Chuyển đổi số

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Đòn bẩy phát triển nông nghiệp số, nông nghiệp sạch

DNVN - TP.HCM là địa phương đi đầu trong cả nước về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thành phố chủ trương hướng đến một nền nông nghiệp công nghệ cao với quy mô sản xuất lớn, hiện đại. Tập trung vào phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp đô thị.

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp: Phụ thuộc vào tầm nhìn và chiến lược của lãnh đạo / Chuyển đổi số là con đường hiệu quả nhất, ngắn nhất và nhanh nhất để tăng tốc và bứt phá

Hiệu quả ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Thời gian qua, TP.HCM đã hình thành và từng bước hoạt động có hiệu quả các Khu nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm công nghệ sinh học, Trại trình diễn và thực nghiệm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao. Nhiều quy trình sản xuất công nghệ cao hiệu quả, đã được chuyển giao thành công cho bà con nông dân, doanh nghiệp và tổ chức trên địa bàn thành phố. Từ các mô hình trồng cây trong nhà màng, nhà kính, tưới và bón phân tự động bằng hệ thống tưới nhỏ giọt đến công nghệ vi sinh, công nghệ tế bào thực vật, sinh học phân tử ứng dụng. Đặc biệt là việc sử dụng chiếu xạ, hơi nóng xử lý trái cây sau thu hoạch.

Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao (thuộc Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao) đã nghiên cứu, xây dựng thành công nhiều quy trình canh tác rau ăn lá, rau ăn trái trồng trên giá thể trong điều kiện nhà màng áp dụng tưới nhỏ giọt.

Ngoài ra, thành phố còn phối hợp cùng các trường đại học, trung tâm nghiên cứu khoa học, các công ty ở các nước có nền nông nghiệp công nghệ cao như Nhật, Hàn Quốc, Israel, Bỉ... trong công tác tập huấn, chuyển giao, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, tham quan học tập kinh nghiệm mô hình nông nghiệp công nghệ cao quốc tế.

Sản phẩm nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ được TP.HCM chú trọng phát triển.

Sản phẩm nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ được TP.HCM chú trọng phát triển trong thời gian qua.

Hiệu quả từ việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp được thể hiện rõ, qua việc thu nhập của người dân các huyện ngoại thành gia tăng. Năm 2019, giá trị sản xuất bình quân trên 1ha đất sản xuất nông nghiệp ước đạt 550 triệu đồng/ha/năm, gấp 1,5 lần năm 2015. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng bình quân ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 là hơn 5,8%/năm. Thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình tại các xã năm 2019 đạt 63 triệu đồng/người, tăng gần 59% so với năm 2015.

Trong giai đoạn 2020 - 2025, TP.HCM sẽ tập trung vào phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp đô thị. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất giống cây, giống con chất lượng và năng suất cao, từng bước hình thành trung tâm giống cây, giống con của khu vực.

Tập trung phát triển khoa học - công nghệ, nông nghiệp công nghệ cao gắn với đào tạo nguồn nhân lực để tận dụng tốt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả, xây dựng bộ tiêu chí nông thôn mới phù hợp với quá trình đô thị hóa của vùng nông thôn thành phố. Phát triển nông thôn mới lên đô thị nông nghiệp công nghệ cao.

Tiếp tục lấy nông nghiệp công nghệ cao làm đòn bẩy

Theo Sở NN&PTNT TP.HCM, để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thành phố cũng có nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực cho người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhờ đó, bà con nông dân đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, góp phần giảm sức lao động, tăng năng suất và chất lượng nông sản.

Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các đơn vị nghiên cứu nông nghiệp về ứng dụng kỹ thuật ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất các giống lan, năm 2015 hợp tác xã (HTX) hoa lan Huyền Thoại (huyện Củ Chi) được thành lập. Từ 5 ha ban đầu, đến nay HTX đã có 21 ha với khoảng 800 nghìn gốc lan Mokara và hơn 20.000 gốc lan Denrobium.

Chương trình xây dựng nông thôn góp phần giúp người dân gắn bó với nông nghiệp TP.HCM có thu nhập cao.

Chương trình xây dựng nông thôn góp phần giúp người dân gắn bó với nông nghiệp TP.HCM có thu nhập cao.

Theo bà Đặng Lệ Thị Thanh Huyền, thành viên HTX hoa lan Huyền Thoại, liên kết và ứng dụng công nghệ cao vào trồng các loại lan đã mang lại nhiều lợi ích cho các thành viên, năng suất tăng gấp nhiều lần so với phương pháp truyền thống. Các xã viên có sự gắn kết, cùng quyết tâm phát triển HTX theo hướng cánh đồng mẫu lớn, áp dụng công nghệ cao gắn với mục tiêu xuất khẩu. Sản phẩm hoa lan được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang Nhật Bản, Cam-pu-chia… doanh thu mỗi năm hàng chục tỷ đồng.

Tương tự, nhờ ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất, đến nay HTX Nông nghiệp thương mại - dịch vụ Phú Lộc, huyện Củ Chi canh tác hơn 80 ha với sản lượng bình quân đạt 5.400 tấn rau, củ theo tiêu chuẩn VietGAP các loại một năm. Do có số lượng rau lớn và an toàn vệ sinh thực phẩm, HTX được các siêu thị lớn trên địa bàn thành phố, như Co.opmart, Big C, Lotte, Satra, Safefoods… ký hợp đồng tiêu thụ ổn định. Ngoài ra, HTX còn liên kết sản xuất, tiêu thụ với các HTX, doanh nghiệp, người nông dân, tại các tỉnh Tiền Giang, Long An, Lâm Ðồng để đa dạng hóa sản phẩm cung cấp cho thị trường.

Ông Nguyễn Quốc Toản - Giám đốc HTX Nông nghiệp thương mại - dịch vụ Phú Lộc cho biết, để đáp ứng số lượng lớn rau, củ các loại cho hệ thống siêu thị trên địa bàn thành phố, 43 thành viên HTX thống nhất phải ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất theo chủ trương của TP.HCM. Ngoài ra, ngành nông nghiệp thành phố cũng hỗ trợ cho HTX bằng nhiều chương trình trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, như hỗ trợ vay vốn, tập huấn cho các xã viên làm chủ các công nghệ mới…

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Nguyễn Xuân Hoàng cho biết, Sở tiếp tục đặt ra mục tiêu tiếp tục chuyển đổi mạnh đất trồng lúa, mía hiệu quả thấp sang các loại cây trồng, vật nuôi giá trị, hiệu quả cao, đồng thời, phát triển khoa học - công nghệ, nông nghiệp công nghệ cao gắn với đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nghề cho khu vực nông thôn.

Cùng với đó là phát triển sản xuất kết hợp du lịch sinh thái, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Thành phố hiện đang tiếp tục đầu tư các hạng mục tại Trung tâm Công nghệ sinh học, mở rộng Khu Nông nghiệp công nghệ cao và tiếp tục ban hành các chương trình, cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp đô thị.

Ðây sẽ là nguồn lực tiếp tục hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, phát triển đúng định hướng của thành phố là tập trung vào phát triển sản xuất giống cây, giống con chất lượng cao.

Theo Chi cục Phát triển nông thôn TP.HCM, đối với doanh nghiệp khi được công nhận “doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao”, doanh nghiệp sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi như hỗ trợ vay vốn, tiếp cận quỹ đất, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực... Vì vậy, TP.HCM kỳ vọng thời gian tới sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào trồng trọt, chăn nuôi và chế biến để cải thiện được năng lực cạnh tranh và nâng cao giá trị xuất khẩu.

Phạm Đức
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm