, tức là quả chuối không xuất xứ và không thương hiệu, và vì thế giá rất thấp.
Khó khăn của người nông dân là đã nghèo nhưng mua con giống, mua phân bón không biết có đúng giá, đúng chất lượng không. Khó khăn của người nông dân là quả chuối ngàn đời vẫn là quả chuối và do vậy mà giá không tăng được, nhưng những sản phẩm khác thì đổi mới không ngừng với những chất lượng mới và do vậy mà giá tăng lên.
Khó khăn của bà con nông dân luôn là thiếu thông tin, thiếu kiến thức, thiếu đào tạo. Tại đây, Bộ trưởng cũng cho biết thêm, kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, mới được ký ngày 25/2/2021 vừa qua, cũng chỉ dám đặt mục tiêu tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt trên 55%. Đấy là tiếp cận theo cách cũ.
Nếu đứa con, đứa cháu mới học cấp 2 đã được thầy cô dạy cách lên mạng để hỗ trợ bố mẹ, ông bà lên sàn thương mại điện tử, đào tạo trực tuyến, tìm kiếm thông tin thì sao? Có thể đạt 100% lao động nông nghiệp qua đào tạo vào năm 2025 không?
Khó khăn của người nông dân luôn là khoảng cách với thành phố. Khó khăn của họ là không tiếp cận được với đào tạo chất lượng cao cho con cái, không tiếp cận được với y tế chất lượng cao. Thu hẹp khoảng cách này lại chính là lợi thế của công nghệ số, của chuyển đổi số.
Bà con nông dân cũng gặp khó khăn khi hàng nông sản hầu như không tăng được giá, tăng mãi sản lượng rồi cũng đến tới hạn. Trong khi các loại hàng hoá khác, nhất là hàng công nghệ lại tăng được giá. Bán biết bao nhiêu quả chuối, cân gạo để mua được một chiếc iPhone?
Một khó khăn nữa của bà con nông dân là phụ thuộc vào thiên tai, thời tiết. Đây là nỗi sợ ngàn năm. Vậy có công ty bảo hiểm nào không? Tại sao người đáng có bảo hiểm nhất là bà con, vì họ nghèo nhất, thì lại không có ai làm?
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Nông dân chính là người quyết định thắng lợi của công cuộc chuyển đổi số nông nghiệp.
Cần những giải pháp nào?
Trước những khó khăn trong việc tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, một sàn thương mại điện tử cho bà con nông dân có thể giải quyết được các khó khăn trên. Nhưng sàn này phải kết nối được mọi người nông dân và mọi người tiêu dùng. Bà con đưa được sản phẩm của mình lên sàn. Sản phẩm của mỗi mảnh đất phải có thương hiệu riêng, có xuất xứ không bị làm giả, giá trị của quả chuối còn có giá trị của nắng của gió nơi ấy, còn có giá trị của đất nơi ấy, giá trị của giống chuối, có giá trị của chăm sóc, cách trồng cây của từng gia đình.
Vậy quả chuối không còn là quả chuối nữa, mỗi quả chuối của mỗi cây chuối, của mỗi gia đình nông dân có sự khác biệt, có đời sống riêng, có giá trị duy nhất. Chúng ta - người tiêu dùng không chỉ là ăn quả chuối mà còn ăn cái nắng, cái gió, cái chất đất nơi ấy và cả tình cảm của người nông dân. Vì vậy, giá của quả chuối không còn giống nhau nữa.
Sàn điện tử còn kết nối bà con nông dân với các nhà cung cấp con giống, phân bón. Sàn điện tử bảo đảm chất lượng con giống, phân bón, có xuất xứ không bị làm giả, giá cả thì cạnh tranh. Các công nghệ, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã sẵn sàng hoàn thiện một sàn thương mại điện tử như vậy cho bà con nông dân.
Các doanh nghiệp bưu chính nước nhà cũng đã có đủ hạ tầng, công nghệ và khả năng để đưa sản phẩm nông sản đến từng hộ gia đình trên toàn quốc. Dù có một gia đình ở nơi xa nhất, nông sản được vận chuyển cũng không quá 2 ngày. Do vậy vẫn bảo đảm chất lượng nông sản vẫn còn tươi.
Lấy dẫn chứng từ việc tiêu thụ vải cho bà con Bắc Giang thời gian qua, Bộ trưởng Hùng cho biết, mùa vải năm nay, sàn thương mại điện tử Postmart và Vỏ Sò đã kết nối hàng triệu hộ gia đình và hàng trăm ngàn hộ gia đình đã mua được quả vải tươi. Nhiều người ở Cà Mau, ở Đà Lạt hiếm khi được ăn quả vải Bắc Giang, vì chưa bao giờ nghĩ rằng có thể đặt hàng để quả vải tươi về đến nhà mình. Năm nay thì đã khác, trên 25 triệu hộ gia đình Việt Nam, dù ở bất kỳ đâu trên mảnh đất này, đều có thể mua cân vải và nhận quả vải tươi sau nhiều nhất là 48 tiếng. Trước đây, chỉ vua chúa mới có được may mắn này. Dự kiến năm nay, trên 8.000 tấn vải sẽ được tiêu thụ trên các sàn này để đến tận tay người tiêu dùng.
Một khởi đầu như vậy đã tạo ra một niềm tin về sàn thương mại điện tử cho bà con nông dân, và sau quả vải này sẽ là hàng trăm, hàng ngàn nông sản khác. Từ hàng triệu hộ gia đình lên sàn mua bán thì chỉ cuối năm nay sẽ là hàng chục triệu.
Trong vấn đề đào tạo công nghệ và chuyển đổi số cho người nông dân, Bộ trưởng Bộ TT&TT cũng đưa ra những câu hỏi lớn trước hội nghị. Cụ thể, Bộ trưởng Hùng đặt câu hỏi: Nếu chúng ta đào tạo trực tuyến cho người nông dân thì sao? Nếu có một nền tảng đào tạo trực tuyến dạng MOOC (Massive Open Online Course) dành riêng cho bà con nông dân thì sao? Nếu có một đại học số cho bà con nông dân để họ không phải khăn gói lên thành phố học thì sao? Nếu người nông dân có trợ lý ảo để có thể hỏi về bất cứ thứ gì liên quan đến nông nghiệp, nông thôn và nông dân thì sao?
Từ đó, Bộ trưởng nhấn mạnh việc: Vậy Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) có coi việc phổ cập này là việc của mình không? Tôi nghĩ, không ai tốt hơn là Bộ chủ quản trong việc phổ cập các ứng dụng công nghệ số để nâng cao đời sống cho bà con. Bộ TT&TT sẽ đồng hành với Bộ NN-PTNT trong công cuộc này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo